Trang web Alomon của Nguyễn Văn Phi chỉ mới thành lập được 5 tháng nhưng đã được nhiều người, đặc biệt là các nhân viên văn phòng tại Sài Gòn biết đến. Hiện nay, doanh thu mỗi tháng trên 50 triệu đồng, thậm chí là trăm triệu.
Trải nghiệm để khởi nghiệp
Để có được thành công bước đầu như hiện nay, ngay từ năm thứ nhất, chàng trai của vùng đất Ninh Thuận đầy nắng, gió Nguyễn Văn Phi đã trải nghiệm qua rất nhiều nghề. Chàng trai này từng làm gia sư, phát tờ rơi, phục vụ nhà hàng, đám cưới, thậm chí còn thử bốc vác ở chợ Hòa Hưng.
Khi tiết kiệm được một chút vốn liếng, Phi nhanh chóng tìm cách kinh doanh. Đầu tiên, chàng trai này lựa chọn hình thức bán hàng điện tử trên mạng. Tuy nhiên, Phi chia sẻ: "Những công việc đó rất cực, không giúp cho mình tiếp thu thêm được nhiều kiến thức về quản trị kinh doanh”.
Vì thế, chàng trai này đã cùng bạn bè thành lập CLB chứng khoán CIS để tạo sân chơi tích lũy khả năng, kiến thức cho sinh viên trong trường. Với việc CIS ra đời, Phi trở thành người trẻ nhất Sài Gòn có CLB về chứng khoán và sàn chứng khoán ảo. Bởi khi ấy, Nguyễn Văn Phi mới chỉ 19 tuổi.
CIS giúp Phi giúp có thêm những hiểu biết về chứng khoán, khả năng quản trị nhân sự hơn 600 thành viên CLB. Song song với phát triển CIS, chàng trai này vẫn duy trì công việc bán hàng điện tử.
Phi nhớ lại: “Một buổi trưa đi giao hàng điện tử, ngang qua các tòa nhà ở quận 1, mình thấy nhiều nhân viên đi tìm đồ ăn trưa. Thấy vậy mình tự hỏi tại sao không làm một đơn vị chuyên đặt món ăn tận tay cho họ”. Ý tưởng trên là khởi đầu cho sự ra đời của Alomon.
Phi có vốn 6 triệu đồng, cùng với sự hỗ trợ của 5 thành viên còn lại, nhóm khởi nghiệpvới tổng 20 triệu đồng. Phi và các bạn bắt tay cho sự ra đời của công ty từ tháng 1/2013. Các thành viên làm mọi công đoạn, từ mua thùng chứa hàng, lập website, phát tờ rơi giới thiệu, đến từng nhà hàng đặt vấn đề, nghiên cứu thị trường…
“Bên mình chuẩn bị phát triển thêm dịch vụ phát thẻ thành viên, lập diễn đàn để mọi người có thể chia sẻ về địa điểm, món ăn bên cạnh việc đặt món. Mình tin dịch vụ này sẽ giúp mình tăng doanh thu lên ít nhất 100 triệu đồng hàng tháng”, Phi giới thiệu.
Sinh viên nên làm nhiều hơn học
Trước khi có được thành công như hiện nay, hai tháng đầu tiên thành lập Alomon luôn trong tình trạng ế ẩm. Số tiền lỗ lên đến 20 triệu đồng. “Với sinh viên mới khởi nghiệp như chúng mình, đó là một số tiền lớn. Vì vậy có ba bạn bỏ cuộc chơi, mình cũng đã có lúc như vậy”, Phi nhớ lại.
Do tài chính thiếu hụt và sự cạnh tranh của các hệ thống có tên tuổi, công việc kinh doanh của Phi và nhóm bạn gặp không ít khó khăn. Không những thế chàng trai này còn bị gia đình phản đối vì sợ ảnh hưởng đến việc học hành.
Không nản, Phi tiếp tục đến các nhà hàng, đi nhiều đến nỗi có nhiều nhà hàng tưởng là đi xin việc; để tìm nhiều cách mở rộng đối tượng khách hàng và hướng quảng cáo địa điểm ăn uống. Sau 2 tháng thua lỗ, công ty của Phi dần đi vào ổn định với mỗi ngày từ 100–200 đơn đặt hàng. Hầu hết các đơn đặt hàng đều có số lượng lớn của một công ty, văn phòng. Là ông chủ, nhưng Phi vẫn đảm bảo công việc học tập. Chia sẻ về học tập, Phi cho biết: “Dù khá bận rộn, tuần chỉ dành ra vài tiếng cho bản thân nhưng mình vẫn cố gắng sắp xếp thời gian học tập, vẫn làm chủ nhiệm CIS và trước giờ chưa hề rớt môn học nào”. Chàng trai này luôn ưu tiên cho công việc nhiều hơn, nhiều lúc phải nghỉ học để giao những đơn hàng quan trọng. Bởi Phi quan niệm dành 40% cho học tập và 60% cho công việc của mình. Khi được hỏi, sinh viên nên đi làm nhiều hay tập trung học, cá nhân Phi cho rằng nên đi làm nhiều hơn.
Phi chia sẻ: “Có bằng đại học là điều kiện cần, nhưng điều kiện đủ lại chính là kinh nghiệm kỹ năng thực tế. Mỗi công việc mình làm đều học được thêm kỹ năng. Việc bán hàng điện tử giúp mình có kỹ năng thuyết phục khách hàng, quản lý CIS giúp mình biết về quản trị nhân sự, truyền thông, còn chạy bàn mà mình hiểu tâm lý khách hàng". Vì thế ngoài đảm bảo việc học không sa sút, Phi cho rằng sinh viên nên đi làm để giảm bớt quỹ thời gian rảnh rỗi.