Giai đoạn nào trong đời người phụ nữ là khổ nhất? Câu hỏi tưởng dễ hóa khó. Có người nói, đó là thời kỳ mãn kinh, vì tính tình họ lúc đó rất bất thường! Các thầy thuốc thi nhau miêu tả, nào là cơn bốc hỏa nóng phừng phừng, mất ngủ, cáu gắt, khó tính. Nào là suy giảm chuyện phòng the! Đến cái đoạn này thì các hãng dược lập tức nhảy vào, nào là muốn giữ gìn tuổi thanh xuân thì nên uống gì, bôi gì. Xem kênh ti vi dạy trang điểm mà hết hồn. Đủ các loại màu, loại cọ lớn nhỏ, mặt người hoàn toàn là “mặt nạ” vì vẽ quá trời, chẳng còn gì là của mình nữa. Đàn ông có muốn ôm hôn thì coi chừng, sẽ “xơi” phải hóa chất ở môi, ở mặt, ở cổ, ở tay! Đàn bà họ bôi, đàn ông lãnh trọn là thế.
Nhưng có người phản biện: “Đã là phụ nữ thì… khổ trọn gói, chứ làm gì có lúc nào sướng. May ra thì có thời hoàng kim, các anh… xin chết! Phải tranh thủ lúc đó mà hành các ông, cho bõ sau này họ hành mình gấp năm gấp mười. Kinh nghiệm là lúc đó bắt các chàng thề thốt gì họ cũng OK!”. (Vậy mà nhiều người con gái lại tha bổng, không nhớ ra để bắt thề thốt hứa hẹn…). Đời phụ nữ khổ từ nhỏ, làm việc nhà nhiều hơn, đi lấy chồng phải có bầu, sinh con, nuôi con. Con lớn lên một chút là bắt đầu lo da lão hóa, lo đi học nghiệp vụ, nâng cao trình độ, bằng cấp. Đợi khi con lớn hẳn, không phải hầu hạ bú mớm nữa, thì cũng là lúc sắp… về hưu!
Khi nghe bà xã tôi than phiền chuyện phụ nữ khổ, tôi đành im, vì nói trái ý cô ấy là nguy hiểm ngay. Cô ấy sẵn sàng đem tôi ra phân tích để thấy tôi sung sướng ra sao, còn cô ấy khổ đến thế nào. Kỳ lạ lắm. Rất nhiều bà vợ thường hay tỵ nạnh với chồng. Bao nhiêu phụ nữ khao khát hạnh phúc làm mẹ. Vậy mà bao nhiêu bà mẹ có con rồi lại than vất vả, lo lắng.Thật không biết sao mà nói nữa. Có bà nọ kinh tế đàng hoàng, nhà biệt thự rồi, con cái trưởng thành lo làm ăn, vẫn không thấy mình sung sướng, nào là sắp vào tuổi hưu, mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, thuốc suốt ngày. Bà khác thì khỏe và giàu có, theo chồng đi chơi khắp thế giới, nhà đất khắp nơi, lại than thở chuyện cậu con lớn mâu thuẫn với bố trong công ty gia đình, đòi ra riêng. Con trai bà còn dạy con ghét bà nội, cấm vận không sang chơi với bà nữa. Nhà kia thì đám phụ nữ nhòm ngó lẫn nhau, ai mới sắm gì, ai bị nói xấu ra sao, các bà thạo tin lắm. Đầu óc họ bận rộn khi thì khoe, lúc than trách. Đúng là: cuộc đời - khối mâu thuẫn lớn.
Thì cái gì lại chẳng có mâu thuẫn. Bà xã tôi (cư dân mạng) luôn có đầy các thí dụ. Cô ấy nói: “Anh xem, các ngôi sao xứ ta tìm mọi cách để nổi tiếng, trừ cách dùng… tài năng, là vì tài năng thì khó có hơn. Có ông giáo sư Việt kiều đã than trên báo chí là ông nói chuyện với các sinh viên đại học ở Việt Nam về những yếu tố để thành công, một bạn sinh viên nghe xong nói rằng “khó quá”, bạn hỏi xem có cách nào dễ, “đi tắt đón đầu” được không, chứ học theo không nổi”. Cái văn hóa mì ăn liền đã thành nét tính cách của nhiều người Việt. Cho nên đừng trách các ngôi sao. Họ cần “hạ gục” khán giả tại chỗ, cho nên phải gây sốc bằng cởi đồ, váy áo trong suốt, đánh vào phần “con” trong người ta. Chứ đợi tài năng thì khổ công lâu lắm. Thế nên văn hóa Việt bây giờ chỉ cần “sét đánh cái đùng” cho “thượng đế choáng”. Trong khi sao Việt tìm cách nổi tiếng thì sao nước ngoài đến Việt Nam phải dùng đủ mọi chiêu để tránh được đám đông, báo chí, ống kính. Đến nỗi như ông chủ Facebook phải thuê năm, sáu nơi bố trí nhiều địa điểm tung hỏa mù để dễ trốn. May mà là tỉ phú lắm tiền mới không sợ tốn kém. Lại còn thèm khát chơi những trò Việt Nam chẳng ai chơi nữa, chỉ còn ở những xứ hẻo lánh chẳng có ti vi với internet chơi trò điện tử. Đó là cưỡi trâu, bịt mắt bắt dê! Các cư dân mạng xấu tính còn moi móc chê cô bồ của tỉ phú… chân ngắn, không đẹp! Theo suy nghĩ của các cô Việt Nam thì hễ giàu có nổi tiếng là phải theo “mẫu”: gái đẹp, biệt thự, thú chơi sang. Có biết đâu cái mẫu ấy tố cáo xứ nghèo hèn, nay có chút của thì ti toe, chứ xứ người ta nhìn giá trị ở chỗ khác. Họ không thèm những thứ đó nữa.
Thế đó, đời đầy mâu thuẫn. Cuộc sống của phụ nữ cũng vậy. Cho nên đoạn đời nào cũng thấy khổ. Bà xã tôi “tự kiểm” đi đến kết luận vậy. Sướng khổ chính là ở mình, thấy đủ, thấy vui, thấy bằng lòng và biết cách vươn lên.