TRẺ » Đời sống trẻ

Đang "yêu" hăng, ô sin xông vào bắt ngừng

Thứ năm, 05/07/2012 14:16

Đang hăng hái “lâm trận”, ô sin bỗng xô cửa xông vào, hét be be như ra lệnh cho vợ chồng tôi: “Cô cậu có ngừng lại không! Ồn ào như vậy, ai mà ngủ được”.

Có người từng nói: những năm 70 chỉ hy vọng có ti vi đen trắng để xem, đến năm 80 thì mong mỏi một chiếc vô tuyến màu. Rồi đến những năm 90, ai cũng khát khao sở hữu chiếc ti vi màu vừa to vừa xịn, thậm chí là màn hình tinh thể lỏng. Hiện nay, ti vi hay máy tính to oành chẳng còn là mốt thời thượng. Dục vọng của con người quả vô hạn.

Cũng như mọi gia đình trẻ, vợ chồng tôi luôn khát khao có được cuộc sống giàu sang hơn, no đủ hơn. Nhớ lại thời còn lít nhít, hai nhà ở cạnh nhau trong một xóm lao động. Khi ấy, bố mẹ chắt chiu từng đồng lương ở công xưởng, nuôi con ăn học. Tôi và Mai – vợ mình lớn lên với tuổi thơ nghèo đói, chẳng dám mơ tưởng tới những thứ cao sang. Cả hai học cùng nhau suốt những năm phổ thông. Khi đó, tình cảm dành cho nhau rất vô tư, trong sáng, chỉ đơn thuần là trẻ con cùng xóm.

Sau khi đỗ ĐH, mỗi đứa học một trường. Tình cảm khi ấy mới chớm nở, nhưng không ai dám thổ lộ với ai. Cứ thế, trong suốt bốn năm ĐH, chúng tôi thư từ rồi về sau tân tiến hơn dùng di động để trao gửi tình cảm. Nhận xong tấm bằng cử nhân, cả hai tất tưởi thu dọn hành lý, bắt xe về nhà, chính thức thưa chuyện cùng cha mẹ. Một tuần sau, tôi và Mai dắt nhau ra ủy ban phường đăng ký kết hôn. Một quyết định liều lĩnh và bốc đồng, bởi khi ấy, cả hai mới chân ướt chân ráo vào đời, còn chưa biết làm gì nuôi thân. Cha mẹ hai bên dù biết rõ tình cảm của các con suốt, vẫn không khỏi kinh ngạc trước sự kiện này.

Đúng một tháng sau, chúng tôi tổ chức lễ cưới. Đó là lễ cưới tiệc ngọt khá giản dị. Chỉ những người thân trong nhà mới ăn uống rượu chè. Dù đơn giản là vậy, nhưng tôi vẫn thầm cảm ơn bố mẹ đã gắng sức tác thành cho hôn sự của các con. Ngày ấy, tôi tự bằng lòng với cuộc sống của mình. Chỉ cần có tình yêu, hạnh phúc, vậy là đủ.

Ảnh minh họa.

Vậy mà cuộc sống cơm áo gạo tiền lại rất khắc nghiệt. Vì điều kiện công tác, chúng tôi thuê nhà ở riêng. Mỗi tháng một lần mới về thăm các cụ. Áp lực công việc, áp lực tiền bạc khiến tôi và Mai chưa dám nghĩ tới chuyện con cái. Còn nhớ, năm đầu tiên sau kết hôn, chúng tôi vẫn phải chắt chiu từng đồng chợ búa, xài xe số cà tàng. Tối đến, tôi tất tưởi tới trung tâm ngoại ngữ dạy thêm cho có đồng ra đồng vào.

Tới năm thứ ba, công việc của tôi có phần khởi sắc, được đề bạt làm phó phòng marketing, liên tục có những chuyến công tác dài ngày với sếp tổng người Singapore. Cuộc sống gia đình cũng vì vậy mà bớt vất vả. Ngẫm lại, quả đúng dục vọng của con người là vô hạn. Từ chuyện mơ ước có một căn nhà, giờ đây, vợ chồng tôi lại mong muốn phải là nhà lầu, xe hơi. Vì thế mà chẳng ai bảo ai, cả tôi lẫn Mai lại lao đầu vào kiếm tiền, chẳng màng chuyện con cái. Vì công việc bận rộn, chúng tôi thuê ô sin về chăm lo nhà cửa, để có chút thời gian xả hơi sau khi tan sở.

Tháng trước, mẹ chồng lên thăm, nhắc khéo chuyện con cái. Tôi bỗng thấy thương các cụ, tới tuổi này vẫn chưa có tí cháu bế bồng. Liếc sang phía Mai, tôi thấy nàng cũng đang thần mặt suy nghĩ, có lẽ là chung tâm trạng với tôi. Thế là một tháng nay, chúng tôi thả phanh để có con. Phải gìn giữ bấy lâu, giờ như nắng hạn gặp mưa rào, vợ chồng tôi "hăng máu" tới nỗi đêm nào cũng là đêm động phòng. Nhưng tối thứ bảy tuần trước, khi đang nhiệt tình “lâm trận”, cửa phòng tôi bỗng bị bật tung. Ô sin lao vào, hét be be như ra lệnh: “Cô cậu có ngừng lại không! Ồn ào như vậy, ai mà ngủ được”. Tôi điên tiết, đuổi cô ta ra ngoài. Chẳng nói chẳng rằng, ô sin quay ngoắt đi, rồi lẩm bẩm: “Đúng là ăn no rửng mỡ”…

Không có ô sin cũng khổ, mà có thì lắm nỗi phiền toái đau đầu. Đúng là đời sống càng cao, càng nhiều hệ lụy. Lúc ấy, vợ chồng tôi vừa xấu hổ, vừa tức nghẹn họng. Đến cả quyền vui vẻ riêng tư cũng bị soi mói, tới khi nào, ước mơ sinh quý tử mới thành hiện thực.

Lời bàn:

Quan hệ giữa chủ nhà và ô sin khá phức tạp, xuôi chèo mát mái thì đôi bên cùng có lợi. Nếu “ông chẳng, bà chuộc” thì càng khiến không khí gia đình thêm căng thẳng. Trong trường hợp này, người vợ nên chủ động nói chuyện riêng với ô sin, yêu cầu cô ta tôn trọng quyền tự do cá nhân của mình. Đương nhiên, hai bạn cũng cần tiết chế đôi chút, tránh ảnh hưởng tới giấc ngủ của người làm. Đó sẽ là giải pháp hợp lý nhất để toàn vẹn đôi bên.

Một khi không thể dung hòa, tốt nhất hãy tự chăm sóc cho gia đình. Hai bạn vẫn đang còn trẻ và thảnh thơi, chưa vướng bận con cái. Chút việc nhà cũng chẳng đáng là bao. Theo lời khuyên của các chuyên gia, ba năm sau kết hôn là thời điểm không còn sớm để lên kế hoạch sinh đẻ. Vì vậy, đừng quá đặt nặng vấn đề tài chính mà lãng quên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khi chung sống với nhau. Đứa con sẽ khiến gia đình thêm ấm áp và là sợi dây gắn kết tình cảm của cha mẹ.
Đất Việt