Khởi nguồn
Còn nhớ khoảng trung tuần tháng 11/2013, một cô gái Hà Nội đăng tải clip người yêu cũ đến nhà đòi quà và ngay lập tức nhận được sự quan tâm của mọi người. Và tất nhiên sự quan tâm này cũng được phân chia thành nhiều cấp bậc tùy theo độ tuổi.
Với những người lớn tuổi, họ biết về tin tức và chỉ tuyên bố một câu: "Vớ vẩn", sau đó nhanh chóng lãng quên câu chuyện. Còn dân văn phòng, họ lại cảm thấy nực cười và bàn ra tán vào vui vẻ về trường hợp lần đầu được lên báo.
Tuy nhiên, ngược lại, đối với một bộ phận giới trẻ, họ đặc biệt có hứng thú với câu chuyện về cô gái bị người yêu đòi quà này. Không chỉ dừng lại ở thái độ, các bạn trẻ lập tức ăn theo cái "cốt chuyện" lùm xùm nhưng vô cùng hay ho này. Rất nhiều hình ảnh, clip chế ra đời. Song, nổi bật nhất phải nhắc đến video ca nhạc "Anh không đòi quà".
Ngoài ca từ nhạy cảm với giới trẻ như: "boy nhà giàu", "boy nhà nghèo", "boy bánh bèo", clip còn thể hiện sinh động màn trả lại quà của nhân vật. Theo đó, cô gái trong clip lần lượt cởi áo, quần, giày lại cho người yêu và trên người chỉ còn độc bộ nội y lạnh lùng bước đi trên phố.
Trào lưu "Anh không đòi quà" trở thành virus
Không chỉ dừng lại ở một clip ca nhạc chế, trào lưu này đã trở thành con virus nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Thiếu nữ Bắc - Trung - Nam, thậm chí một vài du học sinh ở Úc cũng không thể ngó lơ "Anh không đòi quà".
Tất nhiên, ngoài một chút biến tấu về cốt truyện, các clip ăn theo theo đều có chung một kịch bản, đó là cảnh lột đồ trên phố nóng mắt đến từ các cô gái trẻ, có thân hình nuột nà.
Kể từ khi mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, có lẽ chưa bao giờ sự nổi tiếng lại có dễ dàng đến vậy. Chẳng cần tài năng nổi trội, đôi khi chỉ một câu nói, hình ảnh gây sốc, hay đơn giản là quá xinh đẹp cũng có thể tạo ra một cơn sốt. Ví dụ như trường hợp "hot girl bánh tráng trộn" bỗng dưng gây chú ý nhờ nhan sắc. Không chỉ công việc bán quán thuận lợi hơn vì có nhiều người tìm đến xem mặt, chụp ảnh kỷ niệm, "hot girl bánh tráng trộn" còn nhận được nhiều lời mời chụp ảnh thời trang.
Quay trở về câu chuyện "Anh không đòi quà", trên thực tế, nhân vật chính của "Anh không đòi quà" đã được cư dân mạng lùng sục. Sau đó, số người ấn nút theo dõi trang cá nhân của cô gái, chàng trai này tăng lên chóng mặt.
Còn với các cô diễn viên cởi đồ trong các clip cũng được ăn theo trào lưu. Với màn lột quần áo táo bạo, những nhan sắc này được cộng đồng mạng "truy tìm" tên tuổi và bỗng dưng nổi tiếng. Phải nói rằng, trào lưu "Anh không đòi quà" dường như trở thành thứ công cụ, mở ra con đường cho các cô gái trẻ ham mê danh vọng bất chấp thủ đoạn.
Hệ lụy khoe thân từ trào lưu
Ham mê danh vọng, đó có lẽ là nguyên nhân lý giải vì sao làn sóng "Anh không đòi quà" trở thành con virus dễ lây nhiễm. Các nam thanh nữ tú của dải đất chữ S đua nhau cởi đồ, chẳng ngại ánh mắt ngạc nhiên xen lẫn kinh hãi của người qua đường đang chằm chằm nhìn vào họ như kẻ "ngoài hành tinh" hay có vấn đề về thần kinh.
Nếu xem các phiên bản "Anh không đòi quà", dễ dàng nhận thấy nó đều thực hiện trên phố với những người qua lại. Nhiều người thắc mắc, liệu cô diễn viên thực hiện cởi đồ có cảm thấy ái ngại trước cái nhìn tò mò xen lẫn sự thiếu thiện cảm từ xung quanh?
Trào lưu này đã trở thành một tiếng chuông đáng báo động về tư duy của một bộ phận giới trẻ. Họ dường như đi quá xa đạo lý ăn mặc của con gái Việt, đó là phải ý tứ và kín kẽ. Cũng vì thế mà càng ngày mọi người bắt gặp nhiều hơn những trang phục kiểu "Can Lộ Lộ" trên phố Việt và cả trên học đường.
Những chiếc áo mỏng tang, xẻ rách tứ tung, chiếc quần cạp trễ hở nội y phản cảm hay kiểu mốt ngắn chẳng tày gang... được nhiều cô gái trẻ vô tư sử dụng, như một cách chơi trội, mặc kệ lời đánh giá không hay từ mọi người
Để chấm dứt tình trạng đi xuống của một bộ phận giới trẻ, cần lắm cái bắt tay chung sức của gia đình, nhà trường và định hướng đúng đắn của xã hội.