Phan Thị Thu Trang, cựu học sinh trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội, từng trượt đại học vào năm 2011. Thế nhưng, cú vấp ngã đó lại chính là động lực thúc đẩy Trang học tập, nỗ lực hết mình cho đến khi đỗ thì thôi.
Kết quả là tại kỳ thi đại học năm 2012 vừa qua, bạn đã trở thành tân thủ khoa của ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội với số điểm 40!
Trang tâm sự: “Thất bại chỉ làm cho bạn thêm quyết tâm nhiều hơn thôi”. Và với sự quyết tâm ấy, năm nay, điểm thi của Trang rất cao, ở môn vẽ màu Trang được 8,5 điểm, vẽ hình họa được 8 điểm, và môn Văn được 7 điểm.
Dương Bảo Ngọc, thủ khoa chuyên ngành Hội hoạ của ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2010 khẳng định: “Thủ khoa không có nghĩa là chưa từng trượt đại học”.
Trong lần thi đại học đầu tiên, Ngọc đã đăng ký thi hai chuyên ngành là Hội hoạ và Sư phạm Mỹ thuật của ĐH Mỹ thuật Việt Nam và bạn đã... trượt cả hai khoa! Tuy nhiên sau khi trượt, thay vì nộp đơn xét tuyển NV2 và NV3 như các thí sinh khác, Ngọc quyết tâm ôn luyện để thi lại vào năm sau.
Ngọc tập trung học hành, đặc biệt là “cai” hẳn các trang mạng xã hội và chat chit với bạn bè. Đến năm 2010, cô bạn đã đạt được kết quả đáng tự hào: Trở thành thủ khoa chuyên ngành Hội hoạ, ĐH Mỹ thuật Việt Nam.
Một lần trượt đại học đã trở thành những chiếc “đòn bẩy” vô cùng mạnh mẽ để giúp hai nữ thủ khoa đạt được kỳ tích. Còn bạn, việc trượt đại học giúp bạn nhận ra điều gì?
Điều quan trọng hơn cả là sau khi trượt đại học bạn nhận ra được vấn đề của bản thân mình nằm ở đâu, bạn đã trượt vì những lý do gì và rút ra được bài học gì. Sau đó, bạn hãy thật sự bình tĩnh để chọn cho mình một hướng đi đúng đắn.
Theo học nghề, đi làm, hay quyết tâm ôn thêm một năm nữa để theo đuổi ước mơ học đại học đều do bạn quyết định.
Nếu không may mắn có được một tấm vé bước vào giảng đường đại học, các bạn vẫn còn có rất nhiều cơ hội khác cho tương lai và biết đâu bạn lại làm nên kỳ tích như 2 cô bạn thủ khoa trên thì sao? Đừng bi quan nữa mà hãy đứng lên để tìm ra lối đi của riêng mình.