Bố sống ống cống nuôi con đỗ thủ khoa
Nguyễn Hữu Tiến sinh ra trong gia đình thuần nông huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Gia cảnh khó khăn, nên suốt 10 năm qua, chú Nguyễn Hữu Định (bố Tiến) phải sống lang thang khắp vỉa hè Hà Nội để kiếm sống. Thậm chí, nhiều tháng trước khi diễn ra kỳ thi đại học, chú phải sống trong ống cống, làm đủ mọi nghề, tiết kiệm chi tiêu dành tiền cho con.
Không phụ công bố mẹ, hai anh em sinh đôi Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Tiền đã thi đỗ đại học danh giá với kết quả cao. Đặc biệt, Nguyễn Hữu Tiến đã xuất sắc trở thành thủ khoa ĐH Y Hà Nội với số điểm gần tuyệt đối 29,5.
Câu chuyện của gia đình chàng thủ khoa này khiến rất nhiều người cảm động. Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã về tận nhà em thăm hỏi, động viên. Các nhà hảo tâm đã đến tận nơi bố Tiến ở để tặng quà và sẵn sàng hỗ trợ để Tiến, Tiền được tiếp tục đi học.
Thành công lại tiếp tục đến với chàng thủ khoa này khi được trở thành một trong 10 gương mặt trẻ thủ đô tiêu biểu, gương mặt trẻ triển vọng toàn quốc năm 2013.
Không những thế, với rất nhiều suất học bổng của các nhà tài trợ, quỹ khuyến học Tiến đã giúp gia đình có cuộc sống ổn định hơn. Cả nhà em đã được sum họp trong phòng trọ nhỏ tại Hà Nội. Bố không còn phải sống lang thang khiến chàng thủ khoa vui vẻ hơn hẳn.
Thường xuyên bận rộn với công việc học tập ở môi trường mới, nhưng trên khuôn mặt chàng trai này giờ đây đã nở nụ cười và còn biết nói đùa “Mới nhập học nên em vẫn chưa có bạn gái, nhưng hiện tại rất nhiều người đang theo đuổi em”.
Thủ khoa mồ côi cha mẹ
Trở trêu hơn hoàn cảnh của Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Chí Hướng (Đông Anh, Hà Nội), thủ khoa HV Bưu chính Viễn thông, còn mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Cuối năm học lớp 9, mẹ Hướng đột ngột phát hiện ra căn bệnh ung thư quái ác. Nửa năm sau ngày mẹ mất, nỗi đau lại ập đến gia đình nghèo khi bố em cùng phát bệnh ung thư. Hai năm sau, bố ra đi mãi mãi, Hướng trở thành đứa trẻ mồ côi.
Là con út trong gia đình, các chị đều đi làm xa nên Hướng ở cùng bà nội. Nguồn thu nhập chính gia đình chủ yếu phụ thuộc vào sự hỗ trợ của ba chị và tiền lương hưu của bà.
Khi mất đi hai người thân yêu nhất, Hướng suy sụp, chán nản. Nhớ lại lời bố mẹ dặn dò trước khi ra đi “cố gắng học tập để thoát nghèo và để gia đình được tự hào”, chàng trai này đã dồn hết sức lực vào việc học.
Trở thành thủ khoa khối A của HV Công nghệ bưu chính viễn thông chính là thành quả xứng đáng cho sự cố gắng của Chí Hướng.
Số phận của chàng thủ khoa này còn khiến Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son xúc động. Ông đã viết thư chúc mừng, động viên kích lệ tinh thần và bày tỏ mong muốn hỗ trợ toàn bộ học phí của chàng thủ khoa này trong suốt 4 năm.
Thủ khoa đạt điểm tuyệt đối
Thủ khoa ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Thành Trung, học sinh trường học sinh trường chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đã xuất sắc đạt 29,75 điểm (khối A), được làm tròn thành 30 điểm. Nếu tính ưu tiên khu vực thí sinh này đạt hơn 30 điểm.
Trong suốt 12 năm học, Thành Trung đều có phong độ học tập rất ổn định, liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi. Lớp 12, Trung còn đạt giải nhì học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý.
Mùa thi năm 2012, Trung thi đỗ vào khoa sư phạm Toán, thuộc ĐH Sư phạm Hà Nội với số điểm 26,5 (đứng thứ 3 toàn trường). Sau một thời gian học, Trung tự cảm thấy mình không có niềm yêu thích và đam mê với nghề giáo viên đã xin thôi học để về nhà tự ôn tập.
