Vợ T. rất yêu chồng nhưng chị có cái bệnh hay ghen. Chị luôn sợ một ngày nào đó chồng mình bỗng có tính trăng hoa dù cho anh có giải thích, có quan tâm chăm sóc chị đến mức nào. Vì thế, chị luôn đặt anh dưới sự kiểm soát chặt chẽ chẳng khác nào một cai ngục quản phạm nhân.
Chị luôn nhìn chồng với con mắt nghi ngờ, chỉ cần sểnh ra một chút là chị có thể “gây án” với anh. Tất cả các phương tiện kỹ thuật mà anh T. sử dụng như: điện thoại di động, máy tính xách tay, hòm thư trên internet… thậm chí cả chiếc ô tô anh thường đi làm cũng vào tầm ngắm của chị.
Chị lén rà soát từng số máy lưu trên điện thoại, từng tin nhắn đến và đi của anh. Hơi có tin nhắn lạ là chị có thể bắt bẻ anh chồng. Đến số km trên đồng hồ ô tô mà anh đi chị cũng muốn kiểm soát nốt. Nếu hôm nào chị phát hiện trên xe có vật dụng khác lạ để lại là chị có thể hậm hực với anh đến tận mấy ngày sau. Tất tần tận mọi thứ anh chỉ lơ đễnh để sót lại tí dấu vết khác lạ là chị có thể quy kết chắc là anh chỉ để liên lạc với… gái.
Mỗi khi về đến nhà là anh phải căng như dây đàn để trả lời những nghi ngờ của vợ. Cứ thế tình yêu của chị dành cho anh đang biến thành nỗi sợ khiếp đảm với anh.
Anh K. thì lại khổ sở và rất ngượng với họ hàng vì có một cô vợ “lấy anh chỉ cần biết có anh” còn coi cả nhà chồng như kẻ thù. Cô vợ trẻ bắt anh phải coi tất cả những người trong gia đình anh như người dưng nước lã, vì cô cho rằng học là những kẻ chẳng được tích sự gì, chỉ thêm gây phiền hà cho vợ chồng anh.
Anh mua áo sơ-mi tặng bố, mua khăn quàng tặng mẹ, thì vợ lại thắc mắc: “Ông bà về hưu từ tám hoánh còn mặc đẹp để khoe với ai?”. Anh thỉnh thoảng có đưa tiền cho đứa em gái để luyện thi đại học thì cũng bị hỏi tại sao phải làm thế. Một lần nhà bố mẹ bị hỏng máy bơm nước, anh hộc tốc chạy sang sửa giúp thì vợ lên giọng: “Em trai anh thì để làm gì, nó không có tay sao mà không sửa?”.
Giờ đây, anh K. vô cùng chán ngán nhận ra mình đã lấy phải một người đàn bà cực kỳ ích kỷ.
“Giàu nhờ bạn, sang nhờ vợ” nhưng H. thì chỉ thấy xấu hổ với bạn bè vì vợ. Trong mắt chị tất cả bạn bè của anh chỉ là bọn vô tích sự. Thi thoảng bạn bè có rủ nhau đi uống bia, câu cá, đá bóng thì chị lại mặt nặng mày nhẹ với anh.
Chị quan niệm rằng anh là người đã có gia đình nên phải ngưng ngay những cuộc ăn uống, vui chơi đó. Muốn uống bia cứ mua về nhà ngồi với vợ, thích xem bóng đã cứ bật tivi ở nhà hò hét với vợ, việc gì phải đi gặp mấy ông bạn từ thời phổ thông.
Chị bảo chồng: “Cứ ở nhà lau hết tầng trên tầng dưới đi, dọn dẹp nhà cửa, giặt quần áo chăn màn, hết việc đâu mà phải đàn đúm, nhàn cư vi bất thiện”. Vì vậy, sau mỗi lần anh đi gặp bạn bè, hay uống chút bia về nhà là y như rằng hai vợ chồng lại có một cuộc “khẩu chiến”.
Còn V. thì khổ sở với vợ vì một kiểu khác. Cô vợ V. coi anh không khác một đứa trẻ hư. Vợ anh luôn cho rằng anh chẳng thể làm được việc gì cho ra hồn, vì thế luôn răn đe, chỉ bảo anh từng li từng tí như đối với một đứa trẻ. Anh đi thì thôi, cứ thò mặt về nhà là chị bắt đầu “mở đài”, gần như chỉ đến khi vợ mệt lăn ra ngủ thì anh mới không phải nghe cái loa đài nhà đó nữa.
Bầu không khí gia đình như thế khiến anh đi đâu là không còn muốn về nhà. Nhiều người đi đâu cũng muốn nhanh nhanh chóng chóng cho xong việc về nhà, còn anh thì ngược lại, có bất cứ cơ hội nào thoát ra khỏi vợ là anh lại đi khẩn trương.