Tham gia các buổi phỏng vấn xin việc, ứng viên nào cũng muốn đưa ra những câu trả lời khiến bản thân nổi bật. Điều đó có nghĩa là bạn phải biết cách trả lời từng câu hỏi, kể cả những câu hỏi hóc búa một cách thật khôn khéo.
Mới đây, Jack (25 tuổi, Mỹ) đã kể lại hành trình xin việc vào một công ty kiểm toán của mình. Tham gia buổi phỏng vấn hôm đó cùng Jack là 2 ứng viên khác tầm tuổi với anh. Họ được xếp vào cùng một căn phòng và đối diện là 3 nhà tuyển dụng, lần lượt trong số họ sẽ đặt những câu hỏi nhằm thử thách khả năng ứng biến của 3 ứng viên này.
Trong đó, câu hỏi của trưởng bộ phận khiến Jack nhớ mãi. Cụ thể câu hỏi như sau: "Nếu công ty không trả lương bạn có tiếp tục làm việc và cống hiến tại đấy không?".
Ứng viên thứ nhất nhanh nhảu trả lời: "Tất nhiên là không rồi, chẳng ai làm việc không công cả".
Thấy vậy, Jack thầm nghĩ ứng viên này trả lời thẳng thắn quá, như vậy sẽ làm phật ý HR nên anh chàng nghĩ mình phải trả lời khác đi.
"Em nghĩ mình vẫn tiếp tục ạ vì em muốn gắn bó với công ty lâu dài", Jack nói.
Đến lượt trả lời câu hỏi của ứng viên thứ ba mới khiến Jack "tâm phục khẩu phục": "Em nghĩ rằng việc nhận tiền là một phần quan trọng trong công việc vì nó là nguồn thu nhập chính để em duy trì cuộc sống hàng ngày và đầu tư vào sự phát triển của bản thân. Tuy nhiên, em cũng đánh giá cao cơ hội phát triển kỹ năng và mối quan hệ làm việc mà công việc mang lại. Nếu công ty gặp khó khăn tạm thời, em sẵn lòng thảo luận về các giải pháp để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhưng nếu tình trạng không trả lương kéo dài mà không có sự thỏa thuận hoặc giải quyết nào, em sẽ cần xem xét lại vị trí của mình tại công ty để đảm bảo rằng em vẫn có thể duy trì cuộc sống và sự nghiệp của mình".
Đây cũng là câu "chốt hạ" trong buổi phỏng vấn hôm đó. Sau một hồi hội ý, ban tuyển dụng quyết định lựa chọn ứng viên thứ ba vào làm việc. Dù không được nhận, nhưng Jack cảm thấy kết quả rất xứng đáng vì ứng viên thứ ba đã có một câu trả lời khôn khéo.
Thông thường, nhiều ứng viên trả lời "có" vì nghĩ đây chính xác là những gì nhà tuyển dụng tiềm năng đang mong đợi - sự cống hiến và cam kết. Nhưng trong thực tế, đôi khi nhà tuyển dụng lại muốn tìm một nhân viên biết giá trị của các kỹ năng chuyên môn của mình. Nên câu trả lời "không" đôi khi lại thu hút sự chú ý của ứng viên, nhưng trả lời "không" thì bạn phải khéo léo dẫn dắt câu chuyện, chứ không nên thẳng thắn như ứng viên thứ nhất. Nếu thẳng thắn quá mức như vậy, HR sẽ đánh giá bạn có EQ thấp.