"Nghiện"... hành xác
Gần đây, sở thích treo người (dùng móc câu cỡ lớn bằng sắt xuyên qua da rồi treo lơ lửng trên không) đang gây xôn xao cư dân mạng. Với sở thích hơi "bệnh" này, một nhóm thiếu nữ trẻ tại Tam Thánh, Tứ Xuyên, Trung Quốc tiến hành buổi biểu diễn "treo người" hãi hùng.
Bất kỳ ai khi nhìn hình ảnh những cô gái tự treo mình trên không bằng móc câu cỡ lớn xuyên qua da rồi treo lơ lửng trên không đều thấy khủng khiếp, lạnh sống lưng. Sau khi những hình ảnh này được lan truyền trên các diễn đàn, nhiều bậc phụ huynh lại được phen hoảng hốt, lo ngại trào lưu này sẽ du nhập vào Việt Nam.
Còn nhớ, cách đây không lâu, thú rạch tay khắc chữ đã khiến giới trẻ điên đảo trong một thời gian dài. Trên nhiều diễn đàn, giới trẻ tập hợp lại với nhau thành một nhóm chơi, lập diễn đàn "hội những người thích hành xác".
Điều bất ngờ khi "thâm nhập" vào thế giới của những người thích hành xác đó là quan niệm về cấp độ hành xác càng đau đớn, nghiệt ngã càng thể hiện được đẳng cấp. Thú chơi quái dị đến khó tưởng tượng. Với họ, khi vui hay hưng phấn, lúc buồn rầu, chán nản... họ đều thích thú với trò chơi quái gở này. Bởi thế, họ "sống" với khẩu hiệu "đẹp phải biết chịu đau, đau thì phải chảy máu!?".
Trên một diễn đàn, Linh "võ" (phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội) khoe mẽ: "Mỗi khi 'lên cơn điên', tui thường lấy kim khâu thành chữ trên da, chỗ mà tui đặc biệt thích là lòng bàn tay và hai cánh tay, tiếp đến là gót chân. Sau mỗi lần như vậy đảm bảo stress sẽ tiêu tan và không còn cảm giác ức chế?!".
Theo tìm hiểu, những tín đồ self-cut (thích hành xác) cho rằng, không phải ai cũng có "gan cóc tía" để hành xác mình. Vì thế, rạch da khắc chữ là cách họ thách thức bản thân.
Bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể có thể cắt, rạch được thì họ cũng lôi ra cắt rạch (để thử bản lĩnh của chính mình) từ tay, chân, ngực, gáy với nhiều cấp độ và cách thức khác nhau như rạch một vết, nhiều vết, rạch khắc thành chữ. Cá biệt có người còn tự cào nát tay mình với nhiều vết rạch chằng chịt.
Sau trào lưu rạch tay khắc chữ tạm lắng, giới trẻ lại "nghiện" mốt lột da xăm sẹo. Thú chơi này còn đau đớn hơn gấp bội lần so với những thú hành xác khác. Giới trẻ lại sôi sục với khẩu hiệu "sẹo càng lồi càng đẹp?!".
Và, để có những chiếc sẹo lồi đẳng cấp ấy, họ phải nghiến răng chịu đau và phải chi vài chục triệu đồng cho dịch vụ này. Bởi phần lớn những người dám "xài" xăm sẹo là phải đi máy bay sang tận Singapore, Thái Lan... để làm đẹp (trong nước các dịch vụ xăm sẹo chưa đảm bảo kỹ thuật).
Tuấn "lùn", một tay chơi có tiếng đất Hà thành bộc bạch: "Giá của mỗi hình xăm phụ thuộc vào độ kỳ công của hình xăm đó. Nhiều người còn có niềm tin hình xăm sẹo sẽ có tác dụng như lá bùa hộ mệnh.
Ngay cả những hình xăm sẹo với những hoa văn ngoằn ngoèo có vẻ bí hiểm, không rõ một hình dạng cụ thể lại được dân chơi cho là biểu tượng của những chiến binh người da đỏ, người có hình xăm đó cũng là biểu hiện của sự kiên cường, bản lĩnh".
