Đó là những bức hình được chụp với những tờ tiền có mệnh giá lớn. Không chỉ thế, một số em còn ghi lại khoảnh khắc “hành xử” những đồng tiền lẻ cũng như tiền âm phủ cùng với những “châm ngôn” gây sốc.
Mệnh giá tiền càng lớn, độ “thăng” càng cao Dạo qua một số trang mạng xã hội, không khó để tìm ra những bức ảnh thể hiện đủ các “cung bậc” cảm xúc “hỉ nộ ái ố” đối với đồng tiền. Gần đây, cư dân mạng được dịp xôn xao bởi hình ảnh một cô gái có khuôn mặt khá xinh xắn chụp ảnh với tư thế nằm hớ hênh trên giường. Khắp thân mình rải hàng chục tờ tiền 500.000 đồng cùng nhiều chiếc điện thoại được đặt trên cơ thể, trong đó đáng chú ý nhất là chiếc Vertu đắt tiền. Ngay lập tức, nhân vật trong bức ảnh nhận được nhiều lời lên án khá gay gắt bởi hành động “chơi ngông”, khoe khoang thiếu văn hóa của mình.
Ngược với phản ứng đó, nhiều bạn trẻ lại tiết lộ, việc chụp ảnh cùng những món đồ có giá trị “khủng” đã và đang là trào lưu “khoe của” để thể hiện đẳng cấp. Theo bạn Minh Tú, trú tại phố Khâm Thiên, quận Đống Đa, cài facebook ở chế độ mở cùng với việc liên tục tung những bức ảnh gây sốc chính là một cách hữu hiệu để câu “view” (lượng người truy cập) của không ít chủ nhân. Thậm chí để phiên dịch thêm, nhiều người còn ghi những chú thích “thiếu khiêm tốn” và “huyênh hoang” như: “Không gì tuyệt bằng tự sướng với iPhone5”, “đẳng cấp là phải xài túi xách Hermes Birkin...”. Món đồ giá trị càng lớn lại càng tỷ lệ thuận với độ “hot” của bức ảnh.
Một bạn trẻ khác cho biết, trò “tự sướng với tiền” thì đẳng cấp sẽ dựa vào số lượng và mệnh giá tiền “trang trí” trong ảnh. Mới đây một cô gái được cho là sinh viên đang theo học tại Hà Nội tung lên facebook một bức ảnh chế “Địa Tạng Vương Bồ Tát” với tạo hình chiếc rổ đội đầu thay mũ, chổi quét nhà thay quyền trượng còn khăn tắm quấn quanh người làm áo cà sa. Quả là một hành động thiếu ý thức và thiếu văn hóa. Đáng nói, mâm đồ lễ trước mặt vị “Địa Tạng Vương Bồ Tát rởm” này lại được cài đầy những tờ tiền mệnh giá cao, thậm chí có cả những tờ USD. Còn chủ nhân đồng thời là nhân vật chính của bức ảnh lại nở một nụ cười khoái trá.
Vẫn theo Minh Tú, trào lưu chụp ảnh trên tiền bắt nguồn từ Trung Quốc, đặc biệt từ những bức ảnh của một cô gái ở Bắc Kinh có nickname “Tiểu Bạch Nhi ngoan ngoãn”. Cô đã chụp và tung lên mạng những bức ảnh mặc chiếc váy được kết bằng những tờ tiền giấy, khiến bất kỳ người nào xem cũng không khỏi choáng váng. Nghe đồn, để kết được chiếc váy đó cô đã phải bỏ ra một lượng tiền mặt lớn, tương đương gần 700 triệu đồng.
Phần lớn những người trẻ có sở thích “tự sướng” với những atờ tiền có mệnh giá lớn như 100.000, 200.000 và 500.000 đồng đều có chung một vài kiểu tạo hình gây sốc như xòe quạt để che mặt, rải tung tóe khắp giường. Thậm chí, nhiều bạn còn táo bạo hơn khi kết hợp với việc khoe cơ thể bằng cách che chắn “ngực trần” bởi những tờ tiền mệnh giá lớn. “Với đôi mắt mở to hoặc nụ cười thỏa mãn, quả thật nhân vật chính của bức ảnh đã khiến không ít người ghen tỵ bởi thứ hạng đẳng cấp... không biết xếp vào đâu” - em Thu Anh, học sinh một trường cấp 3 ở Hà Nội, chia sẻ.
