TRẺ » Đời sống trẻ

Những chiêu độc của sếp ngoại quản lý nhân viên

Thứ hai, 20/08/2012 08:48

Hiện nay nhiều bạn trẻ có vốn ngoại ngữ tốt thích làm việc với sếp ngoại với hy vọng có mức lương cao. Đặc biệt với thời đại công nghệ ngày càng phát triển thì việc sếp điều khiển từ xa là xu hướng của các công ty nước ngoài.

Công cụ quản lý của các sếp kiểu này chủ yếu là qua chat, email và điện thoại nên vấn đề thời gian có phần được lơi lỏng. Hiệu quả công việc đặt lên hàng đầu. Chính vì suy nghĩ đó nên phần lớn các bạn trẻ thường quan niệm làm việc ở những công ty có sếp điều khiển từ xa sẽ thoải mái và mặc sức tung hoành. Tuy nhiên trên thực tế, người trong cuộc gặp không ít khó khăn.

Nhiều “lệ” của người Việt không phải sếp người nước ngoài nào cũng biết Đối với người nước ngoài đánh giá khả năng của một người, công ty là nhờ hiệu quả công việc mà không phải do “độ dày của phong bì” nên đôi khi ứng xử với “văn hóa phong bì” cũng là một vấn đề.

Trang Dương là nhân viên của công ty chuyên kinh doanh phụ kiện may ở một công ty của Hàn Quốc. Công việc của Trang là một trưởng đại diện tại văn phòng Hà Nội nên khối lượng công việc khá áp lực. Cô vừa tìm kiếm nguồn khách hàng tiềm năng để bán hàng cho công ty vừa thay mặt sếp điều hành, quản lý đội ngũ nhân viên cũng như tất cả mọi công việc phát sinh khác.

“Dở khóc dở cười” nhất là những khoản đóng góp, ủng hộ mỗi khi cán bộ phường ghé thăm. Mặc nhiên những khoản này không có biên lai nên đôi khi nhân viên phải giải thích với sếp rất phiền phức. Mặc dù sếp vẫn thông cảm mà xuất cho những khoản tiền phát sinh như thế nhưng có những tháng tiền phát sinh nhiều quá Trang cũng đành ngậm ngùi móc tiền túi ra để bù vào.

“Đối với khách hàng là người Việt Nam thì văn hóa “hoa hồng” dường như được áp dụng triệt để. Đôi khi để thuyết phục khách mua hàng, dù giá cả có tốt cũng không hấp dẫn bằng việc giá cao nhưng trích % cho cá nhân người giao dịch. Với những khoản này việc giải trình với sếp khá phiền phức bởi tâm lý người nước ngoài cứ cái gì không minh bạch là họ không ủng hộ”, Trang cho biết thêm.

Sếp của Quốc Anh là người Mỹ. Ông nổi tiếng là người dễ tính, vui vẻ luôn khuyến khích nhân viên tạo tiếng cười để giảm áp lực công việc. Một buổi sáng đi làm muộn cùng với sự chủ quan vì sếp ở xa lại là người không mấy khi quan tâm đến chuyện ăn mặc của nhân viên nên Quốc Anh đã vơ vội chiếc áo phông của cậu em trai in hình logo của công ty đối thủ  mặc vào người.

Đen đủi thay cho cậu, mặc dù điều khiển từ xa nhưng sếp lại cẩn thận lắp camera để tiện việc quản lý văn phòng. Cậu đã phải lĩnh trọn cơn thịnh nộ của sếp: “Ai có thể tin rằng cậu là một người trung thành với công ty khi anh khoác trên người biểu tượng của công ty khác".

Cũng như Quốc Anh, vì nghĩ rằng chỉ cần hiệu quả công việc còn thời gian được lơi lỏng nên Thu Linh khá thoải mái thời gian.

Một lần sếp theo dõi webcam cả ngày không thấy Linh có mặt ở văn phòng, gọi điện thì cô nàng liến thoắng đang ở chỗ một khách hàng vốn là chỗ quen thuộc của sếp. Nhưng thực ra nàng đang tập trung thời gian làm thêm cho một công ty khác với mức lương hấp dẫn hơn. Cô vẫn cố câu kéo khoản lương cứng mà công ty cũ trả cho. Ai ngờ sếp đã lấy được bằng chứng chụp từ camera theo dõi người đến giao dịch ở công ty. Khách hàng đến mà không thấy có sự xuất hiện của Linh trong ngày hôm đó.

Kết cục ai cũng biết Linh bị sa thải bởi không sếp nào chấp nhận một nhân viên không thật thà chưa kể đến việc “ăn ở hai lòng” mà người Nhật đặc biệt tối kỵ.

Qua đó Linh cũng ngậm ngùi mà nhận ra bài học: “Mỗi quốc gia mà họ sinh sống có nền văn hóa và tập quán khác nhau. Nắm không rõ điều này sẽ khiến bạn mắc phải những sai lầm trong ứng xử và giao tiếp với sếp”.

Zing
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới