Khi lấy tư liệu để thực hiện bài viết này, một số bác sĩ, điều dưỡng ở Bệnh viện (BV) Từ Dũ, Hùng Vương, ở khoa Sản của các BV quận, huyện, do nguyên tắc giữ bí mật thông tin cá nhân của bệnh nhân nên họ chỉ cung cấp cho chúng tôi nội dung vụ việc chứ không cụ thể họ tên, địa chỉ.
Bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, nguyên Trưởng khoa Sản BV quận 3, TP.HCM kể: "Trong cuộc đời làm nghề sản phụ khoa, tôi đã chứng kiến nhiều việc đau lòng. Có cô gái vào nạo thai lần đầu lúc 15 tuổi. 6 tháng sau, cô đến xin nạo lần thứ 2. Khi tôi hỏi sao không áp dụng những biện pháp ngừa thai, thì cô cười hồn nhiên: "Dạ có chứ, nhưng tại bữa đó bạn trai con… quên mất!".
Tưởng thế là xong, là đã có kinh nghiệm. Ai dè gần 1 năm sau, cô lại vào xin nạo lần thứ ba. Kết quả siêu âm cho thấy cái thai đã được 16 tuần tuổi nhưng điều khiến bác sĩ Hồng rùng mình là "nhau cài răng lược". Hình ảnh siêu âm hiển thị những mạch máu như những đám rễ cây chạy từ nhau thai trong lòng tử cung ra tới tận cổ tử cung.
Bác sĩ Hồng giải thích: "Do đã 2 lần nạo phá thai nên lớp niêm mạc ở thành tử cung mỏng đi, dẫn đến hiện tượng máu không đủ để nuôi dưỡng thai nhi khiến gai nhau mọc sâu xuống lớp cơ tử cung".
Để cứu tính mạng cô gái, bác sĩ Hồng cho chuyển cô lên BV tuyến trên. Tại đây, các bác sĩ đã phải mất gần 5 tiếng làm phẫu thuật cho cô nhưng với cái tử cung mỏng manh sau phẫu thuật, chẳng biết thiên chức làm mẹ của cô mai này sẽ như thế nào.
Vẫn theo bác sĩ Hồng, có cô gái 17 tuổi, thai 29 tuần - nghĩa là đã hơn 7 tháng được bà mẹ đưa đến xin hủy thai. Mặc dù đã hết lời giải thích về những tai biến có thể xảy ra, cũng như về mặt tâm linh khi mà bào thai đã có đủ hình hài nhưng cả bà mẹ lẫn cô con gái đều cam kết xin hủy.
Bác sĩ Hồng nói: "Áp dụng phương pháp "Kô vắc" - nghĩa là tạo ra cơn co tử cung để giục đẻ theo ý muốn - sau vài tiếng cô gái hạ sinh một bé trai, còn sống" nhưng chỉ ít phút thì cháu chết.
Giao cái bào thai này cho bà mẹ đem về chôn cất thì đến trưa, một điều dưỡng hộ sinh gọi bác sĩ Hồng: "Bác ơi, cả hai mẹ con trốn viện rồi, còn cái thai họ bỏ lại trên giường". Báo hại bác sĩ Hồng cùng các cô điều dưỡng hộ sinh trong khoa phải góp tiền mua một cái hòm rồi nhờ anh em y công ở BV chôn cất.
"Nạo phá thai dù ở tuổi nào cũng có những ảnh hưởng nhất định đến sức khỏe của người phụ nữ. Nhưng ở trẻ vị thành niên, chưa đủ trưởng thành về thể chất, lý trí, tình cảm để sẵn sàng làm mẹ thì hậu quả của nạo phá thai sẽ nặng nề hơn, nguy cơ tai biến sản khoa cũng cao hơn…", PGS. TS Vũ Thị Nhung, nguyên Giám đốc BV Phụ sản Hùng Vương cho biết.
Theo bác sĩ Nhung: "Qua theo dõi, tôi thấy phần lớn trẻ vị thành niên khi lỡ mang bầu đều luôn tìm cách giấu giếm. Có trẻ nịt bụng thật chặt, có trẻ ăn mặc quần áo rộng thùng thình để ngụy trang nên lúc người nhà phát hiện thì cái thai đã tương đối to. Phá thai to cũng cực khổ như sinh con vậy, chưa kể nó còn để lại tâm lý nặng nề cho trẻ".
Ở khoa Sản BV Đa khoa quận 6, một nữ hộ sinh kể lại câu chuyện vừa bi vừa hài: Có bà mẹ, khi con gái mang bầu đến tháng thứ 5 thì bà mới biết. Đưa con vào BV để xin hủy thai, bà than thở: "Mấy lần tôi bắt gặp nó lấy băng thun nịt bụng, hỏi thì nó trả lời là nó đang tập thể dục thẩm mỹ nên phải nịt để giữ cho bụng thon. Lúc đầu tôi cũng tin nhưng sau để ý thấy 3 tháng liền mà nó không có kinh, chừng gặng hỏi, nó mới thú nhận".
Rồi bà quay sang đứa con gái: "Người ta tập thể dục càng ngày càng thon, còn mày thể dục thì càng ngày càng to, mà to… cái bụng! Trời ơi là trời, nhục ơi là nhục".
Đi nạo phá thai, nhiều trẻ vị thành niên còn không biết mình mang bệnh phụ khoa. Một bác sĩ ở BV Hùng Vương kể, có bà mẹ dẫn đứa con gái 15 tuổi đến xin phá thai. Trong đơn, bà viết: "Hoang thai nên bảo lãnh cho con được phá thai to. Có gì xảy ra tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm". Kết quả xét nghiệm cho thấy ngoài thai nhi 19,5 tuần tuổi, cô gái còn nhiễm nấm Candida.
Vị bác sĩ này nói: "Lúc thăm khám, tôi sờ, đụng chân em bé. Mặc dù mỗi lần đỡ đẻ, chuyện đụng chạm thai nhi là chuyện bình thường nhưng lần đó, một cảm giác rất lạ khiến tôi ớn lạnh, suốt đời khó có thể quên được".
Sau khi điều trị nấm, cô được đặt túi ối giả để phá thai. Mấy tiếng sau, "sản phụ" “sinh” ra được một em bé nặng 400 g, chết bầm tím. Một bà mẹ khác cũng ký đơn bảo lãnh cho con gái 15 tuổi, phá thai 21 tuần tuổi. Vì đang có bệnh phụ khoa - viêm nhiễm âm đạo do tạp khuẩn nên sau khi điều trị, cô gái mới được làm thủ thuật. Kết quả cô sinh được một bé gái nặng 1.000 g, không dị tật, nhưng đã chết sau sinh 10 phút.
Có trường hợp còn đau lòng hơn: Cha đưa con gái đi nạo phá thai.Trong đơn, người cha khốn khổ này viết: "Tôi là cha ruột của YYY, xin cam đoan bảo lãnh cho con tôi được phá thai to...".
Cũng như hai trường hợp vừa nêu, cô gái bị nhiễm trùng sinh dục nên lúc điều trị xong, cô được đặt túi ối giả để phá. Ba tiếng sau, bác sĩ phải rút túi ối giả rồi truyền dịch để điều chỉnh cơn co tử cung. Mãi gần nửa đêm, chịu đựng những cơn đau bụng quằn quại, cổ tử cung mới mở hết, "sản phụ" “sinh” ra được một bé gái nặng 300 g.
Phá thai tuổi vị thành niên, hầu như ai cũng gặp phải những hậu quả, cả về tâm lý lẫn sinh lý. Về sinh lý, hậu quả gần là băng huyết nếu thai to, sốc, thủng tử cung - nếu nạo bằng dụng cụ - sót nhau, nhiễm trùng - mà nếu nhiễm trùng nặng thì có thể phải cắt bỏ tử cung.
