Nhiều câu hỏi ngây ngô Ông Nguyễn Đình Bách, Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) chia sẻ, mỗi ngày Tổng đài Vì chất lượng cuộc sống của Tổng cục DS-KHHGĐ tiếp nhận hàng trăm cuộc điện thoại xin tư vấn về sức khỏe tình dục và sinh sản. Trong đó có hơn 60% gọi đến thắc mắc về sức khỏe sinh sản, tình dục, mãn dục nam, xuất tinh sớm, mãn kinh, tiền mãn kinh… là các bạn trẻ sắp hoặc đã có gia đình. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp mới 13 - 15 tuổi gọi đến Tổng đài để hỏi về các dấu hiệu bạn gái mang thai, hay cách sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày và khẩn cấp. Đáng buồn hơn, có rất nhiều trẻ vị thành niên gọi đến trình bày về những cách tránh thai “rất lạ” để xin ý kiến tư vấn. Qua đó, những người làm công tác dân số lo ngại khi thấy vẫn có một lỗ hổng kiến thức rất lớn về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục ở trẻ vị thành niên ngày nay. Chẳng hạn, có một bạn gái 19 tuổi, gọi đến xin tư vấn vì: “mỗi lần quan hệ tình dục, em thường nhét túi ni lông vào tận sâu trong “em bé” để tránh thai, hết “trận chiến” mới dùng tay “khều ra”. Một vài lần em còn nhét bông băng thay túi nilon. Như vậy liệu em có bị mang thai không?”. Theo các chuyên gia Tổng đài Vì chất lượng cuộc sống của Tổng cục dân số, chưa rõ cách làm đó của bạn gái trẻ giúp tránh thai hiệu quả đến đâu nhưng hậu quả mà em này phải đối mặt là “vùng tam giác” bị viêm nhiễm nặng do không đảm bảo vệ sinh… Đáng chú ý, không chỉ các bạn trẻ ở vùng nông thôn mà ngay cả các bạn trẻ sống trong môi trường thành thị, gia đình trí thức cũng rất thiếu kiến thức về sức khỏe tình dục, sinh sản. Bà Trương Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể, qua giảng dạy, nói chuyện với học sinh THPT về kiến thức sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, bà nhận được rất nhiều câu hỏi ngây ngô từ cả bạn nam lẫn bạn nữ về các biện pháp phòng tránh thai thế nào cho an toàn, uống thuốc tránh thai khẩn cấp liên tục có ảnh hưởng gì không, hoặc có nên hay không nên sống thử?… Bà Hoa cho biết, lý do cũng một phần vì các bậc phụ huynh mới chỉ quan tâm chăm lo cho các em về kiến thức, vật chất mà hiếm khi quan tâm đến chuyện tư vấn, hướng dẫn cho các em về sức khỏe sinh sản, thậm chí vì sợ con cái hư sớm mà né tránh, nghiêm cấm con cái tìm hiểu về lĩnh vực này khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Hậu quả khó lường Thống kê mới đây của Hội KHHGĐ Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước có khoảng 300.000 ca nạo hút thai ở độ tuổi 15 - 19, trong đó 60 - 70% là học sinh, sinh viên và con số này vẫn đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý, nếu như những năm trước, tỷ lệ nạo phá thai ở tuổi vị thành niên nước ta chiếm 5 - 7% tổng số ca nạo phá thai thì vài năm gần đây, tỷ lệ này tăng lên 10%. Thực trạng này cũng được đưa ra cảnh báo tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách ứng phó với xu hướng giảm sinh do Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức mới đây. Ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết, 10 năm qua, tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam liên tục giảm, tuy nhiên tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu tăng. Chẳng hạn, theo báo cáo của Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP Hồ Chí Minh năm 2012, cứ 100 trường hợp trẻ sinh ra sống lại có 73 trường hợp nạo phá thai, trong đó 2,4% là vị thành niên. Một số tài liệu khác cho thấy, trong số tỷ lệ nạo phá thai ở nước ta, 20% là ở lứa tuổi vị thành niên, trên cả nước có 5% em gái sinh con trước tuổi 18, 15% sinh con trước tuổi 20. Và đây cũng chỉ là thống kê từ các BV khu vực nhà nước, còn số liệu từ các BV tư, phòng khám tư thì không thống kê được. Theo ông Tân, tình trạng này không chỉ là một gánh nặng, thách thức lớn cho công tác dân số nước ta trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản thời gian tới, mà đáng ngại hơn là nó để lại những hậu quả nghiêm trọng cho thế hệ trẻ sau này, bởi nạo phá thai tràn lan chính là nguyên nhân hàng đầu gây viêm nhiễm đường sinh sản, vô sinh ở nữ giới.