Một ngày giữa tháng 11, có một người phụ nữ với gương mặt khắc khổ ở bệnh viện Ung Bứu TP.HCM. Bà tên Võ Thị Đông, 55 tuổi quê TP.Phan Thiết, Bình Thuận. Hai tháng trước, bà đã khóc như thể gom cả nước mắt của đời mình lại khi biết tin cô con gái duy nhất của mình bị ung thu vú do đột biến gen.
Cách đây hai tháng, Huỳnh Thị Trúc Hiền (29 tuổi, kiến trúc sư) phát hiện có dấu hiệu lạ ở ngực trái một cách bất thường. Cô đi xét nghiệm và được chẩn đoán khối u ác tính. Dù khi ấy, khối u không làm cho cơ thể đau nhức và sức khỏe vẫn hoàn toàn bình thường nhưng trong thâm tâm cô là cả một nỗi bất an. Cô kiến trúc sư vớt vát hy vọng qua việc phẫu thuật cắt bỏ khối u tại Bệnh viện Ung buớu TP.HCM.
Tưởng tai họa sẽ thôi và tương lai của cô sẽ vẫn sẽ viết tiếp thì nỗi bất an ấy thành sự thật. Một tháng sau khi mổ, bác sĩ kết luận: ung thư vú do di truyền từ gen. Đây là dạng nặng, nhanh di căn và điều trị tốn kém nhất trong ung thu vú. Hiền suy sụp khi án tử như vô hình treo trước mắt.
Dang dở hoài bão nghề nghiệp
Hiền rất yêu thích kiến trúc, mỹ thuật với ước mơ thiết kế những ngôi nhà thật đẹp. Hiền kể “Khi bạn có đam mê thực sự thì chẳng có gì ngăn cản bạn thực hiện nó. Mình không hề buồn khi lần thứ ba mới thi đậu vào trường mong muốn. Hai lần thi rớt, mình đi học ở trường khác nhưng vẫn hướng về ĐH Kiến trúc. Lần thứ ba thi, mình tự nhủ nếu rớt thì lại thi tiếp đến khi đậu thì thôi”.
Với Hiền, quãng thời gian học đại học là ý nghĩa nhất vì được học những gì mình thích. Cô ngập ngừng, khẽ thở nhẹ, gương mặt nhăn lên vì đau do vết thương khi mổ không dứt trong lúc nói chuyện.
Từ một tháng nay, Hiền đã không còn đi làm, qua rồi những đêm thức trắng với bản vẽ để đổi lại nụ cười hài lòng của khách hàng. Trước đó, để vượt qua cú sốc bệnh tật, Hiền chọn cách đi làm. Cô xin cơ quan cho tiếp tục làm việc. Sáng bệnh viện, chiều công ty, có những tối Trúc Hiền vẫn mang việc về nhà. Cô muốn vậy, phần vì nhiệt huyết nghề nghiệp của một trái tim trẻ và cũng vì không thể mãi khóc, mãi suy sụp được nữa.
Sau khi mổ, cơn đau từ ngực, cánh tay và những lần ói không dứt, sốt mê man khiến sức khỏe Hiền yếu đi rõ rệt. Dù buộc phải nghỉ làm nhưng có khi rảnh rỗi, cô đều lên mạng tìm thông tin về các mẫu thiết kế nội thất để bản thân không lạc hậu trong công việc.
Ở tuổi 29, Hiền vẫn canh cánh ước mơ sửa căn nhà cũ kỹ với những vết nứt bờ tường, lỗ giột trên mái nhà sao cho khang trang hơn. Cô muốn tự tay áp dụng nghề nghiệp của mình để giúp ba mẹ có mái ấm tốt. Một thời gian đi làm, chịu khó chắt bóp mà Hiền đã có được một số tiền sửa nhà. Rồi Hiền lại tiếp tục dành dụm tiền, cho đến khi nào ngôi nhà ở quê như được như ý muốn của mình.
Nhưng giờ đây, khi ước mơ về mái nhà mới vẫn chưa thành thì ba mẹ cô buộc phải cầm cố căn nhà để có tiền trị bệnh.
