Cô gái bỏ việc nghìn đô theo đuổi đam mê nấu ăn
Sinh ra ở Nga, lớn lên ở Đức và Đài Loan, học phổ thông ở Việt Nam, học đại học ở Singapore rồi đi làm tại quốc đảo này, Đào Chi Anh (30 tuổi) tự nhận mình là "thiên thần ưa dịch chuyển". Có bố là giáo sư Vật lý đầu ngành của Việt Nam, nhưng Chi Anh không bị áp lực phải theo nghề gia đình. "Bố mẹ ủng hộ dù tôi lập nghiệp ở bất cứ lĩnh vực nào", cô chia sẻ.
Được gia đình hậu thuẫn nên khi đang làm nhân sự cấp cao một tập đoàn lớn của Singapore, cô quyết định nghỉ ngang để đeo đuổi đam mê... nấu nướng. Tình yêu với ẩm thực bắt đầu từ năm 2009, khi Chi Anh bị áp lực lớn từ công việc ở Singapore. "Một ngày, tôi nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là nấu nướng. Nó khiến tôi tìm ra ý nghĩa của cuộc sống mỗi sớm tôi vào bếp sửa soạn một món ăn mới", cô kể.
Chi Anh mày mò tìm kiếm công thức, nấu các món ăn thử và chia sẻ trên blog. Dần dần, cô được các tạp chí về du lịch, ẩm thực mời hợp tác và trở nên nổi tiếng trong cộng đồng yêu bếp núc. Nhờ số bạn trên mạng tăng đột biến, Chi Anh tìm được Hoàng Anh đang sống tại Úc, có nhiều điểm chung, nhất là đam mê nấu nướng. Thế rồi, dự án “Căn bếp nghệ thuật” của đôi bạn ra đời, đây là nơi các món ăn trở thành các tác phẩm nghệ thuật.
"Căn bếp nghệ thuật" được hai cô chủ say mê ẩm thực gọi là thiên đường cho những người mê nấu ăn, làm bánh hay muốn phát triển khả năng bếp núc. Đến đây, nhiều người có thể theo dõi clip hay tham gia lớp học nấu ăn, gọi và thưởng thức những món lạ, ngon từ hương vị đến cách trình bày.
Sau thành công nhỏ ban đầu, Chi Anh tiếp tục mở quán cà phê kết hợp làm bánh và phục vụ các món ăn mang tên The Kafe. Quán ra đời trong sự nghi hoặc của nhiều người về khả năng thành công. Tuy nhiên, sau một tháng kinh doanh, cửa hàng đã thu về lợi nhuận đủ trả lương cho nhân viên và duy trì hoạt động.
Một nhà xuất bản uy tín của Singapore đã phát hiện ra "phù thủy bếp núc Chi Anh" và cuốn sách đầu tiên của hai nữ tác giả người Việt ra đời. Sách hướng dẫn nấu ăn có cái tên rất đẹp: "Hai căn bếp ngọt ngào" khiến Chi Anh không bất ngờ nhưng vẫn "hét ầm lên" khi được nhà xuất bản ngỏ lời mời. Cô và Hoàng Anh cùng bắt tay viết sách trong 4 tháng. Sách viết về các món bánh ngọt phương Tây nhưng lại mang cảm hứng từ hương vị Việt Nam. "Nó khiến chúng tôi có cảm giác vui và hãnh diện như đang góp phần khởi xướng cho xu thế mới", Chi Anh hạnh phúc chia sẻ.
Cô gái đồ da nghỉ việc nghìn đô đi may túi xách
Nguyễn Thu Thủy, 32 tuổi, từng giữ vị trí trưởng phòng sản phẩm với mức lương vài nghìn đô tại một công ty chuyên kinh doanh đồ nội thất châu Âu nổi tiếng ở TP.HCM. Công việc đòi hỏi chị Thủy phải dành nhiều thời gian xuống xưởng để quay phim, chụp ảnh cận cảnh quá trình làm đồ gỗ và da, cung cấp tư liệu cho khách hàng. Thế nhưng, trước khi khiến khách hàng yêu thích sản phẩm của công ty mình, chính Thủy đã bị công việc thủ công đòi hỏi độ tỉ mỉ, chính xác và óc sáng tạo cao này chinh phục.