Hậu quả xa là viêm nhiễm mãn tính ở cổ tử cung, tử cung, buồng trứng, ống dẫn trứng, dính buồng tử cung, nghẹt ống dẫn trứng, dẫn đến hiện tượng thai ngoài tử cung trong lần có thai sau này, vô sinh thứ phát, nhau cài răng lược, vỡ tử cung, nhau tiền đạo, chưa kể nạo thai nhiều lần sẽ làm mỏng thành tử cung khiến lần mang thai tiếp theo, thai thường khó giữ được..
Phân tích trên 300 ca điều trị vô sinh tại TP.HCM thì 10% có tiền sử nạo và sảy thai trước đó. Nhiều phụ nữ mới 25, 27 tuổi đã phải đi chữa vô sinh vì từng nạo phá thai. Tại các BV, thủ tục nạo phá thai rất đơn giản nhằm giúp cho những người có "nhu cầu" không phải tìm đến những điểm phá thai "chui" nhưng ngược lại, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ vị thành niên trút bỏ cái thai một cách… "nhẹ nhàng"!
Bên cạnh đó, trẻ vị thành niên nếu sinh con ngoài ý muốn, có thể gặp phải các tai biến như đẻ non, chết mẹ, chết con hoặc đứa trẻ chào đời bị dị tật bẩm sinh, suy dinh dưỡng, chậm phát triển trí não, chưa kể do không có kiến thức làm mẹ, và nếu không được sự hỗ trợ từ gia đình thì những bà mẹ bất đắc dĩ này khó mà chăm sóc con chu đáo.
Về tâm lý, nhiều trường hợp nạo phá thai xong - nhất là những trường hợp bị lừa dối tình cảm thì người phụ nữ rất dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, bởi không thể chia sẻ được với ai. Bác sĩ Ngọc, có thâm niên 32 năm trong ngành sản phụ kể tôi nghe câu chuyện về một thiếu nữ 16 tuổi, do quá tin tưởng vào những lời đường mật của người yêu nên đã 2 lần nạo phá thai. Tuy nhiên, sau lần thứ 2, cô mới nhận ra chân tướng của con người mà cô đã từng yêu say đắm. Anh ta chỉ lợi dụng cô để thỏa mãn nhục dục. Bác sĩ Ngọc nói: "Do ngày nào cũng giải quyết cho hàng chục bệnh nhân nên đối với tôi, cô gái ấy cũng như tất cả những cô gái khác mà tôi gặp trong phòng kế hoạch hóa gia đình". Bẵng đi vài năm, vừa rồi đến viếng một ngôi chùa ở Tây Ninh nhân dịp Lễ Vu Lan, bác sĩ Ngọc nhìn thấy trong một gia đình cũng đi viếng chùa, có cô gái mặc quần áo màu lam, đầu bịt khăn lam như người đi tu, gương mặt quen quen! Lục lọi lại trí nhớ, bác sĩ Ngọc biết cô gái này đã từng được chị làm thủ thuật nạo phá thai và cô gái kia cũng nhận ra chị: "Chúng tôi chào hỏi nhau, cầu chúc cho nhau gặp nhiều điều tốt đẹp, nhưng tuyệt nhiên cả hai chẳng ai nhắc lại chuyện cũ, coi như nó chưa từng xảy ra". Bác sĩ Ngọc nói: "Cô ấy vẫn còn rất đẹp. Cuộc đời của cô ấy có lẽ sẽ đổi khác, sẽ có một gia đình tử tế, có những đứa con ngoan, có một người chồng tốt nếu như trước kia cô ấy không mắc phải sai lầm. Do cắn rứt vì những việc mà mình đã làm, cô ấy chọn con đường tu tại gia để sám hối…" Theo y học, độ tuổi sinh đẻ lý tưởng nhất của phụ nữ là từ 21 đến 35 tuổi vì cơ thể đã phát triển hoàn thiện, tâm lý ổn định, sẵn sàng cho thiên chức làm mẹ nhưng trong thực tế, ngày càng nhiều trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên. Ở độ tuổi ấy, trẻ chuyển tiếp từ thiếu niên thành người lớn, hình thành nhân cách thông qua hiện tượng dậy thì. Theo bác sĩ Nguyễn Giang Hồng, hiện tại độ tuổi dậy thì của trẻ em gái ở Việt Nam diễn ra sớm hơn. Có trẻ mới 13, 14 tuổi nhưng thân thể đã phát triển như thiếu nữ, thay vì phải 16, 17 tuổi. Bước vào tuổi dậy thì, trẻ có những chuyển biến về tâm lý, tò mò về thể xác, muốn tìm tòi, khám phá về giới tính của mình và của người khác giới nên dễ bị ảnh hưởng của phim ảnh, sách báo, bạn bè hoặc người lớn về các vấn đề tình dục. Một số - nhất là ở những vùng nông thôn, trẻ thiếu hẳn sự hiểu biết về thụ thai và không có một nhận thức gì về sinh sản cũng như việc tránh thai. Các khảo sát cho thấy những trẻ vị thành niên có quan hệ tình dục trước tuổi thường xuất thân từ những gia đình có nhiều xáo trộn, giáo dục thiếu sót, nên trẻ dễ nghe theo lời dụ dỗ của người khác để "thử cho biết". Bác sĩ Ngọc nói rằng: "Có những bậc cha mẹ khi nghe con gái mình xin cho "đến nhà bạn ở qua đêm để học bài, ôn bài", hoặc đi du lịch chung với nhau dài ngày thì gật đầu ngay mà không cần kiểm tra xem nó nói thật hay nói dối, con đi với bạn là những ai. Chỉ đến khi hay tin con gái… mang bầu thì họ mới té ngửa!". Lúc đó, thay vì nhẹ nhàng tìm cách giải quyết, tạo điều kiện cho trẻ nhận biết sự sai lầm thì nhiều bậc cha mẹ lại trút tất cả tức giận lên đầu đứa con, cứ y như mọi sự đều do nó gây ra mà không hề nghĩ rằng sự thiếu quan tâm, giáo dục đã vô tình giúp trẻ có điều kiện thuận lợi về sự chung đụng, dẫn đến trẻ bị kích thích nhu cầu tình dục bản năng. Về phía học đường, giáo dục giới tính thường chỉ hướng đến "hiểu biết" chứ chưa chú trọng đến "sự sống con người", dẫn đến hiện tượng nhiều trẻ không hiểu hết về "giá trị cuộc sống". Bác sĩ Ngọc nói: "Nạo phá thai là công việc tôi phải làm vì nghề nghiệp của tôi là như vậy. Nhưng mỗi đêm về nhà, trước khi đi ngủ, tôi thường dành 1 tiếng đồng hồ để tĩnh tâm, để nghĩ về những sinh linh bé bỏng không bao giờ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Nếu trẻ vị thành niên được giáo dục chu đáo về "giá trị cuộc sống" thì có lẽ, vấn nạn trẻ mới 14, 15 tuổi mà đã mang thai hy vọng sẽ phần nào giảm bớt". Về pháp lý, luật sư Trương Xuân Tám, Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Theo Điều 115 Bộ luật Hình sự, người đã thành niên mà giao cấu với trẻ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi - cho dù được sự ưng thuận của trẻ - cũng phạm vào tội giao cấu với trẻ em. Nhưng nếu cả hai đều nằm trong độ tuổi 13 đến dưới 16 thì lại không phạm vào tội này! Vì thế, nếu không có sự kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, học đường và xã hội thì chuyện "chồng" tuổi 15, dẫn "vợ" mới 15 tuổi, hoặc mẹ dẫn con gái 13, 14 tuổi đi nạo phá thai chắc khó mà chấm dứt được.