TRẺ » Đời sống trẻ

“Dù gì thì nó vẫn là chồng con”

Thứ hai, 09/01/2012 09:22

Tôi nhìn đăm đăm vào mặt Khôi trong lúc anh đang ngủ. Trông thật hiền lành. Bất giác tôi không ngăn được mình đừng thở dài khi nhớ đến những chuyện đã qua và những gì mình đang đối diện…

 
“Nè, em nhớ không, ba em hồi trước đâu có ưa tôi? Ổng còn làm giấy từ em khi em nhất quyết lấy tôi mà. Bây giờ thì tôi trả con lại cho ông ấy. Bảo ông ấy sang đây mà nhận lại, khóc lóc cái nỗi gì?”.

Giọng Khôi lạnh băng khiến tôi có cảm giác đứng trước mặt mình không phải là người đã đầu ấp tay gối suốt mấy năm qua. Tôi nhìn chồng uất ức: “Nếu biết trước anh tráo trở như vầy, tôi đã không bao giờ lấy anh”. Chồng tôi cười khẩy: “Thì bây giờ cô được tự do. Cái nhà này đứng tên tôi nên cô có thể nhẹ nhõm rời khỏi đây mà không cần phải vướng bận gì về chuyện phân chia tài sản. Tôi đã có đầy đủ giấy tờ để chứng minh đây là tài sản có trước hôn nhân. Thôi, đừng nói dài dòng nữa. Cô thu xếp đi”.

Nói rồi anh ta bỏ ra ngoài.

Tôi không ngờ là Khôi thủ đoạn như thế. Ngôi nhà này là của ba mẹ cho tôi làm của hồi môn sau khi đã không ngăn được cuộc hôn nhân của chúng tôi. Lúc đó, ba tôi đã khóc: “Trời không chịu đất thì đất phải chịu trời. Ba chỉ mong con không phải hối hận vì sự lựa chọn này. Ba mẹ chỉ có một mình con. Bây giờ thì coi như hết rồi…”. Mẹ tôi cũng khóc: “Chỉ mong nó đối xử tốt với con”.

Sau đám cưới, chúng tôi dọn ra ở riêng ngay. Dù biết ba mẹ ở một mình nhưng tôi cũng ít khi ghé về thăm vì mỗi lần như thế, Khôi lại nặng nhẹ: “Ông bà đã từ em rồi mà còn lui tới làm gì?”. Tôi lặng thinh nhìn chồng vì biết nếu trả lời thì chắc chắn sẽ sinh lớn chuyện.

Những lần sau về thăm nhà, tôi tranh thủ buổi trưa hoặc khi Khôi đi công tác. Một lần mẹ tôi hỏi: “Tụi con sống thế nào? Sao thằng Khôi không về cùng với con?”. Tôi chống chế: “Anh ấy đi công tác suốt mẹ à”. Mẹ tôi không hỏi nữa nhưng nhìn vào mắt mẹ, tôi biết bà không tin. Rồi có lần, mẹ tôi nhắc: “Tụi con cũng lớn tuổi rồi, lo mà sanh đẻ đi, đừng có chần chờ, sau này nó trục trặc thì khổ”. Tôi ậm ừ cho mẹ yên tâm, thật ra, tôi cũng muốn có con nhưng mãi chẳng thấy.

Sau đám cưới khoảng 1 năm thì xảy ra khủng hoảng tài chính. Ba tôi mất gần hết tài sản vì cổ phiếu tụt giá. Mới đầu ba mẹ tôi cố giấu nhưng sau đó thì ai cũng biết vì ba tôi là người giao thiệp rộng, làm ăn lớn. Một bữa, Khôi về nói với tôi vẻ đắc ý: “Lần này mấy thằng đại gia chứng khoán chết hết. May mà anh không nghe lời ông già em… Khôn ngoan bây giờ là phải đầu tư vô bất động sản. Một hai năm nữa kinh tế hết khó khăn mình sẽ trở thành trùm”.

Tôi không có tham vọng trở thành trùm, cũng không ham giàu có, tôi chỉ muốn một gia đình êm ấm với những đứa trẻ ngoan ngoãn, đáng yêu. Đó là điều mà khi yêu nhau, chính anh là người đã lặp đi, lặp lại bên tai tôi hàng trăm lần.

Anh bảo yêu tôi vì tôi là con nhà giàu nhưng không trưng diện, không kiêu căng tự mãn. Còn tôi yêu anh vì đó là một chàng trai giỏi giang, nổi trội nhất trong tất cả bạn học cùng lớp. Anh rất chịu khó, quan trọng hơn là anh luôn làm theo tất cả những điều tôi muốn. Nhược điểm duy nhất của anh là, khi có điều không hài lòng hoặc khi tôi lỡ nói điều gì không hợp ý, anh sẵn sàng cho tôi mấy cái tát tai.

