Ông bà ta nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” quả là chẳng sai. Tôi, nhỏ Xíu, nhỏ Tẹo đều cao xấp xỉ mét rưỡi, riêng nhỏ Mi cao nhất, mét năm mốt lận! Thế mà cũng đành ngậm ngùi bị liệt vào hội “căn hai”, có phúc cùng hưởng, có tên hay cùng chịu.
Ngày trước đi học, bao giờ cũng thế, mỗi lúc xếp hàng bốn đứa tôi đều được ưu ái đứng đầu tiên. Mỗi lúc chào cờ, ngồi ngay trước mặt thầy cô, cả bọn chẳng dám ngọ nguậy gì, trong khi mấy đứa ngồi sau, chuyền nhau gói ô mai, mồm nhai nhóp nhép, trông phát thèm.
Khi mấy đứa con gái trong lớp bắt đầu phổng phao, lộ nét duyên thầm thiếu nữ, bọn tôi vẫn như những cô bé cấp hai với vóc người nhỏ nhắn. Song được cái mặt mũi đứa nào cũng sáng sủa, đều học giỏi và lại thêm tài lẻ. Xét đi xét lại chắc tôi là tệ nhất hội nhưng với khả năng ăn nói và triết lý của mình, tiếng nói của tôi bao giờ cũng có trọng lượng nhất nhóm.
Nhỏ Mi hát rất hay. Buổi biểu diễn văn nghệ nào của trường cũng có mặt của nó. Nhìn nó đứng trên sân khấu, cất lên giọng hát trong trẻo, mượt mà, mọi người ở dưới chép miệng: “Nhỏ này hát hay mà lùn quá, tội nghiệp!”. Nghe chúng tôi kể lại, nó tức mình đăng ký đi thi giọng hát hay truyền hình của tỉnh, chúng tôi mơ màng tương lai sẽ có đứa bạn làm ca sĩ.
Em cao mét rưỡi không?
Thế lên sân khấu em phải mua đôi giày 20 phân nhé!
Anh chàng ghi danh nói với nó bằng nụ cười mà nó bảo là không thể chấp nhận được. Nó bỏ về. Kể từ đó, dù có động viên như thế nào nó cũng không bao giờ đi thi. Ba đứa tôi ngán ngẩm tiếc rẻ làng âm nhạc Việt Nam mất đi một tài năng thì ít mà tan vỡ giấc mơ có đứa bạn làm ca sĩ thì nhiều.
Nhỏ Tẹo học ngân hàng, ra trường với tấm bằng loại ưu. Ngày đầu đi nộp hồ sơ, người ta cũng hỏi về chiều cao. Nhỏ thẳng thừng, đưa bằng tốt nghiệp ra để thay lời muốn nói “em có năng lực mà”, họ lắc đầu, rất tiếc, ngân hàng cần chiều cao em à. Thất thểu cầm hồ sơ đến chục nơi, cũng là câu trả lời tương tự. Nó trở về, lẩm bẩm rằng muốn cống hiến cho nền ngân hàng nước nhà mà khó quá.
Xíu đi làm kế toán công ty xây dựng. Một lần ra công trình nghiệm thu cho sếp, thấy nó từ cổng, bác bảo vệ la to: “Này bé con, đi ra kia chơi, ở đây con nít không được vào”. Nó phải trình thẻ, phân bua, kể rõ sự tình mất ba mươi phút với bác bảo vệ. Ông để nó vào mà không quên nói vọng theo: “Gắng ăn uống tập thể dục vào cho cao nha con!”.
Tôi ở Đà Nẵng, mỗi dịp bắn pháo hoa đều chen chúc đi xem với mấy đứa trong xóm trọ. Nhỏ con cũng có cái lợi, trong khi mấy đứa kia ở ngoài thì tôi đã chui tọt được vào trong. Có lần, đang trầm ngâm ngắm sao, ngắm trời thì một anh đứng gần bắt chuyện:
“Em học lớp mấy rồi?”
“Dạ, anh đoán thử xem”.
“Chắc khoảng lớp 7 phải không?”
Mấy đứa trong xóm được phen cười bể bụng vì sự trẻ hóa bất ngờ của tôi.
Chân ngắn thì đã sao?
Mi học đàn ghi ta, đi hát ở các phòng trà lớn của chốn Sài thành, vừa cầm đàn vừa ngồi hát nên chẳng còn ai nói nhỏ này cao thấp ra sao. Nó cười, “nhiều nơi mời đi hát mà thôi, tao sợ nổi tiếng”.
Tẹo không làm ngân hàng nhưng hiện lại là giảng viên của trường đại học ngân hàng. Ít ra nó cũng được cống hiến vào ngành ngân hàng như mong muốn. Dù đôi lúc bước vào lớp mà lũ sinh viên cứ ngỡ là đứa nào vô học ghép.
Nhỏ Xíu thì sắp lấy một anh chàng kỹ sư mét tám. Hôm đi chụp ảnh cưới, anh chàng thợ ảnh bưng hẳn một cái ghế đến cười tươi: “Chị đứng lên đây để vô hình cho đẹp”.
Còn tôi, tôi hài lòng với những thứ ở hiện tại, chỉ cần biết hài lòng thì đã là người hạnh phúc. Vô vàn câu chuyện dở khóc, dở cười đến với hội “căn hai” của tôi. Nhưng đứa nào cũng tự tin và dần khẳng định được mình, mỗi lúc gặp nhau lại cùng hí ha hí hửng: “Vì chúng ta không cao nên người khác phải cúi nhìn…mỏi cổ”.
“Căn hai” thì sao?