Tuấn "lùn" bảo rằng: "Có được hình xăm sẹo gồ ghề nổi trên da thịt cũng là thể hiện đẳng cấp ăn chơi, khả năng tài chính và sức mạnh bản thân!". Cũng vì quan niệm như vậy nên nhiều người chấp nhận để rạch lên cơ thể những vết thương. Sau khi đã lột da tạo dáng theo hình đề can thì người xăm phải tiếp tục đợi vết thương lành, tạo thành sẹo.
Trong suốt quá trình "chế" hình xăm ấy, khổ chủ phải kiêng tắm rửa bởi nếu tắm thì vết thương sẽ gây rát, đau vô cùng. Tuy đau đớn khủng khiếp về thể xác và cũng "ngốn" không ít tiền bạc nhưng với những quan niệm riêng về "đẳng cấp" ăn chơi, đẳng cấp sành điệu... thú hành xác đang thu hút khá nhiều "tín đồ".
Thiếu kỹ năng sống
Chị Nguyễn Hoài Giang (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Giới trẻ ngày nay coi những trò chơi kinh khủng đó là nghệ thuật và sự thể hiện 'bản lĩnh'. Chúng làm với ý nghĩ là đang hy sinh cho nghệ thuật, còn tôi cho là điên rồ khi không biết quý trọng cơ thể mình, đem cuộc sống mình ra mà đùa giỡn".
Khi được hỏi (kể cả những tâm sự trên diễn đàn lamchame), nhiều bậc cha mẹ đã lên tiếng phản đối gay gắt về thực trạng giới trẻ "nghiện" ngược đãi bản thân.
Chị Minh Tâm (Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) thốt lên: "Thật kinh hãi! Không hiểu nổi suy nghĩ, khả năng phân tích logic của giới trẻ bây giờ như thế nào nữa. Chúng luôn muốn tỏ ra lập dị, khác người và khẳng định mình là số 1, độc đáo để rồi nghĩ ra những 'trò chơi' chứng tỏ sức chịu đựng vượt quá giới hạn bình thường".
Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Nga cho rằng, việc các em tự hành xác mình là hành động thiếu hụt về kỹ năng sống. Khi không được quan tâm, các em cảm thấy bị bỏ rơi trong chính ngôi nhà của mình. Việc làm sai trái của bố mẹ, tình cảm gia đình bị đổ vỡ làm con trẻ mất lòng tin, khủng hoảng.
Các em đã tìm cách phản đối bố mẹ, tự giải thoát mình và để bố mẹ nhận ra sự hiện diện của chúng trong ngôi nhà. Bởi thế, bố mẹ cần cho con mình một "liều vaccin" để phòng ngừa tất cả những rủi ro có thể xảy ra với những tâm hồn non nớt. Hãy cứu lấy các em, đừng để thế hệ con cháu chúng ta phải đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần.
Nhận định về thực trạng "nghiện" hành xác của giới trẻ, bác sĩ La Đức Cương (Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương 1) cho rằng: Với những người có biểu hiện thái quá trong việc tự hành hành xác cũng là một trong những biểu hiện của rối loạn tâm thần.
Ở giới trẻ, những rối loạn cảm xúc lưỡng cực (rối loạn hưng phấn hoặc trầm cảm) rất nguy hiểm. Khi ở trạng thái cảm xúc hưng phấn (vui tột độ), giới trẻ thích giao du, tham gia các hoạt động huyên náo, ầm ĩ; thậm chí những người này còn có thể gây ra những hành động nguy hiểm cho người khác.
Còn khi rơi vào trạng thái trầm cảm, người bệnh đánh mất ý chí, nghị lực, thờ ơ với cuộc sống, mất đi những thú vui, xuất hiện những ý nghĩ bi quan, đau khổ nên họ chọn cách hành xác mình để được mọi người chú ý...