Dù còn rất trẻ, nhưng Việt Trung được mệnh danh là ‘Cậu bé vàng Piano’ hay ví như ‘Đặng Thái Sơn thứ 2’ với nhiều giải thưởng quốc tế. Ba năm trước, Việt Trung từng được nhắc tới như một hiện tượng khi về Việt Nam biểu diễn và ngày 6 - 7/12 tới đây, cậu lại có dịp tái ngộ khán giả Thủ đô trong chương trình “Pastoral Symphony”. Nguyễn Việt Trung biểu diễn cùng Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam với vai trò solist, chơi bản Piano Concerto No.3 của Beethoven, viết năm 1800 gồm ba chương (Allefrgo con brio, Largo, Rondo).
Nguyễn Việt Trung đoạt giải nhì cuộc thi piano tại Zyrardow, Ba Lan (năm 2004 và 2006), giải nhất cuộc thi piano lần thứ ba toàn Ba Lan mang tên Emmy Alberg (2005), giải đặc biệt cuộc thi Chopin vùng Mazowiecki, Ba Lan (2006). Năm 2007, Nguyễn Việt Trung đoạt giải ba festival piano quốc tế tại Glubczyce, Ba Lan và đoạt giải dành cho tay đàn thể hiện bản nhạc thế kỷ 20 hay nhất. Năm 2008, cậu đoạt giải tư cuộc thi quốc tế mang tên Frederik Chopin tại Antoni, Ba Lan và giải nhì cuộc thi quốc tế mang tên Ludwik Stefanski - Hanlina Czerny Stefanska tại Ba Lan, nơi cậu thi với những thí sinh hơn mình 3 - 4 tuổi.
Năm 2010, cái tên Nguyễn Việt Trung được xướng cho giải nhì cuộc thi quốc tế “Chopin cho người trẻ tuổi”. Mới đây nhất, tại Tây Ban Nha, Nguyễn Việt Trung giành giải nhì (không có giải nhất) và đoạt giải dành cho cây đàn trẻ thể hiện tác phẩm Chopin hay nhất trong cuộc thi Rotaract - Rotary Int’l Piano Competition. Cậu vinh dự được chọn là một trong 8 tài năng trẻ piano trên toàn thế giới tham gia biểu diễn trong chương trình Junior Academy Eppan cùng giáo sư nổi tiếng Andrea Bonatta vào tháng 3/2013.
Trong cuộc trò chuyện với Giáo dục Việt Nam, Việt Trung trả lời hồn nhiên, ngắn gọn, thi thoảng lại cười và gãi đầu nói: Câu này khó thế, chẳng biết nói thế nào!
- Em có dám nói vài lời nhận xét về nghệ sỹ Đặng Thái Sơn?
Chú là người rất giỏi, kiểu như là ngọn núi để em với ấy.
- Em nghĩ rằng đến tầm tuổi nào thì sẽ đuổi kịp Đặng Thái Sơn – tính ở độ tuổi hiện nay của nghệ sỹ này?
Chú sơn năm nay 54 tuổi, em nghĩ sẽ phải cố gắng rất lâu mới bằng được chú, có khi 10 năm, 20 năm. Chưa biết thế nào, nhưng em sẽ cố gắng hết sức có thể.
- Thế còn để vượt qua?
Theo em thấy nghĩ chắc phải cả đời này mất!
- Em có thấy buồn khi chỉ có thể bằng người ta mà không có cách nào vượt qua?
Trong đầu em lúc nào cũng nghĩ, để vượt chú Sơn phải từ bỏ tất cả mọi thứ, không đá bóng, không chơi bời mà phải suốt ngày tập đàn. Chú Sơn có gợi ý cho em là phải đi bảo tàng để cái đầu phát triển mới cảm thụ tốt âm nhạc.
- Em dám hy sinh tất cả chứ?
Nếu hy sinh tất cả để được như chú Sơn, em cũng hy sinh hết.
- Nghĩa là không lấy vợ giống chú?
Ôi, cái này em hay nghĩ lắm. Lúc ngủ đôi khi nghĩ rằng, nếu nổi tiếng quá mà không lấy được vợ thì chết. Theo em lấy vợ vẫn là đầu tiên, rồi mới đến sự nghiệp.
- Thế là chưa hy sinh tất cả rồi?
(Cười). Không lấy vợ cứ thế nào ấy ạ.
- Có lúc nào em nghĩ cần phải vượt qua chú Sơn?
Có chứ ạ! Em còn muốn vượt cả Lang Lãng nữa. (Lang Lãng sinh ngày 14/6/1982, là một nghệ sĩ độc tấu dương cầm người Trung Quốc, dân tộc Mãn Châu. Anh được coi là một trong những nghệ sĩ nhạc cổ điển nổi tiếng nhất Trung Quốc đầu thế kỷ 21 – Theo Wikipedia).
- Mọi người vẫn gọi em là ‘Thần đồng âm nhạc’ rồi ‘Đặng Thái Sơn thứ 2’, có thích không? Em không phải là thần đồng, em nghĩ mọi người quý em quá nên gọi thế thôi ạ. Còn ‘Đặng Thái Sơn thứ 2’ thì quả thật, trong đầu em rất thích nhưng mà em chưa bao giờ nghĩ đến điều mình sẽ trở thành một Đặng Thái Sơn thứ 2 cả. - Có 2 từ khác để chỉ người làm nghệ thuật – bên cạnh nghệ sỹ, đó là ‘ngôi sao’. Em thích gọi thế nào? Thích gọi là nghệ sỹ hơn, vì dòng nhạc em chơi có phần sang trọng nên gọi là nghệ sỹ thì hợp nhất. - Điều được nhất mà sự nổi tiếng mang lại, theo em là gì? Nhận được nhiều lời mời biểu diễn khắp nơi trên thế giới. - Điều tâm đắc nhất mà nghệ sỹ Đặng Thái Sơn dạy em? Đó là lúc tập luôn phải đặt ra câu hỏi vì sao, thì mới hiểu được bản chất vấn đề. - Liên quan tới chị dâu, em có hay đọc những thông tin về Dương Thùy Linh – vốn là một người nổi tiếng ở VN? Ở Ba Lan, thỉnh thoảng cứ 5 phút em lại thấy chị Linh chia sẻ thông tin trên facebook. Em cũng hay đọc, nhưng đôi lúc nhìn thấy nhiều quá hơi khó chịu tý! Nhưng thôi, chị ấy nổi tiếng rồi thì chắc cũng phải vậy. - Nhân nói đến 2 chữ nỗi tiếng, em đã…lờ mờ hiểu được giá trị 2 từ này? Thành người nổi tiếng thì được phát biểu, họp báo, luôn có điện thoại, nhiều người biết. Em có đọc trên mạng thì thấy bảo, cũng có vài người nổi tiếng muốn trở thành người bình thường. Em đang nghĩ xem ý người đó nói là gì đây. Có vẻ như làm người nổi tiếng nhiều áp lực, sợ bị làm sai. - Em quý chị dâu Dương Thùy Linh ở điểm gì? Chị rất năng động. Em có được chị dâu như vậy là điều rất may mắn. - Ghét chị ở điểm gì không? À, đó là lúc em bị bố mẹ mắng ấy, chị cũng hay ra nói chuyện với em, nhưng đang buồn mà chị lại nói hơi nhiều, nên hơi khó chịu một tý.