Nguyên văn lời của cô bạn: "Dân Vĩnh Phúc thật là vô giáo dục từ chính tầng lớp thanh niên láo toét, hát láo, ăn trộm như rươi từ thứ nhỏ nhất trong quầy hàng cho đến thói nghiện thuốc lá 80% trên toàn dân đến những cô gái Vĩnh Phúc lẳng lơ mát mẻ dù họ bước ra từ trường chuyên hay cấp 3 thường, sự suy đồi về đạo đức ở đây khiến dù một vị giáo sư đến một tên vô công rồi nghề đều sẵn sàng chửi tục".
“Bạn là dân tỉnh nào sao lại vơ đũa cả nắm như vậy?” – bạn có nickname Tuan Tran nói trên Youtube. Còn theo Sơn Tùng Lâm: “Nói chung là em này nhìn vào những cái vi mô, cá nhân đánh giá những cái vĩ mô, tập thể là biết học thức ra sao. Là con người thì không ai là hoàn hảo cả. Trong xã hội cũng có người tốt, người xấu. Nếu đánh giá cả 1 tập thể lớn (ý mình ở đây là dân Vĩnh Phúc nhà mình) mà nhìn từ góc độ cá nhân thì thực sự em này chưa biết suy nghĩ hoặc là còn nhỏ tuổi nên cố muốn thể hiện cái tôi của bản thân mình thôi”.
Quá bức xúc, hai người phụ nữ ở Mê Linh, Hà Nội (trước thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) đã lên thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc) nơi cô bạn đang học học kỳ quân sự nói lí lẽ trước sự chứng kiến của giáo viên. Đoạn clip dài hơn 30 phút ghi lại cuộc nói chuyện này cũng đã được đưa lên Youtube. Ban đầu nữ sinh này biện minh “em xin lỗi vì không quản lí được status của mình”. Khi được phân tích nữ sinh này thừa nhận do một lần đi ăn đám cưới, bị các nam sinh “ở Vĩnh Phúc” ném một quả pháo vào đầu gối, bị rách chân nên quá bức xúc mà viết những lời miệt thị lên trang cá nhân trên mạng xã hội.
Tuy nhiên gương mặt và thái độ của cô bạn vẫn tỏ ra cứng rắn, “chưa thực sự ăn năn”. Ngày 17/1, trên trang cá nhân của mình, nữ sinh viết: “Cháu vô cùng xin lỗi và cảm thấy hối hận khi đã nói ra những lời nói không mấy thiện cảm về người Vĩnh Phúc. Lúc ấy cháu chỉ tức vì có một số bạn nam trêu đùa nên cháu đã viết những lời lẽ không đáng có. Sau khi sự việc xảy ra thì cháu đã vô cùng hối hận vì hành động bốc đồng bộc phát thiếu suy nghĩ của bản thân. Cháu chân thành xin lỗi và mong các ông bà, chú bác, anh chị thông cảm và tha lỗi cho suy nghĩ nông cạn nhất thời của cháu. Mong mọi người hãy tha thứ để tớ có cơ hội sửa sai”.
“Ai cũng có lúc sai lầm và thiếu suy nghĩ. Bạn đã biết nhận lỗi, tớ cũng mong mọi người tha thứ cho bạn” – một người bạn cùng trường với nữ sinh lên tiếng.
“Người ta đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại cả. Nếu cậu đã chân thành như thế thì nhất định mọi người sẽ cho cậu cơ hội sửa sai thôi” – thành viên có nickname Cỏ Lau động viên.
Trước đó, tháng 6/2012, nam sinh ĐH Quốc gia Hà Nội cũng khiến dân mạng bức xúc vì lập hội ghét dân Thanh Hóa. Hồi tháng 11/2012, một nam sinh cũng bị “ném đá” vì miệt thị những người thợ xây. Vừa qua, nữ sinh lớp 8 ở Quảng Nam bị nhà trường buộc thôi học một năm (sau đó đã được bảo lãnh đi học trở lại) vì thóa mạ thầy cô trên mạng xã hội. Và ngày 15/1/2013, trước sự "cái gì cũng xả" lên mạng xã hội, trường THPT DL Lương Thế Vinh, Hà Nội đưa ra những điều “cấm kỵ” khi lên Facebook dành cho học sinh trong trường gây xôn xao dư luận nhưng tựu trung có khá nhiều ý kiến ủng hộ.