Lướt qua nhau nhanh có, chậm có, nhưng đã bao giờ người ta tự hỏi: Điều gì còn lại giữa một thế giới nơi con người dành thời gian cho smartphone, facebook còn nhiều hơn cả cho những người xung quanh? Hẳn là trong cái thế giới ấy, con người ta cũng phải bon chen nhiều hơn để mà được nhớ tới lâu hơn.
Facebook = Fake Life/ Sống ảo – Lợi bất cập hại
Chứng nghiện facebook bây giờ không còn là chứng nghiện của riêng ai, riêng thế hệ nào nữa. Cái thời mà facebook mới nổi, thế hệ trẻ sử dụng facebook nhiều hơn thế hệ đàn anh, chị, cô, chú,… Nhưng những năm trở lại đây, chứng nghiện facebook đã lan rộng tới nhiều thế hệ đủ mọi độ tuổi, giới tính, tình trạng quan hệ.
Ở cái thế giới đó, nơi con người không ngừng bớt xén thời gian ăn, ngủ, nghỉ, chơi, học và làm việc để chăm chút cho cái mặt tiền của ngôi nhà ảo ấy. Đâu đó trong thế giới ấy, vẫn có những mối quan hệ gia đình bị thất lạc đã tìm được nhau, và rồi họ đoàn tụ ở thế giới thực. Ẩn sau những bộ mặt ảo đó, vẫn có những tấm lòng cao cả, đẹp đẽ, dùng facebook để làm từ thiện, để vận động, quyên góp cho cộng đồng, xã hội.
Nhưng lợi 1 thì hại 10. Những câu chuyện ý nghĩa, tốt đẹp ở thế giới ấy vốn đã hiếm hoi lại bị che lấp bởi vô số những chuyện thị phi: nào thì nam thanh nữ tú khoe hàng; nào thì những ông bố, bà mẹ lên đó kể lể chuyện gia đình, khoe con thậm chí khi chúng còn chưa biết facebook là cái gì; nào thì người ta nhận xét, buôn chuyện, kể xấu nhau; nào thì họ lôi chuyện cá nhân, yêu đương ra kể rồi xin lời khuyên của cộng đồng mạng như thể những người ở thế giới ấy đều là biết tuốt,…
Ví dụ mới đây nhất là 2 cô bé xinh xắn hẹn nhau ra đường hoa Nguyễn Huệ giải quyết chuyện riêng chỉ vì một lời nhận xét về ngoại hình của nhau. Ấy vậy mà cộng đồng mạng không những không khuyên can mà còn ủng hộ họ. Hay như một câu chuyện của người hàng xóm nhà tôi. Chị ta sốc khi biết chồng có người khác bên ngoài. Sợ hãi cuộc hôn nhân đổ vỡ, chị ta lại không bình tĩnh nói chuyện rõ ràng với chồng, tìm cách hàn gắn cuộc hôn nhân đang bên bờ vực sụp đổ, mà lại đi kể lể, vạch áo cho người xem lưng trên facebook. Chị ta lôi kéo đồng minh ở cái thế giới ảo đó, vào các fanpage dành cho nữ giới tâm sự chuyện gia đình để kể lể về hoàn cảnh của mình. Chị ta làm theo những lời khuyên của những admin, người mà chị ta thậm chí không biết mặt, biết tên, biết tuổi để giải quyết người thứ ba. Một con người vốn từ trước đến nay luôn được biết đến là người hiền hòa mà bỗng dưng trở thành một con người hoàn toàn khác. Chị ta bắt đầu mất kiểm soát, dùng những lời lẽ quá đáng để lăng nhục người phụ nữ kia dù chưa biết thực hư chuyện ngoại tình là như thế nào, thậm chí gửi những dòng tin kèm lời nói khiếm nhã xúc phạm người khác chỉ vì làm theo lời khuyên của những admin – người mà chị ta gọi là “bác sĩ tâm lý”. Không biết rồi cuộc hôn nhân của chị ta có tốt đẹp hơn không khi chị ta đang trở thành một con rối trong tay những người tự xưng "cư dân mạng". Chị ta tự đánh mất chính mình bởi facebook.
