Bài văn tả ông bố lười chỉ thích nằm ườn
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền bài văn thú vị của học sinh lớp 3 miêu tả về ông bố lười “chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy” đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Bài viết có nội dung như sau: "Nhà em có nuôi một ông bố tên là Đỗ Mạnh Hà. Hằng ngày bố chỉ đi kiếm tiền rồi về nhà nằm ườn ra đấy. Đến bà là người to nhất vẫn phải làm việc còn bố là người duy nhất không làm việc. Lúc ăn cơm gọi mấy cũng chưa lên còn bảo đợi tao tí. Lúc ăn cơm xong cả gia đình cùng dọn, bố trả (chả) dọn rồi xuống chat Za lô (Zalo) với học sinh. Em bé còn phải đút xoài cho bố, từ nay em không làm ô xin nữa. Em rất yêu vừa chứ không yêu lắm".
Tác giả bài văn này là Đỗ Hồng Anh (8 tuổi), còn ông bố được miêu tả là anh Đỗ Mạnh Hà (sinh năm 1980), làm việc tại trung tâm Công nghệ Thông tin - ĐH Thương mại Hà Nội.
Bài văn trở thành người quyền lực để đưa mẹ đi spa
Với đề tài “Nếu trở thành người quyền lực nhất đất nước Việt Nam, em sẽ làm gì?”, Vũ Hương Trà (học sinh lớp 5A2, trường Hà Nội VIP), đã chia sẻ mong muốn kiếm được nhiều tiền để “đưa mẹ đi spa ở những chỗ đảm bảo”.
Trích đoạn trong bài văn này: “Buổi tối hôm trước em mơ, em là người giàu có và quyền lực nhất trên Việt Nam và được phỏng vấn. Một cô phóng viên hỏi: “Bạn có dự định nào cho tương lai không?”. Sau câu hỏi đó em liền trả lời: “Có tất nhiên là tôi có rồi”.
Cô phóng viên đấy liền hỏi tiếp: “Đó là những dự định nào? Bạn có thể cho chúng tôi biết được không?”. Em trả lời rằng: “Được, dự định thứ nhất của tôi là sẽ đến những khu mua sắm và sẽ đến nhà bố mẹ tôi, bố tôi rất vất vả nuôi đến lúc ra đại học còn mẹ tôi là người tôi không bao giờ quên được công lao. Mẹ tôi rất lo cho tôi khi đi học đại học và ở ký túc xá nên tôi tự hứa với bản thân mình rằng phải học giỏi để mai kia kiếm được thật nhiều tiền.
Trở thành người quyền lực nhất, kiếm nhiều tiền để đưa mẹ đi spa. Đầu tiên từ hồi nhỏ tôi chỉ mong rằng sẽ đưa mẹ đi mua sắm ở những cửa hàng toàn là hàng hiệu và đưa mẹ đi spa ở những chỗ đảm bảo. Còn bố tôi sẽ đưa bố đi đánh gofl và đi xem bóng đá và cuối cùng tôi sẽ đưa bố và mẹ tôi đi Đà Lạt nơi có những loài hoa đẹp nhất để bố mẹ thư giãn.
Còn ba người nữa mà tôi không thể thiếu đó chính là hai người chị của tôi và một em trai. Khi có đông đủ mọi người, tôi sẽ đưa họ đi Hawai để tắm biển".
Bài văn tả thần tượng
Miêu tả thần tượng của mình chính là những ca sĩ đang nổi danh trong làng Vpop như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc, Hà, Noo Phước Thịnh, Thu Minh là điều khiến những bài văn này gây chú ý.
Một học sinh tiểu học tả Thu Minh: “Năm nay, cô ba mươi lăm tuổi rồi nhưng trông cô vẫn đôi mươi thôi. Trong chương trình Hot Music, cô hát bài Bay. Cô bước lên sân khấu bộ đầm lộng lẫy sang trọng. Trước khi hát cô cúi đầu chào khán giả. Khi cất tiếng hát mọi người đều vỗ tay. Tay trái của cô múa theo nhịp, còn ay phải cô cầm cái míc. Chân cô múa theo nhịp nhạc.