Đây là quyết định rất mạo hiểm nhưng Trung vẫn phải chấp nhận vì ảnh hưởng đến cả tương lai sau này của bản thân.
Chàng thủ khoa thật thà chia sẻ: “Khi còn học cấp 3, các bạn thấy mình có năng khiếu truyền đạt kiến thức cho người khác nên khuyên thi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, khi được vào học, mình nhận ra ước mơ thực sự của bản thân là trở thành một kỹ sư hoặc doanh nhân kinh doanh về công nghệ. Lúc đó, mình mới đánh liều với cuộc đời để theo đuổi mục tiêu mới là ĐH Bách khoa Hà Nội”.
Quyết định này đã khiến bố mẹ của Trung rất bất ngờ. Nhưng thấy được quyết tâm và năng lực của con, bố mẹ đã thông cảm và cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để Trung có thể ôn thi lại.
Niềm vui đến khi mùa tuyển sinh năm nay, Thành Trung dự thi ngành Tư động hóa, ĐH Bách khoa Hà Nội. Trung cho biết: “Ngành này khá phù hợp với khả năng của em. Tìm hiểu sâu hơn về khoa học cũng phù hợp với tính cách điềm tĩnh của của mình".
Hiện nay, ngoài công việc học tập ở trường Nguyễn Thành Trung còn rất tích cực tham gia các diễn đàn, chương trình chia sẻ bí quyết ôn thi dành cho các sĩ tử.
Thủ khoa tên lạ Trần Thị Ô Xin
Trần Thị Ô Xin là thủ khoa tốt nghiệp của trường THPT An Lương Đông, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên Huế) với tổng điểm 55,5. Nữ sinh này còn đỗ hai trường đại học với số điểm đáng ngưỡng mộ. Khối A em dự thi vào ngành công nghệ thực phẩm thuộc ĐH Bách Khoa Đà Nẵng và đạt 25 điểm; khối B, Ô Xin đỗ ngành y đa khoa của ĐH Y dược Huế với 26 điểm.
Chia sẻ về tên gọi của mình, Ô Xin kể: “Lúc mang thai em là thời điểm trên truyền hình đang chiếu bộ phim của Nhật nói về cuộc đời của cô gái mang tên Ô Sin, dù nghèo, vất vả nhưng rồi cuối cùng bằng chính nỗ lực của bản thân đã có được hạnh phúc. Vì mong con sau này cũng được như vậy, nên mẹ lấy tên này đặt cho em”.
Trớ trêu thay, ngày chưa đầy 2 tháng tuổi, hung tin Ô Xin mắc căn bệnh sưng lách bẩm sinh đã khiến người mẹ nghèo rơi lệ vì thương con. Trong suốt 18 năm qua, Ô Xin thường xuyên phải nhập viện điều trị, có khi cả tháng trời với số tiền lên đến gần chục triệu đồng. Căn bệnh này khiến cô gái này gầy gò, nhỏ bé hơn nhiều so với chúng bạn.
Thậm chí, có những lúc bệnh nặng, em chỉ còn hơn 30 kg. Sau khi kết thúc kỳ thi đại học, bệnh tình tái phát khiến Ô Xin lại phải nhập viện điều trị. Đó cũng là ngày mà cô bé còn biết mình bị thêm căn bệnh sỏi mật, thiếu máu bẩm sinh (thalasemiea) và đau dạ dày.
Đau ốm triền miên, nhà lại nghèo nên cuộc sống của hai mẹ con Ô Xin rất vất vả. Trong căn nhà rộng chưa đến 10m2, Ô Xin lớn lên trong nỗ lực của người mẹ nghèo.
Để có tiền nuôi con, cô Sửu đã phải làm tất cả các công việc từ quét dọn đến rửa chén bát thuê ở những quán cơm, quán nhậu ven đường. Nhưng dù lao động cực nhọc, một ngày, thu nhập của cả nhà cũng chỉ vỏn vẹn 15.000-20.000 đồng. Số tiền ít ỏi đó chỉ đủ hai mẹ con rau cháo qua ngày.
Sau khi đỗ đại học, Ô Xin được rất nhiều người giúp đỡ. Hiện tại, nữ thủ khoa và mẹ đang thuê trọ thành phố Huế. Hàng ngày, cô Trần Thị Sữa (mẹ Ô Xin) vẫn đi làm thêm để trang trải chi phí hàng ngày. Bận rộn với công việc học tập ở ĐH Y dược Huế, nhưng Ô Xin và mẹ luôn hạnh phúc bởi cuộc sống hiện tại của họ đã bớt khó khăn.