Rồi thiếu gì những câu chuyện ngoại tình qua facebook, thậm chí có những đôi yêu nhau và cưới nhau trong thế giới ảo ấy. Tôi nhớ đã từng đọc ở đâu đó chuyện một người con gái dại dột tin một người đàn ông quen qua facebook và đem lòng yêu, chờ đợi anh ta đến vài năm. Những tưởng anh ta sẽ tìm đến nhà để hỏi cưới cô ấy ngoài đời thực, vậy mà anh ta chuồn mất tăm, đến nhà ảo của anh ta cũng bị phá sập.
Trong cái thế giới ảo đó, còn rất nhiều câu chuyện bi hài, là thảm kịch nhưng lại khiến con người ta phải cười. Cười vì sự ngu ngốc, nhẹ dạ cả tin đến đáng thương của những kẻ sống trong thế giới ảo nhưng lại bị lừa ở bên ngoài thế giới thật.
Con người đang trở thành nô lệ của Facebook
Những con người thường tìm đến facebook để chia sẻ, kể lể, khoe khoang mọi chuyện cá nhân và a dua theo những trào lưu, hay góp ý tới chuyện cá nhân của người khác dù họ chẳng biết gì chứ đừng nói đến hiểu, thường quên mất rằng “mình đang có một cuộc sống thực”. Họ ăn facebook, ngủ facebook, chơi facebook và làm việc cùng facebook. Facebook trở thành cái bóng của họ lúc nào không hay, đến độ họ không thể trải qua 1 ngày mà không có facebook. Họ chẳng khác gì những con nghiện thèm thuốc, mà facebook chính là liều thuốc để họ quên đi thực tại.
Con người luôn tìm cách ngụy biện cho những hành động của mình. Họ nói họ không có thời gian chăm lo cho gia đình, cho bản thân. Họ nói họ công việc và cuộc sống tất bật khiến cuộc sống hôn nhân của họ xuống dốc không phanh. Nhưng họ lại bớt xén từng giây, từng phút trong cuộc sống thực để chăm lo cho đời sống ảo của mình. Phải rồi, họ không có thời gian vì facebook ngốn hết thời gian của họ rồi còn đâu?
Nhưng tôi tin rằng sự giả tạo mà con người ta trưng diện trong cái thế giới ảo ấy sẽ không tồn tại được lâu. Sự gượng gạo khi luôn phải khoác chiếc mặt nạ trên facebook hay sự lẩn trốn, cố tạo ra một cái vỏ bọc vững chắc đó chỉ đang giúp họ che giấu đi những sợ hãi, bế tắc, nỗi buồn đang xâm chiếm tâm hồn họ. Trong thời buổi công nghệ tiện ích, tìm đến thế giới ảo là một cách thông minh để con người ta thoái lui khỏi cuộc sống thực. Họ tự cống hiến thời gian cho facebook. Thay vì để công nghệ phục vụ mình, họ lại đang để công nghệ lạm dụng mình.
Tôi tự nhận mình là kẻ lạc hậu trong thời buổi mà con người ta chạy theo công nghệ, theo mạng xã hội từng tích tắc. Tôi cũng chẳng ham hố gì chia sẻ và kể lể đời tư trên facebook. Tôi tự nhận mình kém thông minh, bởi thay vì tiết kiệm thời gian, tiền bạc, công sức để đi chu du và kết bạn ở thế giới ảo – nơi con người ta trong nháy mắt có thể làm quen được với hàng trăm, hàng nghìn bạn, tôi lại chọn cách thức đắt đỏ hơn, tốn công hơn mà lại kém hiệu quả hơn. Kiểu đi bụi của tôi vừa mạo hiểm, vừa mệt, tốn thời gian, chi phí, cắt xén vài ba ngày thả rông mình ở một nơi xa lạ nào đó chẳng đảm bảo cho tôi kiếm được một người bạn, chứ đừng nói đến trăm, nghìn bạn. Nhưng tôi thích chọn cách thức đắt đỏ ấy để tạm thời thoái lui khỏi những bộn bề của cuộc sống và công việc; để rồi mỗi lần trở về sau một chuyến đi, tôi lại thấy mình trưởng thành hơn, độc lập hơn, tự tin hơn và hạnh phúc hơn.