Ba mẹ tôi không đồng ý cho tôi lấy anh xuất phát từ một lần, ba tôi bắt gặp trên má con gái còn đầy đủ mấy ngón tay sau cái tát của người yêu nó. “Yêu đương kiểu gì mà lại như vậy? Ba không thể nào chấp nhận được một thằng rể vũ phu”.

Lần đó ba rất giận. Khi Khôi đến nhà, ông đã mắng té tát và cấm cửa anh từ đó. Như để chuộc lại lỗi lầm, Khôi lại ra sức chiều chuộng tôi. Trong mắt tôi lúc đó, nếu bỏ đi cái tính vũ phu thì Khôi là người đàn ông hoàn hảo. Chính vì vậy mà dù ba mẹ tôi ra sức ngăn cản, tôi vẫn quyết lấy anh…

Nhưng đó đã là chuyện xa xưa… Khi ba tôi không thể cầm cự, phải bán hết nhà cửa để trả nợ thì cuộc sống vợ chồng chúng tôi bắt đầu nổi sóng. Những lời nói cạnh khóe của chồng như những liều thuốc độc đang ngấm dần vào hạnh phúc mong manh mà tôi cố sức giữ gìn.

Đỉnh điểm là hôm tôi về bên nhà phụ ba mẹ dọn đến một căn nhà nhỏ ở ngoại thành. Khi trở về, đã thấy Khôi mặt mũi đỏ gay bên chai rượu mạnh. Anh ta rót cho tôi một ly: “Chúc mừng ba em sạt nghiệp. Nhưng ông già vẫn còn may là chưa ra đường”.

Tôi có cảm giác trước mắt mình không phải là người chồng đã chung sống bao nhiêu năm nay mà là một con quái vật. Tôi giận dữ hất ly rượu: “Không ngờ anh lại đê tiện như vậy”. Khôi sững sờ nhìn tôi rồi chồm dậy: “Mày giỏi lắm”. Anh ta vung tay lên. Tôi chụp lấy con dao gọt trái cây trên bàn: “Anh dám chạm vào người tôi, tôi sẽ giết anh”. Khôi sựng lại: “À… lại còn thế nữa… Được rồi, tôi biết cô giỏi… Để rồi coi”.

Hai hôm sau, Khôi đưa cho tôi lá đơn ly dị. Tôi đang giận dữ nên ký ngay vào mà không cần đọc xem trong đó viết những gì. Thật ra thì trong đơn chỉ viết phần tài sản chung sẽ do hai vợ chồng thỏa thuận.

Hôm tòa mở phiên xét xử, mẹ không dám để tôi đi một mình. Hai mẹ con đến tòa rất sớm nhưng chờ mãi vẫn không thấy Khôi đến. Tòa phải hoãn xử. Mẹ tôi càm ràm: “Cái thằng… Không biết nó lại bày trò gì nữa đây?”.

Lần này Khôi không bày trò mà số phận lại trêu đùa với anh ta. Mấy ngày sau, tôi nhận được tin anh ta bị tai nạn, đang nằm ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Mẹ tôi bảo: “Dù gì thì nó vẫn là chồng con. Vô coi nó sao rồi”.

Tôi vô bệnh viện, không còn nhận ra Khôi nữa. Không ngờ tình cảnh anh ta lại thê thảm như vậy. Sáng hôm đó, trên đường đến tòa, Khôi đã bị một chiếc xe tải tông thẳng vào. Mạng sống thì giữ được nhưng một chân của Khôi đã phải cắt bỏ, thêm mấy chiếc xương sườn bị gãy…

6 tháng sau, khi vết thương bình phục, Khôi đã chủ động hỏi tôi chuyện ly hôn: “Ý em thế nào?”. Tôi lơ đễnh: “Anh đã quyết sao thì làm vậy đi”. Không ngờ Khôi bỗng khóc nức nở: “Anh biết là ai sai rồi. Anh đã bị trừng phạt. Xin em đừng bỏ anh trong lúc này. Anh cầu xin em…”.

Tôi cảm thấy khó xử bởi thật ra tôi đã không muốn duy trì cuộc hôn nhân này nữa. Thế nhưng, bỏ Khôi lại một mình với thân thể tật nguyền như vậy, tôi cũng không đành lòng.

Giờ đây, trong những đêm dài triền miên mất ngủ, tôi cứ nhớ đến lời cô bạn thân: “Không lẽ mày cứ phải cột chặt cuộc đời vào một kẻ xấu xa, đê tiện như vậy? Nếu hắn không bị tai nạn thì làm gì có chuyện hắn hạ mình van xin mày? Tỉnh lại đi!”.

Tôi rất tỉnh, nhưng tôi không thể hành động…

Người Lao Động