Cô nhìn khán giả bằng cặp mắt thân thương. Đang hát cô bỗng nói to: “Vỗ tay to lên nào các bạn ơi!” Rồi cô bước xuống vẫy tay chào khán giả. Mọi người bao quanh nắm tay cô không muốn rời. Cô đưa tay bắt và cho chữ kí. Khi cô cười lộ ra chiếc răng trắng ngà. Cô hát xong và cúi chào mọi người. Trước khi bước vào sân khấu cô gửi lời chúc đến khán giả. Em rất yêu quý cô Thu Minh. Em sẽ học thật giỏi để bố mẹ dẫn đi xem thêm nữa”.
Còn Nguyễn Hiền Anh (lớp 5A, trường tiểu học Quang Trung, Hà Nội) lại miêu tả Noo Phước Thịnh: "Thứ bảy tuần trước, anh em vừa mua vé đi xem ca nhạc buổi biểu diễn của ca sĩ Noo Phước Thịnh. Em rất háo hức và vui mừng vì ca sĩ đó là thần tượng của em. Khi đến buổi biểu diễn, em nhìn thấy người đến xem đông như kiến. Sân khấu được trang hoàng rất lộng lẫy. Kĩ thuật ánh sáng rất công phu. Có đủ các loại đèn: đèn xanh, đèn đỏ, đèn tím, đèn vàng rất rực rỡ. Bỗng tiếng hò reo vang lên. Ca sĩ Noo Phước Thịnh bước lên sân khấu.
Noo Phước Thịnh nhảy từng bước nhảy rất đẹp, rất đều. Xong buổi biểu diễn, khuôn mặt đẹp trai của anh ướt đẫm mồ hôi. Các fan của anh lên sân khấu tặng cho anh những bó hoa tươi thắm, giúp anh xua tan bớt mệt nhọc.
Em rất thích ca sĩ Noo Phước Thịnh. Anh ấy có những tài năng mà ai cũng muốn có. Ý chí và nghị lực của anh ấy khiến ai cũng ngưỡng mộ. Em mong sẽ còn có nhiều buổi diễn của Noo Phước Thịnh để mọi người có thể đến thưởng thức”.
Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Trí, chuyên gia của chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục nhà trường (SEQAP), chia sẻ một câu chuyện: “Một học sinh làm đề bài “Tả một người bạn thân của em” đã hỏi ông của mình: “Ông ơi, cháu tả con Chó Chảo có được không?”. Chó Chảo là tên con thú bông mà em rất thích. Với em, đây là người bạn thân, khi ăn khi ngủ em đều đặt cạnh. Đi chơi đâu em cũng mang theo. Em coi nó là người bạn thân nên mới hỏi ông như vậy.
Nếu đặt địa vị là ông em bé, chúng ta sẽ trả lời thế nào? Khuyên em cứ làm theo mong muốn, suy nghĩ của ngây thơ của mình. Nhưng nếu cô giáo không nghĩ như thế thì sao? Có thể lại có một điểm 0 vì cô cho rằng không ai lại coi một con thú bông là người bạn thân. Lúc ấy sẽ là một cú sốc với em học sinh kia. Còn khuyên em từ bỏ ý nghĩ hồn nhiên đó, đi tìm một “người” bạn thân để tả thì sẽ trả lời sao nếu em hỏi “Ông ơi, vì sao chú Chó Chảo lại không là bạn thân của cháu?”.
Qua câu chuyện này, PGS.TS Nguyễn Trí cho rằng mỗi giáo viên nên mở lòng để chấp nhận mọi cách kể, cách tả khác với suy nghĩ quan niệm của mình mà học sinh viết trong bài làm.
Khi ấy, giáo viên mới có thể đánh giá đúng năng lực của học sinh, khuyến khích các em giữ được sự hồn nhiên, ngây thơ, có cách cảm, cách nghĩ, cách tả của riêng mình.