WHO cho biết tổ chức này hết sức lo ngại trước tình trạng nạn tự sát, đặc biệt trong giới trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 20, đang tăng rất nhanh trên phạm vi toàn cầu, đến mức nó đã trở thành nguyên nhân tạo ra nhóm người bị chết hoặc thương tật suốt đời cao trong độ tuổi này.
WHO cho rằng tình trạng kinh tế khó khăn, mái ấm gia đình bị đổ vỡ và nạn nghiện ngập là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ muốn kết liễu đời mình và những nơi có tỷ lệ thanh, thiếu niên“chán sống” cao nhất là các nước Đông Âu, Ấn Độ, Trung Quốc và Sri Lanka.
Theo đó, WHO kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường giáo dục con người, đặc biệt là thanh, thiếu niên về giá trị của cuộc sống, chân tình giúp đỡ những người gặp phiền muộn, kéo họ hướng tới những hy vọng về tương lai tốt đẹp hơn.
Ngoài ra, theo tổ chức trên, các phương tiện thông tin đại chúng phải tích cực vào cuộc, phê phán những cái chết vô nghĩa, hướng mọi người tới sự bình yên và hy vọng, như thế chắc chắn sẽ góp phần ngăn chặn được những cái chết ”không đáng chết” rất thương tâm.
Bà Nguyễn Vân Anh, người sáng lập Trung tâm Phòng chống Khủng hoảng Tâm lý (PCP), cho hay Việt Nam đang ghi nhận số ca tự tử nhiều nhất từ trước đến giờ nhưng lại chưa được quan tâm thích đáng.
Theo các nghiên cứu, nguyên nhân dẫn đến tự tử ở thanh, thiếu niên là do xung đột gia đình. Có tới 87,8% trong tổng số trẻ tự tử đang sống với cha mẹ và hầu hết các em tìm đến cái chết ngay tại nhà. Chỉ 14,6% trẻ tự tử có thái độ xa lánh mọi người. Đây là những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi bất thường của trẻ mà chỉ những người tinh ý, hiểu trẻ mới có thể nhận ra. Vì thế việc ngăn chặn trẻ tự tử trở nên vô cùng khó khăn.