Bịa chuyện xả súng giết người để câu like Gần đây nhất phải kể đến vụ việc của Ngô Đình Sơn, sinh năm 1993, ngụ phường Hải Đình, Đồng Hới, Quảng Bình bị phạt đến 25 triệu đồng vì dám tung tin đồn nhảm lên FB, làm xôn xao dư luận. Theo đó, Sơn đã lập một trang Facebook có tên là “Quảng Bình quê ta” rồi post thông tin với nội dung vô cùng đáng sợ: “Tại địa bàn Quảng Bình, một thanh niên đi trên xe Toyota Camry do va quệt với xe tải đã chặn đầu xe tải, xả súng làm tử vong 2 người trên xe tải rồi vứt xe bỏ chạy”. Và để “chứng thực” thông tin, Sơn còn post hình một chiếc xe tải và xe hơi có va chạm nhau trên một con đường đất lên trang FB “Quảng Bình quê ta”. Tin chấn động này đã được lan truyền với tốc độ chóng măt, gây hoang mang không những cho người dân Quảng Bình mà còn ảnh hưởng đến dư luận. Báo chí và Công an đồng loạt vào cuộc xác minh thông tin. Ngay sau đó, lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình cho biết là không có án mạng nào ghê rợn như thông tin của trang FB trên. Và theo điều tra, kẻ tung tin thất thiệt là Ngô Đình Sơn, sinh năm 1993, ngụ Đồng Hới, Quảng Bình. Tại cơ quan công an, Sơn thành thật khai báo rằng mình chỉ “lỡ” tung tin để… câu like và mong mọi người biết đến nhiều hơn về trang FB “Quảng Bình quê ta”. Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với Ngô Đình Sơn ở mức 25 triệu đồng về việc lập mạng điện tử không có giấy phép và đưa thông tin không đúng sự thật.
Bị phạt 30 triệu đồng vì xúc phạm người khác trên Facebook Còn nhớ năm trước, dư luận thành phố Đà Nẵng một phen xôn xao bởi cận ngày thi, một nữ sinh uống thuốc ngủ tự tử vì bị xúc phạm trắng trợn trên một Fanpage mang tên: “Bộ mặt thật của các Hot Teen Đà thành”. Theo đơn tố cáo của bà Nguyễn Thị Ch., ngụ đường Phan Chu Trinh, Đà Nẵng thì con gái bà là Phan U.N. đã bị trang “Bộ mặt thật của các Hot Teen Đà thành” dựng chuyện là chảnh chọe, không hòa đồng, kênh kiệu với bạn học … Ngay sau khi đọc bài viết và bị nhiều người không quen biết dè bỉu, U.N. đã mua thuốc an thần về uống. N. được gia đình phát hiện kịp thời và đưa đi cấp cứu. Không những thế trang Facebook này còn dùng lời lẽ vô cùng tục tĩu để nói xấu, xuyên tạc về đời tư của nhiều hot teen trên địa bàn các trường học ở Đà Nẵng. Trong đó có Nguyễn Thị Phương Tr. (21 tuổi, trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê). Phương Tr. bị thóa mạ như sau: “Đi Vespa nhưng thật ra chỉ là cái đồ bu đít bám mông, từng có lúc buôn bán tóc nối, thiếu tiền và mang xe điện mình đi cầm cố nhưng về nói dối “bị mất cắp”; bỏ nhà theo trai “là em trai của 1 chị mình quen. Chị ấy kể lại là bạn PT này lì hơn đĩa (đỉa), không thích mà cứ bu bám mãi, bị người ta chửi... rồi về nhà doạ tự tử nhảy lầu”. Những lời lẽ sỉ nhục này đã khiến Tr. bị sốc ghê gớm, nhưng không biết làm sao để thanh minh, giải thích bởi trang Facebook này ở thời điểm đó có hơn 17.000 người theo dõi, và thông tin cứ lan rộng theo từng giờ. Không biết làm cách nào, bà Đỗ Thị Phương T. mẹ của Tr. đã gửi đơn tố cáo lên Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an TP. Đà Nẵng) yêu cầu vào cuộc điều tra. Cuối cùng, thủ phạm là một nhóm học sinh sinh viên đang theo học tại các trường phổ thông và đại học cao đẳng trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Thanh tra Sở Thông tin và truyền thông Đà Nẵng đã ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với 3 học sinh, sinh viên và cảnh cáo 4 người có hành vi làm nhục, xúc phạm người khác trên Facebook. Theo đó, 3 trong số 7 học sinh, sinh viên liên quan đến việc xúc phạm nhân phẩm, uy tín của người khác tại trang Facebook “Bộ mặt thật của các hot teen Đà Thành” bị xử phạt mỗi người 10 triệu đồng. 4 người còn lại nhận hình thức cảnh cáo nhờ kịp thời xóa bỏ những bài viết, lẫn bình luận ảnh hưởng đến danh dự của người khác. Theo cơ quan chức năng tại Đà Nẵng, do các đối tượng đều dưới 18 tuổi nên chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính, nếu trên 18 tuổi sẽ áp dụng hình thức buộc thôi học và đưa vào trường giáo dưỡng theo Luật Xử phạt hành chính có hiệu lực từ ngày 1.7.2013. Hệ lụy để lại Trên thực tế có rất nhiều trường hợp chỉ vì một phút câu like ảo trên Facebook mà để lại hậu quả rất lớn cho bản thân mình và những người xung quanh. Ví dụ như trường hợp đau lòng của một nữ sinh Hà Nội uống thuốc chuột tự vẫn do bị bạn bè tung ảnh ghép trên Facebook. Sự việc diễn ra khi em N.T.T.L (SN 1995, vừa học xong lớp 12) bị Nguyễn Thanh H. (bạn cùng lớp) chụp chân dung rồi ghép vào ảnh mặc áo cổ rộng, đưa lên Facebook. Phát hiện sự việc, N.T.T.L đã yêu cầu H. gỡ bức ảnh nếu không sẽ tự tử. Tuy nhiên, vì nghĩ chỉ là trò đùa nên nam sinh đăng bức ảnh đã không làm theo. Sáng hôm sau, N.T.T.L đã uống thuốc diệt cỏ quyên sinh. Người nhà phát hiện và đưa L. vào bệnh viện Thạch Thất, rồi lên Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Hai ngày sau, các bác sĩ đã trả em T.L về gia đình. Đến ngày 1.7.2013, tức là sau đó 2 ngày em N.T.T.L tử vong. Hầu hết các đối tượng khi post thông tin giật gân lên Facebook đều không ngoài mục đích để câu like, và nhanh nổi tiếng vì tốc độ lan truyền đến chóng mặt và độ phổ biến của trang mạng xã hội này. Nhưng cũng vì thế mà những tin đồn thất thiệt, hoặc thông tin xúc phạm nhân phẩm người khác, … lại càng để lại hậu quả nặng nề hơn. Điều này, dẫn đến tổn hại người xung quanh và bản thân kẻ dựa vào Facebook để tung tin cũng bị xử phạt thích đáng. Chỉ vì những cú click like ảo để phải vướng vào lao lý, hay bị xử phạt đến hàng chục triệu đồng, hỏi có đáng không? Trường hợp này giống như cư dân mạng vẫn thường đùa nhau, đúng là “chơi ngu lấy tiếng”.