“Về nhà, mình tập tành làm thử và nghiện chơi da luôn từ đó”, chị chia sẻ. Vì yêu thích nên ThuThủy bắt đầu tìm tòi các phương pháp làm đồ da qua những người thợ trong xưởng ở công ty cũ, qua sách vở, video, các trang web của công ty bán dụng cụ làm da ở nước ngoài…
“Người dân các nước phát triển lương họ cao lắm nhưng cứ làm vài việc năm thì họ lại xin nghỉ 1 - 2 năm để đi du lịch, xả hơi và tận hưởng cuộc sống. Mình thấy đó là một ý tưởng thú vị, và sau nhiều cân nhắc, mình cũng quyết định tạm nghỉ việc một thời gian để sống cho đam mê”, Thủy tâm sự.
Trong một lần đi chơi chợ trời ở Sài Gòn, Thủy gặp một số bạn trẻ đứng mua – bán quanh quầy hàng nhỏ một cách rất say mê nên nảy ra ý tưởng mở một quầy bán đồ da tại khu chợ này. Tuy nhiên, điều kiện để có thể đăng ký mở shop ở chợ trời là phải có tài khoản Facebook hoặc một website bán đồ da trên mạng. Vậy là chị mở Facebook bán hàng của riêng mình. Ý tưởng làm cho vui ban đầu không ngờ đã khiến cô gái 8X có lượng khách hàng đông tới mức “quên luôn cả ý định quay lại nghề cũ”.
Công việc từ niềm đam mê cá nhân đã giúp Nguyễn Thu Thủy có thu nhập tới vài trăm triệu mỗi tháng sau 2 năm phát triển. Sản phẩm đồ da handmade do chị làm giờ không chỉ dừng ở những chiếc ví nhỏ xinh mà từ túi, móc khóa, cặp, ba lô đủ loại hình, có giá từ hàng trăm tới hàng triệu đồng một sản phẩm.
Đồ da handmade của Thu Thủylàm mê mẩn khách hàng trong và ngoài nước vì màu sắc hợp thời, dễ phối, dựa theo tính cách, hợp phong thủy từng khách.Thủy cho biết, để làm ra một chiếc ví nhỏ, chị mất khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ, nhưng để làm ra một chiếc túi có thể mất vài ngày, thậm chí cả tuần. Sản phẩm nào cũng cần thực hiện đầy đủ các bước, từ phỏng vấn khách hàng, thiết kế, chọn chất liệu, thực hiện và hoàn chỉnh. Trong trường hợp khách chưa vừa ý, chị sẵn sàng tháo ra may lại không chỉ một mà nhiều lần cho tới khi khách thỏa mãn.
Điều đặc biệt là với mỗi sản phẩm bán ra, chị trích lại 10.000 đồng cho quỹ từ thiện vì trẻ em. Tích tiểu thành đại, 2 năm qua, số tiền này đã hơn 30 triệu đồng. Thủy tin tưởng vào một tương lai lâu dài với công việc chị đang theo đuổi đầy đam mê. “Mình ước sau này sẽ kết hợp được với một trại trẻ mồ côi nào đó, dạy nghề cho các em và cùng các em tạo nên thương hiệu đồ da handmade được khách hàng ủng hộ”, Nguyễn Thu Thủy chia sẻ.
Cô gái bỏ việc nghìn đô để bán bánh mì, mơ mở tiệm thuốc cho người nghèo
Sinh ra và lớn lên ở xã Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, cha làm nghề sửa xe, mẹ làm giáo viên, từ nhỏ Phạm Thị Tuyết Xuân đã ý thức được cái nghèo của gia đình. Để giúp đỡ gia đình, từ việc phục vụ nhà hàng, đến chạy sô dạy kèm… bất cứ việc gì kiếm được thu nhập và trau dồi khả năng ngoại ngữ là Xuân lao vào thực hiện.