Ngoài ra, một số bạn trẻ còn bày ra thú chơi “đốt tiền” để quay clip. Tại diễn đàn www.teendatviet.com , một số thành viên đã lật tẩy và bình luận về hành động “chơi ngông” này. “Mặc dù, nếu để ý kỹ thì “núi tiền” đó chỉ có 5 – 6 tờ tiền nhưng đấy cũng là một điều cực kỳ ngu xuẩn và vô nghĩa” - một thành viên phát biểu. Nickname “Duy Thái” cho biết: “Không ít người cho rằng đó là hành động của những kẻ ngửa tay xin và ăn bám bố mẹ, vô ích cho xã hội”.
Không chỉ những tờ tiền có mệnh giá lớn bị lôi ra làm trò đùa mà “số phận” những đồng tiền lẻ cũng “không được yên”. Khác với những đồng tiền có mệnh giá cao, phần lớn những đồng 500, 1.000 lẻ này được dùng để gấp thành nhiều hình thù ngộ nghĩnh như một con vật, hay trái tim, cánh quạt lớn, bông hoa... Thay vì đặt trên bàn, trên giường, tiền được “bảo quản” nhàu nát, vương vãi trên nền gạch bẩn. Thậm chí, một số chủ nhân còn “đạo diễn” bối cảnh thể hiện sự sáng tạo bằng cách hóa thân thành người ăn xin cùng bộ quần áo rách rưới, cầm trên tay chiếc rổ nát là một nắm tiền lẻ nhàu nhĩ hoặc vương vãi dưới nền gạch bẩn cùng lời chú thích đầy châm biếm như: “Đại gia tiền lẻ, Thành tiền lẻ...”.
Hậu trường chiêu trò đánh bóng của các “tiểu thiếu gia” Kiểu “khoe khoang” này không chỉ dành cho những “tiểu thiếu gia” thực sự mà một số bạn trẻ còn đua đòi để chạy theo như một trào lưu. Để có được những “đạo cụ” tốn kém cùng với sự “dàn dựng” công phu, không ít bạn trẻ phải bỏ ra tiền lớn để đi thuê với giá cắt cổ, nhằm tự đánh bóng “thương hiệu” và hình ảnh cho bản thân.
Theo anh Ngọc Anh, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại trên đường Hồ Tùng Mậu, Hà Nội, hầu hết các cửa hàng mua bán điện thoại hiện nay đều kiêm thêm dịch vụ cho thuê điện thoại “xịn” trong thời gian ngắn để phục vụ “dân chơi”. Những loại điện thoại “đình đám” như iPhone, Galaxy, Vertu,... đều trong tình trạng “cháy hàng” do nhu cầu thuê khá đông. Anh Ngọc Anh bật mí, khách hàng của anh hầu hết là các bạn sinh viên các trường quanh đó như: ĐH Thương mại, ĐH Quốc gia... Nếu khách hàng thuê từ 1 – 3 ngày nghĩa là phục vụ công việc như đi dự sinh nhật, sự kiện hoặc tút tát phong độ để tiện việc làm ăn còn nếu chỉ thuê chớp nhoáng trong ngày chắc chắn dùng để làm phụ kiện chụp ảnh nhằm “nâng tầm đẳng cấp”. Giá thuê đối với các loại “phụ kiện” này thường từ 500.000 đồng trở lên, tùy theo từng loại.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dương, Viện Xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết: Trên mỗi tờ tiền từ mệnh giá nhỏ cho đến lớn đều chứa đựng những nét văn hóa riêng về thiên nhiên, đất nước, con người của mỗi quốc gia. Mặt khác, nó cũng chứng minh cho nền tài chính của mỗi quốc gia nên chúng ta cần có thái độ trân trọng những tờ tiền này. Đó cũng là một cách thể hiện niềm tự hào dân tộc. Việc đưa những đồng tiền ra để làm trò đùa chẳng khác nào một hành động thiếu ý thức và thể hiện sự suy giảm về văn hóa của một bộ phận giới trẻ. Nên chăng, gia đình và nhà trường cần có những biện pháp nghiêm khắc cũng như tăng cường giáo dục sao cho các em hiểu và biết trân trọng những gì mà xã hội đã tạo ra.