TRẺ » Đời sống trẻ

Nỗi khổ đời sinh viên: Giá lên, tình xuống !

Thứ hai, 26/03/2012 13:28

Xăng tăng, gas tăng, trăm thứ khác cũng "nhịp nhàng" leo thang, mọi mặt của cuộc sống đều bị ảnh hưởng. Những điều tưởng chừng phi vật chất như tình yêu cũng không phải là ngoại lệ. Nó khiến cho các bạn trẻ vấp phải không ít khó khăn trong chuyện hẹn hò.

Những câu chuyện tình… cười như mếu

Đầu tháng 3 vừa qua, xăng tăng giá mạnh làm không ít các chàng sinh viên đang yêu phải méo mặt. Thành, sinh viên trường Ngoại Thương cho biết: “Nhà mình ở phố Nguyễn Đình Chiểu còn người yêu mình lại ở tít Hồ Tây. Với quãng đường gần 10km, chạy bằng xe tay ga rất tốn xăng. 1 tuần mà đi chơi  tầm 3 đến 4 lần là hết sạch tiền tiêu vặt bố mẹ cho hàng tháng”.

Thành may mắn sống ở Hà Nội, gia đình cũng thuộc diện khá giả mà còn phải kêu ca đối với các sinh viên ngoại tỉnh, chuyện yêu đương thời lỳ xăng đắt đỏ lại càng thêm phần khó khăn.

Tuấn Anh (đại học Kinh tế Quốc dân) chia sẻ một trải nghiệm thương đau. Hôm đó, cô bạn gái nhắn tin rủ đi chơi nhưng cậu hơi ngần ngại bởi xe đang hết xăng mà trong túi còn đúng 100 nghìn. Nhưng khi cô bạn gái kêu là sẽ qua đón thì cậu như được giải toả, và đồng ý liền. Tuy nhiên, đi được một lúc nhìn xuống đồng hồ, cậu phát hoảng vì kim xăng đã chỉ vạch đỏ từ bao giờ. Vậy là cậu đành ngậm ngùi tạt vào trạm xăng bơm đầy xăng cho cô người yêu. Sau một hồi lượn lờ phố xá, dù bụng đói cồn cào nhưng anh chàng vẫn phải tỏ ra làm ngơ trước lời gợi ý đi ăn gối của cô người yêu.

Xăng tăng kéo theo các mặt hàng và dịch vụ khác cũng tăng theo. Giá cả tại các hàng quán tăng từ 20 đến 30%, có những nơi còn tăng giá gấp đôi. Điển hình như vé xem phim bây giờ cũng phải dao động từ 60.000 đến 80.000 đồng với phim 2D và 120.000 đồng với phim 3D, chưa kể tiền gửi xe. “Mà vào đến rạp, chẳng lẽ không mua nổi hộp bỏng ngô, chai nước… Để đưa người yêu đi xem phim, không ít các cậu sinh viên như Tuấn phải chắt chiu từng đồng, tiết kiệm từng bữa sáng, hạn chế chi tiêu mua sắm cá nhân. Tiền ít, đi chơi mà trong lòng cứ đau đáu lo chuyện tiền nong, chẳng còn thấy “sướng” được nữa” – nhiều bạn trai thổ lộ.

Ngày thường đã vậy, ngày lễ ngày tết giá cả bị đội lên ngất ngưởng làm các chàng trai cứ gọi là trằn trọc thao thức giấc chẳng lành.

Những ngày lễ, ai cũng muốn thông điệp yêu thương được gửi tới người ấy một cách đặc biệt và có ý nghĩa. Thời bão giá, tuy xót xa nhưng nhiều chàng trai vẫn cố gắng nhịn ăn nhịn uống, thắt lưng buộc bụng để quyết theo đuổi được tình yêu. Nhưng, kết quả không phải lúc nào cũng chiều lòng người. Dịp 8/3 vừa qua, Tuấn Anh đã phải giấu gia đình, “cắm” chiếc laptop để lấy tiền mua quà tặng người yêu. Giờ thì đang è cổ đi làm thêm để lấy tiền chuộc lại.

Những quán trà chanh vỉa hè trở thành nơi hẹn hò mới của các bạn trẻ - ảnh minh họa (VNN)

Sống chung với “lũ”

Dù sống trong thời buổi khó khăn, nhưng các bạn trẻ vẫn tìm được những cách  sáng tạo để “sống chung với lũ”. Thành đã quyết định đổi tạm chiếc xe tay ga cho ông anh họ để lấy sang xe số cho tiết kiệm tiền xăng. “Trước đây mình nghĩ đi xe tay ga mới sành điệu nhưng giờ thì khác rồi. Xe cộ chẳng giải quyết vấn đề gì. Quan trọng phải chi tiêu hợp lý trong thời buổi vật giá tăng cao. Tiền xăng tiết kiệm được mình có thể dùng vào các việc khác có ý nghĩa hơn.”

Còn với Tuấn, xe máy giờ đây chỉ dùng để đi chơi với bạn gái. Đi học và về quê cậu chịu khó đi xe buýt cho tiết kiệm. Tuấn nói: “Mình dùng xe máy để đưa đón người yêu cho tiện, tuy nhiên có những hôm bọn mình cùng đi hẹn nhau ở bến xe buýt và đi chơi bằng xe buýt luôn. Tuy có hơi gò bó nhưng hai đứa vẫn cảm thấy rất vui với kiểu hẹn hò mới lạ này. Tháng sau mình định xe mang hẳn xe máy về quê, chuyển hẳn sang đi xe buýt. Vừa tiết kiệm mà cũng vừa là góp phần chống ùn tắc giao thông”.

Hoàng (ĐH Hà Nội) lại có cách khác để chống chọi với cơn bão giá. Bình thường một tuần Hoàng đưa bạn gái đi chơi, ăn kem, uống nước hai lần. Gần đây, số lần gặp mặt giảm xuống còn một lần một tuần, có khi mười ngày mới đến đón bạn gái một lần.

Việc hẹn hò ăn uống quán xá cũng theo đó mà được hạn chế. Các bạn sinh viên ở tỉnh thì rủ người yêu nấu ăn tại nhà. Đây được coi là một phương án tối ưu vừa kinh tế mà lại vừa có ý nghĩa. Bạn Hưng (Đại học Công nghiệp) cho biết: “Cuối tuần hai đứa cùng đi chợ, cùng nấu nướng  rất vui và đầm ấm. Nó ý nghĩa hơn nhiều việc hai đứa la cà ăn uống quán nọ quán kia. Vừa đắt đỏ mà vệ sinh lại không đảm bảo.”

Các quán café giờ đây không còn là nơi hẹn hò lý tưởng của các bạn trẻ nữa thay vào đó là các quán trà chanh vỉa hè với tiêu chí vừa thoải mái vừa hợp túi tiền học sinh, sinh viên. “Mình và người yêu thích ngồi trà chanh hơn, dù ồn ào và xô bồ nhưng không khí ở đây rất thoải mái và dễ chịu hơn nhiều các quán cafe. Hơn nữa giá cả thì rất hợp lý, mỗi lần ngồi trà chanh hai đứa bọn mình mất chưa đến 30 nghìn”.

Còn bạn Linh (trường ĐH công nghiệp) lại nhiều lần phải từ chối lời mời café, đi ăn uống của cậu bạn trai với đủ kiểu lý do. “Mình biết anh ý cũng khó khăn lắm, nhiều lúc cứ phải giả vờ là không thích ngồi café, rồi bận bịu bài vở nên không đi chơi được để đỡ tốn kém. Anh ý ban đầu không để ý nhưng sau này lại suy nghĩ lung tung, tưởng tình cảm của mình thay đổi.”, Linh nói.

Nhưng không phải chàng trai nào cũng có may mắn có được cô người yêu đầy cảm thông như Linh. Cô người yêu của Hoàng (ĐH Hà Nội) thì lúc nào nghi ngờ ghen tuông cho răng Hoàng có người khác nên không còn để ý đến cô nữa. “Các cuộc gặp thưa thớt cũng khiến tình cảm rạn nứt. Mình chẳng biết giải thích thế nào cho cô ý hiểu nữa. Ngày nào cũng rò xét mình là hôm nay đi đâu?làm gì?với ai? Mệt mỏi vô cùng”, Hoàng tâm sự. Câu chuyện của Hoàng là một điển hình trong những tình yêu đơm hoa kết trái đúng mùa bão giá, mọi thứ phải tiết kiệm tối đa. Những kết thúc buồn là không thể tránh khỏi.

Chuyển sang giao thông công cộng, góp gạo thổi cơm chung, làm thêm là những giải pháp tối ưu được các bạn sinh viên lựa chọn để vượt qua cơn bão giá này.  Mong rằng dù có gian khổ khó khăn trong mùa bão giá nhưng tình yêu của các bạn luôn đẹp luôn trong sáng theo cách riêng của sinh viên.
VnMedia