Không phải cặp vợ chồng son nào cũng may mắn có nhà, có xe ngay sau khi cưới. Mà phần đa các cặp đôi đều phải cố gắng nỗ lực tích cóp vay rồi trả nợ dần trong 10 - 15 năm, có thể nhanh hoặc lâu hơn tùy điều kiện kinh tế.
Bên cạnh đó, vẫn có những người không muốn cày "sấp mặt" để mua nhà trả góp. Như quan điểm của hai vợ chồng dưới đây: "Sao phải hy sinh gần nửa đời người để đi mua nhà nhỉ?
Hai vợ chồng em đều 29 tuổi, cưới nhau được 3 năm rồi nhưng dự là 2 năm nữa mới đẻ vì giờ vẫn bận làm ăn. Thu nhập cả 2 tổng vệ sinh lại là 45 triệu rồi mỗi tháng dùng 25 củ để trả tiền thuê nhà, ăn uống, giải trí và thi thoảng còn gửi về cho các cụ 2 bên. Số còn lại thì gửi tiết kiệm.
Ở nhà em được cái nếu có việc bên ngoài thì tiền ai người ấy giữ. Em cũng thỏa thuận với vợ luôn là không (pv) mua nhà đất và chung cư thì càng không.
Quan điểm: "Sao phải hy sinh gần nửa đời người để đi mua nhà nhỉ?" của đôi vợ chồng trẻ bị dân mạng bàn tán (Ảnh minh họa)
Khi biết được thu nhập của 2 vợ chồng thì bạn bè rồi người quen em đều xui đi vay ngân hàng mua nhà. Nhưng khi biết được ý định không mua thì nhiều người gọi bọn em là gàn dở, hâm, não.
Hai vợ chồng cũng ý thức được việc có nhà là quan trọng. Nhưng liệu có quá quan trọng đến để đánh đổi khoảng thời gian dài để trả nợ vay ngân hàng hay không? Mua nhà cũng quan trọng đấy, nhưng trong thời buổi có nhiều biến cố bấp bênh, lại cổ vũ hai vợ chồng tiếp tục để dành tiền và ở thuê.
Bọn em ý thức được việc có nhà là quan trọng nhưng liệu có quá quan trọng để đánh đổi thời gian dài để trả nợ vay ngân hàng hay không?
Mua nhà mà hàng tháng phải nghĩ về khoản vay và vật lộn với cuộc sống để kiếm tiền trả thì chẳng khác gì tự đeo gông vào cổ.
Em có con bạn là bạn chung của hai vợ chồng. Sau khi bấm bụng vay tiền để mua một căn hộ xa tít trung tâm, mỗi ngày phải chạy xe máy hơn tiếng đồng hồ để đi làm thì có một nỗi stress rất lớn đó là bị quản lý trực tiếp nắm thóp "trả nợ mua nhà" nên sẽ không dám nghỉ việc nên đã ra sức đì lên đì xuống.
Đương nhiên là con bạn em nó không (pv) dám nghỉ việc rồi, vì tiền đâu mà trả nợ. Trong năm lại có mấy lần đi rải CV, nhưng mỗi lần dự định xin nghỉ là dịch Covid-19 lại ập tới. Thế nên nó chùn chân vì ngộ nhỡ bước hụt thì chồng không (pv) gánh nổi tiền nuôi con, trả tiền nhà.
Rồi chưa kể trong thời gian cả chục năm phải trả nợ đó, nhỡ người thân như vợ chồng, con cái đau ốm nặng, thì một người biết xoay xở thế nào? Rồi đã mua nhà thì cũng phải cắt giảm nhiều chi phí để tiết kiệm, lấy tiền trả nợ, vậy các nhu cầu khác như vui chơi, du lịch cũng phải hy sinh theo?
Tuổi trẻ là thời gian để làm việc, học tập, vui vẻ để tuổi trung niên có tích luỹ và kinh nghiệm để kiếm nhiều tiền hơn, rồi đến lúc đó mua nhà cũng chưa muộn, chứ không nên phung phí trong vòng xoay kiếm tiền, trả nợ mỗi tháng.
Nhiều bạn sẽ nói như vậy thì tuổi trẻ qua đi thì cũng chẳng có ngôi nhà của mình. Nhưng em nghĩ một căn hộ cũ kỹ sau 10 - 15 năm trả góp là của mình thì cũng không đáng vui vẻ để nhận lấy!".
Ngay lập tức bài viết này nhận phải nhiều ý kiến trái chiều, đa phần là chê bởi:
- An cư lạc nghiệp. Nhà của mình có để không vẫn là của mình. Tự do, thoải mái, nhà nhỏ cũng là tài sản của riêng mình. Thích ở thì ở, thích về lúc nào thì về. Tiền ăn bao nhiêu chẳng hết. Không có động lực để trả nợ thì sao kiếm ra được tiền.
- Đến trung niên mới bắt đầu cắm mặt đi cày để mua nhà thì còn gì nữa. Cố thêm tí nữa rồi mua đất ngoài nghĩa địa nằm luôn đi. Lúc trẻ là lúc nhiều sức nhất, không vướng bận nhiều nhất thì học tập, vui vẻ rồi ở nhà thuê. Tư duy mới chăng.
- Cái tiền thuê nhà ấy mà trả sau 15 năm thì cũng hết mà nhà lại là của mình. Người đâu mà dại thế không biết.
Một số ý kiến khác cho rằng nếu không tích tiền mua nhà, cả hai có thể đầu tư kinh doanh chứ việc chỉ tiết kiệm thì quá phí:
- Cái này thì như Shark Hưng bảo thì không nên mua nhà, mà nên đi ở thuê, nhưng mà cái tiền kia, thì cũng không phải là gửi tiết kiệm mà là để đầu tư.
Thấy tuổi này mà nghĩ chán nhỉ. Tiền bạn chỉ tiết kiệm thì hơi phí đó. Sao không mua đất kinh doanh đi. Nguồn lợi nhuận này cực lớn đó...
Bình luận của dân mạng về quan điểm của đôi vợ chồng trẻ.