TRẺ » Đời sống trẻ

'Mẹ trẻ' bật mí cách làm khô quần áo bằng máy sấy tóc, dân mạng can ngăn vì cách làm này cực nguy hiểm

Thứ hai, 07/02/2022 13:00

Vào mùa đông hay mưa phùn, việc quần áo bị ẩm sẽ khiến nhiều gia đình cảm thấy khó chịu.

Thời tiết trời mưa gió lạnh và ít nắng vẫn luôn là nỗi lo cho chị em phụ nữ trong việc giặt giũ và phơi phóng quần áo. Hơn nữa, quần áo mùa đông thường vừa dày, vừa nhiều nên việc phơi quần áo sẽ lâu khô, thậm chí có mùi hôi ẩm gây khó chịu.

Mới đây, một mẹ trẻ đã chia sẻ cách làm của mình để quần áo mau khô: "Muốn quần áo nhanh khô, thơm... vào mùa nồm thì làm theo cách này.

Mùa nồm, ôi cái cảm giác trời mưa rả rích lạnh, sàn nhà bốc hơi nước ẩm ướt. Áo quần phơi gần cả tuần không khô, sờ lúc nào cũng ẩm lạnh và có mùi hôi... thật sự đáng sợ các bác ạ.

Mà nhà nghèo như em thì làm gì có máy sấy, tủ sấy. Theo cách làm của em phù hợp cho những gia đình không có điều kiện mà quần áo chỉ cần 15-30 phút là khô thơm rồi ạ.

Đầu tiên cần chuẩn bị cho em nguyên liệu đơn giản nhà nào cũng có: chăn dày to, 2-3 cái gối, máy sấy tóc trên 2000w (công suất lớn thì nhanh khô).

Các bước như sau:

- Cho áo quần lên giường (nệm). Kê máy sấy tóc lên gối để tăng chiều cao. Để gối ôm kế bên (tạo thành 1 dạng hố- như hình)

- Trùm chăn kín quần áo và 1/2 máy sấy. Lưu ý: để phần đuôi máy sấy ra khỏi chăn, không được trùm kính máy sấy hoàn toàn.

- Bật gió và nhiệt cao nhất để yên 10 phút. Sau đó xáo, trở quần áo ẩm để cho máy sấy khô hết quần áo. Cái nào khô thì lấy ra để khỏi chiếm diện tích. Nếu muốn quần áo thơm thì cho 1 ít tinh dầu (nước hoa) dành cho quần áo vào.

- Nhớ xáo trộn quần áo (10 phút trở lần) để quần áo khô thơm đều. Sau 25-30 phút quần áo khô thơm, nóng ấm thì xếp cất tủ.

Cách này cũng làm ấm chân tay được luôn đó ạ. Tết vừa xong nhiều gia đình về quê ăn tết mà quần áo chưa khô kịp thì làm theo cách em chỉ hiệu quả lắm ạ. Em dựa theo nguyên lý của tủ sấy quần áo nên làm theo".

Sau khi chia sẻ cách làm này, nhiều cư dân mạng cho rằng việc dùng máy sấy để khô quần áo cực nguy hiểm có thể làm hỏng máy sấy, nổ máy sấy hoặc bị điện giật.

"Nhà mình mấy năm trước cũng dùng cách này, mà sấy nóng, chảy nhựa đầu máy sấy, nguy hiểm quá nên mua cái tủ sấy luôn, vừa đỡ nhăn đồ, vừa an toàn, vừa không phải canh chừng rồi đảo quần áo liền tay", "Phỉ phui cái mồm chứ có ngày cháy thui cả người đấy. Nguy hiểm quá, đây không phải là sáng kiến mà là thiếu hiểu biết trầm trọng. Chủ top bỏ ngay nhé. Năm mới bình an!", "Cách này không biết tiết kiệm không, chỉ thấy nguy hiểm. Có ngày cháy hết chỗ quần áo với chăn, cháy luôn cả nhà đấy bạn ạ", "Mình từng lấy máy sấy sấy đệm mà tý cháy máy! Từ đó đã không dám chơi kiểu này, rất không an toàn! Xin can mọi người, đừng làm theo, nguy hiểm đấy!"... nhiều cư dân mạng bình luận.

Trước những ý kiến của nhiều người, người mẹ trẻ này lên tiếng: "Em không nói cách này an toàn. Có người bảo sao không dùng bàn là? Em vẫn sử dụng bàn là nhưng nó rất lâu, và con em ngồi cạnh không để ý cháu sẽ bị bỏng. Mà đồ len thì không thể là vì đồ sẽ hư.

Bàn là dùng nó có chế độ tự ngắt khi đạt độ nóng cao. Nhưng chúng ta khi là vẫn phải lật mặt để là quần áo khi mặt này đã đạt được độ khô mà chúng ta mong muốn ( không cẩn thận cũng làm cháy quần áo)

Khi cảm thấy độ nóng cao nên tắt máy sấy để nghỉ (tránh máy nóng quá dẫn đến chảy nhựa đầu máy sấy) lúc này trong chăn có hơi nóng nên cũng khô quần áo. Khi nào ở trong chăn nguội thì lại bật máy sấy tiếp ạ. Mọi người nấu ăn, là quần áo không đứng cạnh để canh ạ? Làm gì mình cũng đứng bên xem để đảo trở thì sẽ không bị cháy? Nhiều người khuyến cáo cháy nổ bếp gas vậy mình không sử dụng bếp gas nữa sao ạ?

Cách này dành cho quần áo đã phơi 2-3 ngày đã khô nhưng vẫn còn hơi ẩm lạnh. Không nên sử dụng cho quần áo vừa giặt xong.

Cảm ơn mọi người đã góp ý. Có khi sau chuyến này em được chồng em cho tiền mua tủ sấy. Vì đầu mua em cũng muốn mua nhưng chồng em không cho em mua vì không có chỗ để và bảo không cần thiết".

Thùy Dương (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới