Với nhóm đối tượng độc giả là người trẻ, đa phần là sinh viên, chuyện bỏ tiền túi để mua sách đôi khi nằm ngoài khả năng cho phép. Lâu nay, việc người trẻ tìm đến những tiệm sách vỉa hè, lề đường để mua những ấn phẩm giá chỉ bằng nửa giá bìa vẫn diễn ra hiển nhiên, được coi như một cách tiết kiệm. Điều này không chỉ trở thành nỗi lo của các tác giả, mà những đơn vị phát hành sách cũng chưa bao giờ hết "đau đầu" khi phải gồng mình đối phó với nạn in lậu sách.
Mới đây, có một bài viết nói về việc kinh doanh sách ngày càng khó khăn. Theo đó, Công ty cổ phần Văn hóa Phương Nam trong hai năm 2012 và 2013 liên tục có mức lợi nhuận âm nặng nề. Hay trong buổi họp cùng tập thể người lao động, bà Đỗ Thị Nhường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty In sách giáo khoa tại TP. HCM đã quyết định ngừng sản xuất. Một trong những nguyên nhân chính của hành loạt tin buồn này chính là nạn sách giả, sách in lậu đang tràn lan ngoài thị trường.
Tác giả trẻ chung tay vì "Cuộc chiến sách giả"
Dọc các con đường ở Hà Nội như Phạm Văn Đồng, Trần Quốc Hoàn; hay Trần Nhân Tôn (quận 10) TP. HCM, không khó để tìm thấy những tấm bạt trải dọc vỉa hè, trên để rất nhiều sách, từ những tựa mới cho đến những cuốn đã xuất bản từ lâu được bán với giá giảm đáng “ngạc nhiên” 30% cho đến 50%. Khi được hỏi có biết rằng sách bán tại đây có nguồn gốc là sách giả, sách lậu hay không, nhiều người bán hàng đều ngơ ngác không hay.
Với chất lượng giấy in xấu, mỏng, chữ nhòe, thiếu nét, mất chữ hay thậm chí in sai trang, mất trang, giá thành của sách giả, sách lậu thường rẻ hơn nhiều lần so với sách thật, chính vì lẽ đó nên mức chiết khấu, giảm giá cũng cao hơn. Với suy nghĩ đơn giản, sách nào cũng là sách chỉ cần rẻ là mua, nhiều khách hàng chọn mua sách lậu xong đã phải gặp rất nhiều phiền toái.
Thực trạng là vậy, giải pháp đã có nhiều nhưng vẫn chưa đi đến đâu. Tuy một số nhà xuất bản, công ty phát hành sách trên địa bàn TP. HCM có tổ chức các cuộc triển lãm sách giả, sách thật và chủ động xây dựng quy chuẩn về khổ sách, trang sách, loại giấy và chính tả, nhưng chỉ mới nhận diện về màu sắc trên bìa, lỗi chính tả, dàn trang thì chưa giải quyết được căn cơ vấn đề.
Phương án khác để bảo vệ người tiêu dùng là tìm đến những kênh phân phối sách uy tín mà Tiki là một ví dụ. Để có tiếng nói mạnh hơn, hành động thiết thực hơn trong việc chống sách giả, trong tháng 6, đơn vị này triển khai chương trình “Cuộc chiến sách giả” lần đầu tiên để nhằm lên tiếng, kêu gọi nhận thức người yêu sách trong việc chọn lựa chất lượng sách.
Nói về vấn đề sách giả, tác giả Phan Ý Yên thể hiện quan điểm cá nhân của mình: "Thực ra Yên nghĩ đối với những kẻ đã rắp tâm in sách lậu thì có nói gì nói nữa cũng bằng thừa. Chi bằng hãy bắt đầu từ những người có thể vô tình tiếp tay cho bọn chúng: chính là những độc giả. Một cách rất đơn giản thôi, trở thành người đọc có "tâm", xem xét cẩn thận và biết nghi vấn khi thấy được rẻ hơn và cuối cùng không vì một vài chục ngàn mà để lòng tự trọng của bản thân nuôi dưỡng dần thói quen thoả hiệp với cái xấu”. Hamlet Trương - tác giả của những cuốn sách được yêu thích và là chủ nhân của nhiều bản nhạc hit tâm sự: “Ngày nay ngành sách tổn thất vì sách giả cũng giống như ngày xưa đĩa gốc khổ sở vì đĩa lậu. Trương làm việc ở cả hai ngành nên lại càng mong sản phẩm thật sẽ sống sót sau tất cả. Trương từng cầm cuốn "Thương nhau để đó" giả trên tay, thấy buồn gần cả tháng. Buồn hơn nữa khi nhiều người vẫn xem đó là chuyện bình thường”.
Cùng tâm trạng như vậy, chị Thảo Minh Châu - Giám đốc Minh Châu Books cho rằng: “Không biết là nên khóc hay cười khi hầu hết các đầu sách bán chạy trên thị trường và sách của Minh Châu Books đều "được vinh hạnh" làm giả. Chỉ mong độc giả của mình tìm đến những nơi uy tín trên thị trường để mua sách, vì họ có quyền được đọc sách thật. Và tôi đang mơ đến ngày các công ty sách không cần phải ghi vào sách mình dòng chữ: "Hiện nay sách đang bị làm giả ngoài thị trường, độc giả nên chọn nơi uy tín mua sách".
Ngoài ra, tác giả Nguyễn Ngọc Thạch chia sẻ: "Theo cá nhân mình nghĩ, một trong những yếu tố tiên quyêt để sách giả, sách lậu có thể tồn tại chính là nhờ vào việc giá sách rẻ hơn những cuốn sách thật cùng loại, dĩ nhiên với chất lượng dở hơn rất nhiều. Vậy nếu có một cuộc chiến với sách giả thì yếu tố giá thành nên là điểm đầu tiên cần đánh vào". CEO của Tiki, thạc sĩ Trần Ngọc Thái Sơn cũng có những ý kiến của riêng mình: "Vấn nạn sách giả trên thị trường đã tồn tại từ rất lâu. Chúng ta không thể quy trách nhiệm cho người bán hay người mua được, vì họ cũng chỉ là người tiêu dùng sản phẩm. Cách hay hơn cả là tuyên truyền hình thức tiêu dùng thông minh qua những đơn vị phân phối uy tín và những chiến lược mang tính xã hội như Cuộc chiến sách giả".