Không tuyệt vọng
“Nếu có điều gì đặc biệt nhất trong 29 năm qua thì đó là thời điểm mình nhận tin bị ung thư do di truyền. Mình khóc, ba mẹ ở quê cũng khóc theo khi bác sĩ cho biết thời gian sống là rất ngắn ngủi”, Hiền ngập ngừng. Nhưng đó là lần duy nhất, cô tỏ ra yếu đuối vì căn bệnh tuyệt vọng của mình.
Gạt sang bên những đau đớn của căn bệnh quái ác, Hiền lại tràn đầy nghị lực, niềm tin vào cuộc sống. Cô cho biết, trước kia từng nghĩ rằng con người sống vô cảm. Nhưng từ ngày mang bạo bệnh, ngày nào Hiền cũng nhận được nhiều tin nhắn của người xa lạ động viên. Những cuốn sách ý nghĩa được gửi đến tay cô. Có nhiều người cố gắng tìm cách giúp đỡ Hiền về vật chất. Và tình thương của gia đình, bạn bè thì luôn đong đầy.
Ngày Hiền bệnh, một bạn thân trong công ty ôm chặt lấy cơ thể bé nhỏ của cô và nức nở: “Mình sẽ không để bạn chết”. Rồi cô bạn thân vận động bạn bè, chia sẻ trên mạng xã hội, thường xuyên thăm hỏi và mua những cuốn sách hay về cuộc sống tặng Hiền.
Bạn Nguyễn Tường Vân (bạn của Hiền) viết lên trang cá nhân: “Có những lúc cơ thể bạn run lên cầm cập khi nghĩ rằng “cái chết đang gần kề với mình”, thế nhưng chẳng có giọt nước mắt nào rơi. Sáng mai, bạn nói “Hiền đi làm nha Vân”. Sau ngày bạn mổ, Hiền vẫn cười nói và khoe vết mổ đẹp, chắc không để lại sẹo. Thật sự ngỡ ngàng đến khâm phục vì ý chí của Hiền”.
"Với người bị bệnh nặng thì tinh thần lạc quan là một yếu tố quan trọng. Nhờ có bạn bè, gia đình đã giúp mình tràn đầy niềm tim, nghị lực để chiến đấu với căn bệnh này", Hiền chia sẻ.
Nhắc về bệnh tật của con gái, bà Đông vẫn hy vọng có phép sẽ đến với cô con gái của mình. Mọi điều cần làm để có thể tiếp tục điều trị cho Hiền, hai vợ chồng bà đều đã thực hiện. “Hiền thương cha mẹ lắm, ngoài sửa nhà thì cháu còn tự mình nuôi em trai ăn học. Những lần tôi ốm, cháu bỏ cả việc để về nhà thăm nom. Bây giờ nhìn thấy con vậy, tôi không dám khóc vì sợ con gái sẽ buồn”.
Bác sĩ thông báo một liệu trình phát đồ điều trị phải cần 700 triệu và chưa tính những chi phí khác cũng tốn kém rất nhiều. Số tiền từ vay mượn và cầm nhà là không đủ trong khi ba mẹ Hiền đã về hưu. Cuộc sống gia đình giờ chỉ dựa vào tiệm tạp hóa nhỏ.
Trúc Hiền cũng cho biết, từ tháng 5/2013 chuyển vào công ty mới và cho đến tháng 7/2014, Hiền mới được công ty đóng tháng bảo hiểm đầu tiên. Vì không đủ thời gian đóng bảo hiểm 3 năm nên cô không được hưởng chính sách giảm 40% tiền thuốc từ bảo hiểm.
Giờ đây, trong căn nhà trọ nhỏ ở Q.Phú Nhuận, hai mẹ con động viên nhau đi qua chuỗi ngày khó khăn. Sau những lần điều trị bệnh, nếu không niệm phật hay theo dõi về kiến trúc nội thất là Hiền lại ngồi bên khung cửa sổ đầy nắng đọc sách. Cùng với tình thương của mọi người, những trang sách đã giúp cô có thêm nụ cười lạc quan vào cuộc sống.