Trở mặt
Nhung (sinh viên năm 1 ĐH KHXH & NV) hoang mang trong suốt một thời gian chỉ vì không biết làm thế nào đối diện với anh bạn học chung trong lớp học Anh văn của mình. Thời gian đầu, do ngồi gần nhau nên Nhung và anh bạn có trò chuyện qua lại. Cô nàng cũng vô tư, không để ý gì nhiều cho đến khi cậu ấy viết thư tỏ tình và hỏi Nhung có đồng ý không. “Tất nhiên là không rồi vì quá đột ngột. Mình từ chối tế nhị rằng chúng ta hãy cứ là bạn trước, sau này hợp thì tiến tới cũng chẳng muộn. Nhưng từ lần đó, cậu ấy bắt đầu thay đổi cách cư xử: không nói chuyện, không nhắn tin, không gọi điện, chặn facebook mình, xóa nick yahoo mình và toàn ghi trên mạng những điều khó chịu. Mình nói rằng mình muốn là bạn nhưng cậu ấy bảo cậu ấy không thể, vì cảm thấy bị tổn thương quá nhiều. Mình cảm thấy tiếc nuối, nhưng mình không có gì sai cả”, Nhung nói. Thật ra, anh chàng này cư xử hơi “nữ tính” một chút. Những chàng trai bản lĩnh sẽ luôn đối diện với sự thật cho dù có thất bại trong tỏ tình. Hành động như vậy chỉ khiến Nhung càng cảm thấy mất cảm tình với anh chàng và còn gây áy náy lâu dài, dù vấn đề chẳng có gì nghiêm trọng cả.
“Trường hợp trên còn đỡ. Mình đã từng bị một cô nàng nói xấu, chơi xỏ đủ thứ. Mình không chấp nhận tình cảm của cô ấy thì mình cũng chẳng đến được với ai vì cô nàng này đi nói xấu mình khắp nơi, dựng chuyện đủ điều và phá bĩnh không cho mình thích ai được yên ổn. Cô ta biết rằng, mình sẽ chẳng bao giờ chấp nhận tình cảm của cô ta, nên cô ta chơi xấu mình cho bõ tức. Mình rất cay cú nhưng chẳng làm gì được. Kể ra 'bị yêu' cũng khổ quá”, Quốc Anh (sinh viên năm 1 ĐH Hoa Sen) bày tỏ.
Trả đũa
Trường hợp của Quốc Anh cũng là một biểu hiện của trả đũa, nhưng ở mức độ nhẹ. Còn nhiều người thất tình khác sẵn sàng nghĩ ra nhiều chiêu trò để quay lưng “trả thù” người mình từng tỏ tình. Q.L (sinh viên năm 2 ĐH TĐT) bị một chàng trai từ chối khi tỏ tình, và cô ấy quyết định…trả thù anh chàng này bằng cách nhờ cô bạn thân “cưa cẩm” cậu ấy, để rồi cậu ấy “đổ” thì lại ruồng bỏ khiến cho cậu ấy đau khổ. Vở kịch được dựng lên hoàn mĩ và đúng như ý đồ của hai cô nàng ranh mãnh, chàng trai cảm thấy vô cùng khó chịu và một chút đau khổ, nhưng rồi cho đó là một kinh nghiệm sống. “Với những cô nàng loại này thì không được yêu là đúng rồi”, một bạn có nick name inheaven199x nhận xét. Táo bạo hơn, B.L (lớp 12 trường NTT) đã từng nhờ anh trai của mình kéo bạn bè lên…đánh một hotboy trong trường, chỉ vì cậu ấy nói với B.L: “Chúng ta chỉ là bạn và mình không có tình cảm đặc biệt với L”.
Bảo Nam (lớp 12 trường GV) kể: “Năm lớp 10, mình đã từng từ chối tình cảm của một cô nàng. Vài tuần sau đó, bạn gái đòi chia tay mình. Mình biết do chính cô ấy gây ra chuyện này, nhưng có thanh minh giải thích thế nào bạn gái cũng không tin. Mình muốn nhẹ nhàng hơn nên yêu cầu với cô nàng bị mình từ chối, rằng 'chúng ta là bạn tốt nhé! Đừng hại Nam nữa, được không?', cô ấy phớt lờ như không nghe. Mỗi lần mình đi ngang thì đều bị liếc xéo đến nảy lửa".
Liệu có đáng?
Nhiều bạn thường quay ra…ghét chính người mình yêu và chơi xỏ để cảm thấy bản thân mình không thua kém. Điều đó chứng tỏ bạn chưa từng yêu người ấy, bạn chỉ yêu chính bản thân mình và thương xót bản thân mình khi bị thua cuộc. Bạn yêu, hay bạn muốn thể hiện? Có đáng để bạn làm thế? Bạn chơi xỏ tức là bạn không yêu, mà nếu không yêu thì việc gì phải tự đánh mất hình tượng? Việc “cay cú” khi bị khước từ tình cảm là điều không nên, vì điều đó có thể khiến bạn gặp bất lợi trong tình cảm sau này. “Chơi xỏ” người khác thì chính bạn sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn cả, còn người từ chối tình cảm của bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm, vì: “May mà mình khước từ người ấy”.