Vợ chồng nên tôn trọng nhau, dù sao cũng phải sống với nhau cả đời, nếu không dung hòa cảm xúc của nhau hoặc luôn phớt lờ cảm xúc của đối phương thì tình cảm dễ rạn nứt. Câu chuyện của vợ chồng người Trung Quốc mới đây là một ví dụ.
Theo đó, người đàn ông rất có năng lực, bằng chính khả năng của mình đã mua được 5 căn nhà. Vợ anh ta cũng rất ưng ý. Nhưng nhà vợ có em trai đã đến tuổi lấy vợ. Người em trai nói phải có nhà mới có thể kết hôn nhưng bản thân và bố mẹ không đủ khả năng mua nhà, vì vậy anh ấy chỉ có thể tìm chị gái của mình giúp.
Người chị cho rằng chồng có 5 căn nhà, tuy đều đứng tên anh nhưng tài sản là của chung hai vợ chồng vì cô cũng là người góp sức góp của. Người vợ đặt vấn đề xin chồng cho em trai ruột một căn nhà để cưới vợ, tưởng chồng sẽ đồng ý nhưng đã bị ông xã từ chối thẳng thừng và còn chỉ trích nặng nề.
Người vợ nói: "Em chỉ một đứa em trai đến tuổi kết hôn rồi mà không có nhà để cưới vợ. Anh đứng tên 5 căn nhà. Sao anh không cho em ấy 1 căn? Em trai em cũng là em của anh. Anh nên giúp nó. Hơn nữa, em nên được đứng tên một trong năm ngôi nhà này".
Khi người đàn ông nghe vợ nói điều này, anh ta vô cùng tức giận và nói thẳng với vợ: “Tôi có thể đưa cho em trai cô 30.000 nhân dân tệ (hơn 100 triệu đồng) và nó không phải trả lại số tiền đó. Nhưng tôi nhất quyết không cho nhà, và việc này từ giờ đừng mang ra bàn nữa. Tôi đã làm việc chăm chỉ và vất vả nhiều năm mới mua được. Đó không phải là thứ cô có thể cho người khác".
"Nhà của anh cũng là có công sức của tôi chung vào, anh vì sao không thể cho em tôi. Hai vợ chồng có duy nhất một đứa em mà không giúp nổi nó?", người vợ bức tức nói.
Người chồng cũng không chịu liền nói: "Tôi không thể cho em trai cô nhà. Đừng nghĩ đến điều này. Hơn nữa, những ngôi nhà này là do tôi một mình đứng tên, chúng không đứng tên cô. Chỉ có ngôi nhà mà chúng ta đang ở là một nửa có tên của cô".
Thấy chồng nhất quyết như vậy, người vợ rất tức giận nói: "Anh mà không cho em tôi một cái thì tôi ly dị anh. Ra tòa, tài sản cưa đôi".
Người chồng nói: "Cô nói như vậy thì tôi cũng không phản đối. Tôi thà ly hôn chứ không đưa nhà cho em cô. Tôi có thể cho anh ta tiền nhưng không thể cho nhà. Cô suy nghĩ kỹ đi". Người vợ thấy chồng nhất quyết như vậy liền xuống giọng, năn nỉ chồng: “Anh có thể bán rẻ căn nhà cho em trai em và cho em ấy trả góp. Anh nghĩ thế nào?”.
Người chồng cương quyết từ chối cho em trai của vợ căn nhà dù bị bà xã lấy chuyện ly hôn làm sức ép.
Người chồng không đồng ý, bởi anh cảm thấy rằng một khi ngôi nhà đã được chuyển giao cho em vợ, anh ta có thể không lấy lại được tiền, vì vậy tốt hơn là không muốn vay mượn để tránh sau này có tranh chấp trong gia đình.
Ngay sau câu chuyện trên được chia sẻ, cư dân mạng đã bùng nổ những ý kiến trái chiều. Nhiều cư dân mạng cho rằng người vợ quá ngây thơ, sao có thể lấy nhà của chồng cho em trai ruột. "Chị gái tặng quà cho em trai thì tốt, nhưng tặng nhà hay không là quyền của chồng. Nhà do chồng làm chủ sở hữu, cho dù là tài sản chung của vợ chồng thì chị gái cũng không thể lấy cho em trai nếu không có sự đồng ý của chồng, bất kể việc em trai có thể đưa tiền mua trả góp hay không. Anh em nên tính toán rõ ràng, đừng vì tiền bạc sau này mà tổn thương tình cảm", "Trước là kẻ gian, sau là quân tử, nếu như anh rể chịu giúp em vợ lập gia đình, đó là sự lựa chọn tự nguyện của anh ta. Nhưng vợ không thể lấy chuyện ly hôn để ép chồng phải cho em trai nhà như một món quà. Như vậy không tôn trọng chồng và không hiểu cảm xúc của anh ấy", "Trừ cha mẹ đẻ nguyện ý cho con cái, những người khác dù là anh em ruột thịt cũng khó có thể cho nhau nhà bởi đó là tài sản lớn. Vì vậy anh rể không có nghĩa vụ phải giúp đỡ như vậy", "Bản thân anh rể cũng tự lực mua nhà cưới vợ. Nên em vợ cũng nên học hỏi, nếu cần giúp đỡ thì anh chị giúp tiền bạc như vậy là cũng đáng quý tấm lòng rồi"...