TRẺ » Đời sống trẻ

Phát sợ với những cô, cậu thích chém gió

Thứ ba, 21/10/2014 16:02

Mặc dù sống trong ngôi nhà vách đất nhưng Trang lúc nào cũng thể hiện mình là tiểu thư giàu có.

Với việc bùng nổ công nghệ thông tin và kết nối nối mạng internet một cách dễ dàng, chỉ cần sở hữu một chiếc điện thoại có chức năng lướt web là các bạn trẻ đã có được ngay một trang Facebook cá nhân để tha hồ thể hiện mình. Chính nơi đây, đã tạo ra không ít những hot girl - hot boy "ảo" nổi lên từ việc “chém gió”.

Thế giới ảo là nơi để các hot girl "ảo" tha hồ chém gió (Ảnh minh họa)

“Chém gió” để khỏi thua kém bạn bè

Trang – Cô sinh viên năm đầu Đại học Ngoại thương có ngoại hình ưa nhìn, dáng người mảnh khảnh. Trên trang facebook cá nhân của mình, cô luôn tỏ ra là một tiểu thư con nhà giàu. Viết những mẩu chia sẻ nhỏ kể về cuộc sống thượng lưu khi còn ở nhà, rồi lại khéo léo kể về những chuyến picnic thú vị cùng gia đình…

Một lần, Trang nghỉ học hơn một tuần liền, hỏi thăm thì biết tin mẹ cô ốm. Hôm sau lớp cử người đến thăm và ai cũng bất ngờ khi thấy ngôi nhà ba gian vách đất đơn sơ và người mẹ nông dân lam lũ.

Hỏi ra mới biết, số tiền Trang ăn học là do một người chị gái hiện đang xuất khẩu lao động bên Đài Loan gửi về. Còn những chuyến picnic, du lịch đây đó chỉ là "những câu chuyện trong tưởng tượng".

Trang thừa nhận, vì khi mới vào trường thấy các chị khóa trên xì xèo dân tỉnh lẻ, sợ người ta coi thường, sợ thua kém bạn bè nên giả danh tiểu thư. Khi đã trót “chém gió” rồi thì không rút lại được.

“Chém gió” để trốn tránh cuộc sống cô độc

Nhiều bạn trẻ thì thu mình trong thế giới ảo, say mê với những lời khen có cánh hay thu được lượng like lớn từ những “người bạn” trên mạng để trốn cuộc sống cô độc thực tại.

Cẩm Vân (Đại học Công đoàn) thường xuyên đăng ảnh chụp những món ăn khá đẹp mắt đưa lên trang cá nhân khoe với bạn bè. Dù không biết mặn, ngọt ra sao nhưng cô nàng nhận được vô số lời khen “khéo tay", "đảm đang, "chăm chỉ…”.

Nhiều bạn nam còn bày tỏ niềm mơ ước có được người vợ chăm thích bếp núc như Vân.

Tuy nhiên, những người bạn đã từng chung sống với Vân đã vào bóc mẽ bạn mình: Cô nàng khá vụng, nhiều lúc bày biện món ăn cho đẹp để chụp ảnh thôi, những ai đã từng ăn các món cô bạn làm thì đảm bảo không dám ăn lại lần thứ hai.

Chính sự vụng về và thích khoe mẽ của cô khiến bạn bè không ai có thể ở ghép cùng cô lâu được. Và dần dần tự sống khép mình với thế giới thật.

“Chém gió”... vì thói quen

Nhiều bạn trẻ thích lên mạng chém gió, khoe mẽ về cuộc sống không có thật của mình chỉ vì “thói quen” và tiêu khiển.

Nam – Sinh viên Đại học Giao thông Vận tải là một anh chàng như thế. Sống ở kí túc xá, toàn con trai với nhau, ban đầu, tối đến rảnh rỗi cậu lại tiêu khiển bằng cách lên mạng chém gió. Cậu tưởng tượng ra muôn vàn câu chuyện, nào là nghèo khổ vượt lên số phận, nào là công tử, nào là đang chán vì bị người yêu phản bội… khiến lượng bạn bè của cậu ngày một tăng, lượng theo dõi ngày một lớn.

Cuối cùng, chính cậu bạn này cũng thú nhận, phải rất khó khăn để cậu “cai” được thói quen chốc chốc lại ngó điện thoại xem bạn bè comment trên facebook. Nó khiến cậu không thể tập trung ôn thi và hậu quả là cậu đã bị trượt liên tục mấy môn học.

“Chém gió” để lừa tiền

Đây là hành động đã có toan tính, mưu đồ của những cô cậu ăn chơi, đua đòi. Đối tượng nhắm đến của những bạn trẻ này là những anh chàng, cô nàng giàu có, thừa tiền, thiếu tình. Sau một thời gian quen biết, thân thiết, những “cao thủ” lừa đảo này khéo léo gợi ý vay tiền, xin thẻ điện thoại… Do số tiền lừa đảo không nhiều nên nhiều “nạn nhân” chịu mất trắng và coi như là tiền bỏ ra để mua một bài học.

Nhiều tài khoản giả danh "hot girl" để lừa tiền các chàng trai si tình (Ảnh minh họa)

Thắng – sinh viên Đại học Công nghiệp đang cay cú về việc gặp phải “tiểu thư…có râu”. Chẳng là cậu này cũng lừa kha khá người nhờ nạp hộ thẻ điện thoại. Lần này, cậu ta quen với một “hot girl” ngoan ngoãn, dịu dàng. Lúc nào chat với Thắng cũng một điều "dạ", hai điều "vâng".

Từ vị trí “con mồi”, cậu ta đã “cảm” cô bé thật và đưa lên vị trí “theo đuổi”. Dần dần, rồi chính cậu ta bị lừa hết toàn bộ số tiền học phí khi cô bé dịu dàng kia tâm sự sướt mướt và hỏi vay tiền vì mẹ bệnh, phải mổ.

Khi hỏi dò được về nick facebook vừa lừa đảo, cậu mới ngã ngửa khi biết chủ nhân của tài khoản đó là một “tiểu thư… có râu”.

“Chém gió” chính là việc các bạn nói dối, khoe mẽ những điều không có thật về bản thân mình. Tuy nó không có hại gì, cũng không có luật nào cấm bạn “nói sai sự thật ở trang cá nhân” nhưng đôi khi hậu quả của việc nói dối lại rất nghiêm trọng.

Có người đánh mất chính bản thân vì việc trót “khoe khoang” rồi phải tiếp tục “khoe” để khỏi bị “ném đá”. Có người trở nên nghiện "chém gió" ở thế giới ảo và khổ sở để "cai" bằng được. Cũng có người bị tổn thương về tinh thần vì đã trao niềm tin không đúng nơi.

Tốt nhất, các bạn nên sống thật với chính bản thân mình. Khi đó, thế giới ảo sẽ thực hiện đúng chức năng kết nối của nó, đồng thời còn là môi trường mở, rộng lớn vô cùng để mọi người có thể học hỏi, hoàn thiện bản thân.

Theo Khám Phá