Nữ sinh “ăn miếng trả miếng” với thầy giáo
Câu chuyện là kí ức khó quên của một thầy giáo giỏi, đã từng hàng chục năm đứng trên bục giảng với hàng chục thế hệ học sinh.
Chuyện xảy ra cũng đã khá lâu, nhưng mỗi lần nhớ lại thầy vẫn không khỏi đau xót, ngậm ngùi và lắc đầu chán nản.
Thầy Văn là giáo viên dạy giỏi của một trường THPT công lập tại thành phố Nam Định. Thầy tự nhận mình là một người nghiêm khắc với học trò, và cũng nghiêm khắc với chính bản thân. Là người đã có hàng chục năm gắn bó với nghề giáo, chưa một lần thầy đi dạy muộn, bỏ tiết.
Thầy luôn coi việc dạy học không chỉ là một nghề mà còn coi đó như sự nghiệp, như cái duyên đến với mình. Vì vậy, mọi buổi học đều được thầy đầu tư tâm huyết, trí tuệ để mong sao truyền đạt được những kiến thức bổ ích nhất cho học sinh.
Đồng nghĩa với điều đó, thầy Văn cũng mong và yêu cầu học sinh của mình phải nghiêm túc trong giờ học, trong lớp phải chú ý lắng nghe, không làm việc riêng và đặc biệt tuyệt đối không được đi muộn.
Do là giáo viên dạy giỏi có tiếng, thầy Văn được rất nhiều trường dân lập mời dạy thêm, thậm chí nhiều bố mẹ đến tận nhà xin cho con được học thầy. Tâm huyết với nghề, và cũng muốn giúp gia đình trang trải thêm cuộc sống hàng ngày, thầy Văn đồng ý dạy thêm tại một trường dân lập.
Tuy chỉ là dạy thêm, nhưng đối với thầy Văn, cứ lên lớp là phải chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc. Vẫn phong cách cũ, thầy Văn đặt ra những yêu cầu cho học sinh như mình vẫn thường làm.
Ở các trường dân lập, các em học sinh thường có đầu vào thấp hơn các trường khác, phải đóng học phí cao hơn và không ít em là học sinh cá biệt. Trong lớp của thầy Văn bên cạnh những học sinh ngoan, chú ý vẫn còn những em thường xuyên đi học muộn, thậm chí trốn học.
Trong số đó, Linh là một “thành phần tiêu biểu”, dưới con mắt bạn bè, cô nữ sinh này là tiểu thư con nhà khá giả, sành điệu, rất lỳ và ngổ ngáo.
Trong giờ của thầy Văn, Linh thường xuyên đến muộn và có thái độ chống đối lại với những quy định của thầy. Thầy Văn đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng Linh bỏ ngoài tai và vẫn “chứng nào tật nấy”.
Một lần, Linh lại đến lớp muộn, đã thế nữ sinh này còn không thèm xin phép thầy thản nhiên đi vào lớp như “chốn không người”, không dừng ở đó Linh bắt đầu nói chuyện, làm ồn trong lớp và “hồn nhiên” bỏ bánh mỳ sáng ra ăn.
Không thể chấp nhận được hành vi hỗn hào và coi thường giáo viên, thầy Văn yêu cầu Linh lập tức ra ngoài, thầy cho rằng với thái độ của Linh không xứng đáng được ngồi trong lớp học, và làm ảnh hưởng đến các bạn khác.
Bị thầy nhắc nhở, Linh vênh váo đứng lên chỉ thẳng tay vào mặt thầy Văn và nói: “Thầy là gì mà dám mắng tôi, tôi thích làm gì đó là quyền của tôi. Tôi đi học có đóng tiền chứ không phải được học miễn phí mà cứ phải theo yêu cầu của thầy”.
Là một người lớn tuổi, hơn nữa lại là giáo viên đang đứng lớp, thầy Văn sững sờ vì câu nói của Linh, bức xúc không kiềm chế được, thầy Văn đi xuống và cho Linh một cái bạt tai. Ngay lập tức, Linh phản ứng bằng cách tát lại thầy Văn.
Bàng hoàng trước phản ứng của một nữ sinh mới 16 tuổi, thầy Văn lặng người đi, không thốt lên được lời nào. Thầy lặng lẽ lên bục giảng làm nốt nhiệm vụ của mình để không làm ảnh hưởng đến các học sinh khác và giấu vội giọt nước mắt chua xót.
Chắc hẳn, trong lòng người thầy tâm huyết, luôn yêu nghề, sống chết với nghề, với sự nghiệp trồng người đã in hằn một vết thương không thể lành mà mỗi lần nhắc đến lại nhói đau.
Học sinh hò reo khi bạn đánh thầy giáo
Cũng là một người thầy lâu năm, và cũng chịu nghịch cảnh tưởng chừng không thể xảy ra: nam sinh đánh thầy giáo, học sinh khác hò reo; thầy Khải ngậm ngùi nhớ lại câu chuyện mình đã gặp phải.
Năm học đó, thầy Khải được giao chủ nhiệm một lớp “cá biệt”, gọi như vậy bởi trong lớp “quy tụ” nhiều học sinh nghịch ngợm, quậy phá nhất trường.
Giờ sinh hoạt lớp đối với những thầy cô phải chủ nhiệm lớp “cá biệt” quả là cực hình, từ khâu quản lý, giữ ổn định trật tự trong lớp đến việc phải giáo dục, nhắc nhở các em như thế nào để tiến bộ.
Một lần, trong giờ sinh hoạt, vừa bước vào lớp, thầy Khải nhìn thấy một nhóm học sinh đang tụ tập cuối lớp. Không hiểu chuyện gì xảy ra, thầy chạy lại. Quá bất ngờ, trong vòng vây của các học sinh là hai nam sinh đang đánh nhau.
Thấy vậy, thầy Khải chạy vào can, một nam sinh thấy thế rất tức giận đã quay lại đấm vào bụng, xô thầy ra và tiếp tục đánh nhau. Nhìn thấy bạn đánh nhau và giờ còn đánh lại cả thầy giáo, nhiều học sinh trong lớp không những không ngăn cản còn hò reo cổ vũ. Nghe thấy chuyện ồn ào, giáo viên và học sinh của lớp bên cạnh chạy sang và gọi bảo vệ của trường đến lớp của thầy Khải. Một lúc sau, mọi chuyện mới được giải quyết.
Thầy Khải chua xót nói: “Học sinh bây giờ ngày càng khó dạy và nhiều lúc chẳng coi thầy cô giáo ra gì chứ đừng nói đến sợ. Nghĩ lại mình ngày xưa đi học, sợ thầy cô còn hơn bố mẹ!”.
Vẫn còn rất nhiều những kỷ niệm đẹp về tình thầy trò thắm thiết, niềm vui khi học sinh của mình trưởng thành, yêu quý và luôn nhớ đến mình. Thế nhưng, trong lòng của nhiều người thầy, người cô vẫn phảng phất nỗi buồn, sự chua xót về những “tai nạn nghề nghiệp” mà mình gặp phải.
* Tên nhân vật đã được thay đổi