Bức hình họa sĩ Phạm Huy Thông đang quỳ mọp trong tư thế giống như tượng rùa đá cõng bia ở nhà bia Tiến sĩ của Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Hình ảnh này được cộng đồng mạng đăng tải với lời ghi chú: "Một nam thanh niên đã chụp hình minh họa kêu gọi khách tham quan không sờ đầu cụ rùa! Tuy nhiên, lời kêu gọi này dường như ít ai chú ý. Thậm chí có những người còn ngang nhiên "hành hạ" cụ rùa tại Văn Miếu rất phản cảm như đứng/ngồi trên mình và đầu, tạo dáng lố lăng để chụp hình ở một nơi tôn nghiêm như vậy".
Hình ảnh này đã thu hút được sự chú ý của cư dân mạng, làm nhiều bạn trẻ chợt như tỉnh ngộ. Bạn Không Một Ai chia sẻ: "Một hành động đẹp, người Việt ta cần lắm những người như thế này". Thành viên facebook Nguyễn Tít lên tiếng: "Anh này siêu thật, có cái lũ vô học phá hoại là không hiểu gì".
Trong khi đó lại có một số thành viên tỏ ra bức xúc trước hành động của nam thanh niên này vì cho rằng anh muốn nổi tiếng. Ngay lập tức những cư dân mạng khác đã lên tiếng chỉ trích và bày tỏ sự khâm phục.
Các thành viên trên mạng đều đồng tình với việc các bạn trẻ nên học tập hành động của họa sĩ Phạm Huy Thông, một hành động nhắc nhở không hề ồn ào mà lại thiết thực, không hề đao to búa lớn mà chỉ là một việc làm văn minh, không phải ở lời nói hay những biển chữ vô hồn để bên cạnh.
Họa sĩ trẻ đã chính thức lên tiếng sau khi có những ý kiến phê phán hành động này của anh: "Bản thân tớ khi bình luận với bạn bè cũng đề cao hơn phần “ready made performance” diễn ra vào buổi sáng khi chúng ta có cơ hội nhìn dòng người đến Văn Miếu sờ đầu rùa. Đó là mục tiêu chính của tớ khi mời mọi người đến ngày hôm đó. Các phần thực hiện tiếp sau là những thử nghiệm ngẫu hứng. Tất nhiên vì ngẫu hứng nên những suy tính cho những phần này không được cặn kẽ, bù lại cảm xúc rất dồi dào (cảm xúc của tớ, còn bạn không có cảm xúc gì thì kệ bạn)". (Trích bài viết của họa sĩ Phạm Huy Thông trên web cá nhân của anh).