Năm 2010, cầm tấm bằng tốt nghiệp loại khá, Xuân đầu quân cho một công ty chuyên về bất động sản. Thay vì chọn những công việc nhàn hạ ở những vị trí còn trống như ngồi văn phòng, Xuân đăng ký vào vị trí nhân viên bán hàng vì muốn trải nghiệm và thử sức. Được hơn một năm tích luỹ kinh nghiệm cộng thêm khả năng ngoại ngữ, Xuân xin vào làm đại diện bán hàng cho một tập đoàn trong nước chuyên xuất nhập khẩu nông sản. Thu nhập tháng cùng với thu nhập từ tiền hoa hồng của đối tác có tháng trên ngàn đô của Xuân là niềm mơ ước của không ít người.
Sau hai năm làm việc, bất ngờ Xuân tuyên bố nghỉ việc. Mọi người ngã ngửa khi biết Xuân từ bỏ công việc lương cao chỉ vì niềm đam mê.... bán bánh mì. Với một số đồng nghiệp, quyết định nghỉ việc đi bán bánh mì là một quyết định gàn dở... có vấn đề. Thậm chí trong gia đình, Xuân cũng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của cha mẹ và người thân. Kiên định với ý tưởng của mình, chiếc xe bán bánh mì của Xuân vẫn xuất hiện. “Ngày ra xe bánh, thật sự khó khăn, bởi cha mẹ can ngăn và giận không nói chuyện với mình một thời gian, một số bạn bè cũng không ủng hộ nhưng mình thích ăn bánh mì từ nhỏ, có thể phân biệt được bánh mì ngon dở... nên việc kinh doanh cũng sẽ vượt qua được”, Xuân bộc bạch.
Thời gian đầu kinh doanh, chiếc xe bánh mì vỉa hè của Xuân phải chật vật tìm khách. Doanh thu không đủ để bù chi phí trở thành chuyện cơm bữa. Số vốn tích luỹ ba năm đi làm cứ dần đội nón ra đi. Khó khăn không làm khuất phục ý chí của cô gái 25 tuổi. Cô nàng quyết chọn nguyên liệu tốt để bánh mì có hương vị riêng và chấp nhận lời ít trong thời gian đầu. Điều quan trọng là cô nàng chọn vị trí bán hàng ở những giao lộ tấp nập xe qua lại nên tình hình kinh doanh đã được cải thiện.
Chỉ sau sáu tháng, Xuân đã làm chủ ba xe bánh mì với 12 nhân viên hoạt động hai ca (sáng từ 6 – 9h, chiều từ 16 – 20h). Từ một chiếc xe bánh mì bình thường ở lề đường, khách hàng tìm đến với bánh mì Hậu Giang ngày càng đông. Số lượng bán mỗi ngày trung bình từ vài chục ổ, tăng lên vài trăm và hiện nay sức tiêu thụ lên đến 1.000 ổ/ngày.
Để gìn giữ thương hiệu non nớt của mình, hàng ngày Xuân phải dậy từ 4 giờ sáng để làm nhân chuẩn bị hàng cho các xe bánh mì ca sáng, thời gian còn lại Xuân đi mua nguyên liệu ở siêu thị, chợ, đến trưa là chuẩn bị hàng cho ca chiều. Thế nhưng buổi tối Xuân còn tranh thủ đi học thêm trung cấp dược để chuẩn bị cho một hoài bão khác.
“Mình đã hạ quyết tâm sẽ mở nhà thuốc giảm giá cho người nghèo. Lý tưởng sống của mình được truyền từ một ma sơ, người đã giúp mình trong suốt quãng đường khó khăn từ khi còn nhỏ. Sau khi sơ mất, mình đã bị sốc và điều đó đã tạo động lực để mình càng cố gắng làm việc, tích góp tiền để thực hiện ước mơ của sơ và cũng là ước mơ của mình, giúp đỡ những người nghèo khổ”, Xuân từ tốn nói.