TRẺ » Đời sống trẻ

Shark Linh chia sẻ cho chị em cách từ bỏ thói quen mua sắm mất kiểm soát

Thứ sáu, 17/02/2023 10:32

Những chương trình giảm giá có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái 'ham rẻ' và mua những món đồ mình không thật sự cần. Để kiểm soát điều này, theo Shark Linh cũng cần có mẹo.

Shark Linh (Thái Vân Linh) là một trong bốn nhà đầu tư chính của chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng "Thương vụ bạc tỷ". Ngoài đời Shark Linh là CEO của Quỹ Đầu tư Việt Nam. Là một người vợ, người mẹ nên Shark Linh hiểu rõ về những áp lực với phụ nữ. Bên cạnh đó, chị cũng đưa ra lời khuyên giúp chị em tránh được việc mua sắm bốc đồng.

Cùng tham khảo chia sẻ của Shark Linh: "Những chương trình giảm giá có thể khiến chúng ta rơi vào trạng thái “ham rẻ” và mua những món đồ mình không thật sự cần. Hành vi mua sắm tùy hứng này sẽ kéo theo hiệu ứng Diderot. Nghĩa là, khi sở hữu một món đồ mới, bạn sẽ có xu hướng mua thêm nhiều thứ khác để kết hợp chúng với nhau. Kết quả là chúng ta sẽ tạo ra vòng xoáy mua sắm liên tục với rất nhiều thứ mà bản thân không bao giờ dùng đến.

Hôm nay, Linh sẽ lý giải tại sao chúng ta lại thích mua sắm và 3 mẹo đơn giản giúp bạn ra quyết định mua sắm tốt hơn.

Shark Linh đưa r 3 mẹo đơn giản giúp bạn ra quyết định mua sắm tốt hơn.

Tại sao chúng ta yêu thích mua sắm?

Cảm thấy tâm trạng tốt hơn

Theo nghiên cứu đăng trên Tập san Tâm lý khách hàng, hành vi mua sắm sẽ sản sinh ra hormone dopamine giúp mọi người vơi bớt đi nỗi buồn và cảm thấy hạnh phúc hơn. Trợ lý giáo sư tiếp thị tại Đại học Michigan Scott Rick cũng đã phát hiện ra mua sắm sẽ khiến mọi người hạnh phúc hơn vì nó khôi phục một số quyền kiểm soát trong cuộc sống của họ. Việc bạn “thích gì mua đó” cho bạn cảm giác được đưa ra quyết định của chính bản thân, tự kiểm soát hành vi của mình, và từ đó cảm thấy tâm trạng phấn chấn hơn.

Bên cạnh đó, có phải sau khi đặt mua một món hàng, bạn sẽ cảm thấy nôn nao chờ đợi nó được giao đến không? Việc sở hữu một món đồ mới sẽ đem lại cho bạn cảm giác vui vẻ hơn. Điều đó còn xuất phát từ tâm lý bạn muốn tự thưởng cho mình. Khi đứng trước những món đồ bạn thích dù giá cao, bạn sẽ thường có xu hướng thúc đẩy bản thân chọn mua với suy nghĩ rằng mình đã làm việc chăm chỉ, và xem như đây là phần thưởng cho mình.

Bị ảnh hưởng bởi áp lực đồng trang lứa

Chúng ta thường đánh giá mức sống của bạn bè và những người xung quanh thông qua những thứ họ có hay trang phục họ mặc. Mọi người sẵn sàng chi tiền để mua những vật dụng hay phụ kiện mà họ không thực sự cần chỉ đơn giản vì những người trong vòng kết nối của họ cũng sở hữu những thứ tương tự.

Tâm lý mua hàng này được thúc đẩy bởi mong muốn trở nên tương đồng với những người xung quanh. Nó cũng thể hiện bạn muốn có được sự công nhận từ những người trong mạng lưới quan hệ của mình và cho bạn cảm giác gần gũi với môi trường mà mình đang sống. Đây là mặt trái của áp lực đồng trang lứa gây ra hành vi mua sắm thiếu cân nhắc của chúng ta.

Tuy nhiên trong tình huống này, bạn có thể tự nhắc nhở bản thân bằng thông điệp: mỗi người đều có một điều kiện sống khác nhau, công việc và mức sống khác nhau. Những gì bạn chọn mua và sở hữu nên xuất phát từ mong muốn, nhu cầu của bản thân và khả năng tài chính của mình. Để có một góc nhìn khác tích cực hơn về áp lực đồng trang lứa, bạn có thể đọc thêm chia sẻ của Linh trong bài viết: Đối diện áp lực đồng trang lứa từ góc nhìn tích cực hơn.

Mỗi người đều có một điều kiện sống khác nhau, công việc và mức sống khác nhau. Những gì bạn chọn mua và sở hữu nên xuất phát từ mong muốn, nhu cầu của bản thân và khả năng tài chính của mình.

Mong muốn thay đổi tốt đẹp hơn

Khi mua một món đồ mới, chúng ta thường mong đợi chúng sẽ tác động đến cuộc sống của mình theo chiều hướng tích cực. Theo các chuyên gia Marketing, trung bình một người có thể tiếp xúc 4.000 đến 10.000 quảng cáo mỗi ngày theo nhiều cách khác nhau trên đường phố, truyền hình, mạng xã hội hay kênh radio. Bạn sẽ nhìn thấy chúng thường xuyên đến mức bạn bắt đầu tin tưởng vào điều được giới thiệu và kết thúc bằng việc mua sắm sản phẩm.

