Gần đây, hình ảnh những cặp tình nhân tuổi teen diện đồng phục, tay trong tay dạo phố phường và vào các tụ điểm café, fastfood đã trở nên quen thuộc và nhan nhản ở khắp mọi nơi. Nhưng dường như hình ảnh đó chưa gây “sốc” cho người lớn bằng thứ ngôn ngữ tình yêu và cách thể hiện tình yêu của teen như những đôi vợ chồng thực sự.
Những kiểu “cam kết” tình yêu
Khi phát hiện những dòng tin nhắn với lời lẽ vô cùng thân mật và cách gọi nhau là “vợ chồng của Hà, với cậu bạn trai cùng học lớp 10 khiến chị Hoa (Mỹ Đình – Hà Nội) lặng người đi và không còn đủ tỉnh táo để giữ bình tĩnh. Ngay tối hôm đó, gia đình chị có một cuộc họp gia đình với những lời kết tội nặng nề trút lên đầu Hà. Các biện pháp quân sự được vợ chồng chị Hoa tung ra như gặp bố mẹ cậu bạn trai của Hà để nói chuyện, tịch thu điện thoại, thay phiên nhau áp tải con đi học.
Chưa kịp an tâm, vài ngày sau chị Hoa lại phát hiện Hà có điện thoại mới vẫn đầy ắp những tin nhắn yêu đương mặn nồng. Một trận đòn roi đổ lên Hà và việc canh giữ để Hà không có thời gian riêng tư được đưa ra dày đặc hơn khiến mối quan hệ của vợ chồng chị Hoa với Hà càng căng thẳng.
Một trường hợp khác, vợ chồng anh Thắng (phố Quan Thánh) thảng thốt khi nhận được những hóa đơn tiền điện thoại lên tới hàng triệu đồng. Cuộc điều tra nho nhỏ được tiến hành và thủ phạm là cậu con trai học lớp 11 “buôn dưa lê” với người yêu hàng tối. Hình phạt cho cậu con trai là cắt tài trợ để bù vào tiền điện thoại đã tiêu tốn.
Hay một câu chuyện đã trở thành nổi tiếng ở trường THPT Việt Đức khi một cặp tình nhân tuổi teen, mặc đồng phục vào cửa hàng mua đôi nhẫn cưới có đính hạt kim cương trị giá hàng triệu không còn khiến giới trẻ phải ngạc nhiên.
Theo em N.D.H, học sinh lớp 12 trường THPT Chu Văn An, hiện tượng teen mua đồ cặp đôi hay nhẫn cặp đôi giống nhau không còn là hiếm trong trường học. Với các em, việc làm trên được hiểu như “cam kết” gắn bó lâu dài của đôi bạn trẻ.
Nên và không nên
Khi biết con mình đã có tình cảm yêu đương với bạn khác giới, tâm lý chung của các bậc cha mẹ thường hoang mang, lo lắng.
Tuy nhiên, TS Vũ Gia Hiền, Chủ nhiệm khoa Tâm lý giáo dục ĐH SP dân lập Bình Dương cho rằng cha mẹ cần tôn trọng cảm xúc và lắng nghe con chia sẻ những rung động đầu đời. Bố mẹ cần hiểu và chấp nhận cảm xúc rung động đầu đời của con. Khi có được sự cảm thông từ bố mẹ, các em sẽ mạnh dạn bày tỏ tâm trạng thật của mình. Hãy để tình cảm của con phát triển tự nhiên, đồng thời từng bước lắng nghe những cung bậc cảm xúc của con, từ đó giúp con phân biệt được giá trị thật-ảo trong tình yêu.
Theo ông Hiền, sự hấp dẫn về giới tính và tình yêu đến với trẻ một cách rất đỗi tự nhiên. Dù muốn hay không, trẻ cũng không thể né tránh được cảm xúc yêu thương. Cảm xúc giới tính có thể chia ra ba cấp độ là thích, thương và yêu. Thích là “món quà” cảm xúc đầu tiên, là sự rung động nhất thời và có thể thay đổi. “Cứ để trẻ thích ai đó, vì đến tuổi dậy thì mà không thích bạn khác phái cũng đáng lo” - TS Hiền cho biết.
Còn theo TS Nguyễn Thị Hoa, Viện Tâm lý học, trong mối quan hệ tình cảm của tuổi teen, cha mẹ cần giáo dục đạo đức trong tình yêu với con trai để không “gây hại” cho người khác. Với con gái, cha mẹ cần giáo dục về những mất mát trong tình yêu để con biết giữ mình và biết những mất mát phải gánh chịu nếu dễ dãi, thiếu tự trọng.
Một điều mà các nhà tâm lý đặc biệt nghiêm cấm cha mẹ được làm là không bêu riếu cảm xúc của teen. Với cách hành xử thiếu bình tĩnh, nóng nảy của cha mẹ đã làm tổn thương lòng tự trọng của con. Khi không có được sự tôn trọng từ phía bố mẹ, trẻ sẽ ngày càng trở nên xa rời gia đình.
Và khi tình yêu bị ngăn cấm mà có cơ hội gặp lại thì rất khó để các em giữ mình, hậu quả lúc này là không thể lường hết được. Một số bố mẹ dùng biện pháp kèm cặp, quản lý con suốt ngày, việc này vừa mất thời gian vô ích và ngược lại, càng bị kìm kẹp thì trẻ càng có nguy cơ vùng vẫy, thậm chí nổi loạn để thoát khỏi sự trói buộc.
Bên cạnh đó, việc cha mẹ xem trộm nhật ký, tin nhắn điện thoại của con có thể khiến trẻ mất niềm tin, từ đó có tâm lý đối phó thay vì chấp nhận sự đồng hành của cha mẹ trong nhiều vấn đề của cuộc sống.
Khi phát hiện con mình đang phát triển các mối quan hệ trên mức tình bạn với người khác giới, cha mẹ hãy luôn đồng hành, làm bạn cùng con để con luôn tin tưởng, chia sẻ những khúc mắc và lo lắng của con. Nhờ đó, cha mẹ sẽ kịp thời định hướng, uốn nắn, điều chỉnh hành vi giúp con vững bước vào đời.
Dạy con tuổi dậy thì là thử thách lớn nhất đối với các bậc cha mẹ. Vì trẻ dậy thì thường 'trái tính, trái nết' và ương bướng khiến những 'đấng sinh thành' không khỏi đau lòng. Dạy trẻ tuổi dậy thì sao đây để nhẹ lòng mẹ, thỏa lòng con?