Tâm lý này thường xuyên xảy ra ở phái nữ với các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp như mỹ phẩm, sản phẩm dưỡng tóc hay giảm cân. Nội dung quảng cáo của các dòng sản phẩm này thường có tính cam kết về một sự thay đổi theo chiều hướng đáng mong đợi. Điều này chạm vào tâm lý muốn cải thiện vẻ đẹp của bản thân của các bạn gái. Do đó các bạn thường có thể quyết định mua những sản phẩm làm đẹp nhanh chóng. Niềm tin vào nội dung quảng cáo và sự kỳ vọng vào hiệu quả mà sản phẩm mang lại sẽ khiến các bạn cảm thấy vui vẻ và hào hứng.

Làm thế nào để từ bỏ thói quen mua sắm mất kiểm soát?

Tạo rào cản với việc mua sắm

Một trong những cách hiệu quả để bạn chống lại cám dỗ là hãy tạo nên rào cản giữa bạn với nó. Điều này đúng với hầu hết các cám dỗ chứ không riêng gì cám dỗ về việc mua sắm.

Và để thành công “đứng ngoài” cám dỗ mua sắm, Linh có ba lời khuyên với các bạn đó là:

- Hãy sử dụng tiền mặt. Đồng thời bạn cũng nên cân nhắc đến việc huỷ những phương thức thanh toán trực tuyến (qua thẻ ngân hàng, ví điện tử) kết nối với các trang thương mại điện tử. Sử dụng tiền mặt sẽ đem đến cho bạn cảm giác đang chi tiền rõ ràng hơn là thanh toán bằng thao tác nhấn chuột hay chạm vào màn hình. Từ đó bạn sẽ cân nhắc nhiều hơn đến ví tiền của mình trước khi quyết định mua hàng.

- Hãy cân nhắc ít nhất 3 lần trước khi quyết định một món hàng. Điều này giúp bạn đảm bảo chắc chắn rằng bạn mua nó vì có nhu cầu sử dụng chứ không phải đơn thuần chỉ muốn sở hữu nó.

- Hãy tìm kiếm cho mình một đồng minh lý trí trong việc mua sắm. Người này sẽ giúp bạn đưa ra những lời khuyên với góc nhìn khách quan để bạn cân nhắc kỹ càng hơn trước khi mua hàng. Từ đó, bạn sẽ tránh được nhiều quyết định mua sắm theo cảm tính và tiết kiệm hơn cho ví tiền của mình.

Soạn lại đồ cũ

Việc thường xuyên dọn dẹp nhà cửa không chỉ giúp cho không gian sống của bạn trở nên ngăn nắp, mà còn giúp phát hiện ra những món đồ bạn đã “bỏ quên" từ lâu. Có thể phải mất vài phút để nhớ ra bạn đã mua chúng ở đâu, khi nào, và mất bao nhiêu tiền. Thậm chí, có một vài món đồ mà bạn chưa từng sử dụng đến và không nhớ nổi lý do bạn mua chúng. Dù quá trình phát hiện ra các món đồ “mới mà cũ” này có thể gây bối rối, gián đoạn việc dọn dẹp của bạn, nhưng Linh tin rằng điều này sẽ giúp bạn nhận ra tác hại từ việc mua sắm không kiểm soát và sẽ ra quyết định tốt hơn trong những lần mua sắm tới. Đặc biệt là khi bạn bị những món đồ khuyến mãi hay giảm giá trên kệ hàng cám dỗ.

Bên cạnh đó, hãy lạc quan lên vì bạn có thể sửa chữa sai lầm bằng cách bắt đầu sử dụng những món đồ mình vừa tìm thấy. Vì bạn chưa từng hay ít sử dụng nên tính mới mẻ của nó cũng có thể đem đến niềm vui cho bạn, thay vì phải chi tiền để mua một món đồ mới.

Áp dụng các phương pháp sản sinh dopamine tích cực khác

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hormone dopamine đã được sản sinh ra và khiến bạn hạnh phúc ngay từ khi bạn lướt các trang web mua sắm và thêm sản phẩm vào giỏ hàng. Do đó nếu bạn muốn tìm thấy niềm vui trong việc mua sắm, bạn có thể áp dụng theo cách này: Hãy cứ bỏ vào giỏ hàng những gì mình thích và… đừng hoàn thành bước thanh toán.

Bên cạnh đó, bạn có thể tìm kiếm hormone hạnh phúc từ nhiều yếu tố khác ngoài thú vui mua sắm. Hẹn hò cùng bạn bè, tập thể dục, hay đọc sách, thiền là những hoạt động đem lại niềm vui cho bản thân bền vững mà bạn có thể cân nhắc. Khi duy trì các hoạt động trên đều đặn như một thói quen hàng ngày, bạn sẽ có đời sống tinh thần tích cực hơn, dễ cảm thấy hạnh phúc hơn. Không chỉ vậy, những hoạt động Linh vừa kể còn giúp bạn ổn định sức khoẻ về thể chất, giúp bạn có năng lượng để sinh hoạt và làm việc hiệu quả.

Nếu bạn mua những thứ mà mình không cần tới, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần - Warren Buffett

Tỷ phú Warren Buffett từng có lời nhắc: “Nếu bạn mua những thứ mà mình không cần tới, sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi những thứ mình cần”. Chúng ta làm việc chăm chỉ là để phục vụ cho nhu cầu của bản thân và gia đình mình. Tuy nhiên để đảm bảo nguồn tài chính luôn vững vàng và sẵn sàng ứng phó với các sự cố bất ngờ, bạn cần học cách cân nhắc nhiều hơn để đưa ra quyết định chi tiêu đúng đắn. Hãy biết lựa chọn và tập trung vào những thứ thật sự quan trọng trước khi sử dụng nguồn tài chính của mình".

Theo Facebook: Linh Thai

Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới