Nhiều người vẫn nói: "Thà đói còn hơn làm công cho người thân". Nghe có vẻ khó hiểu, bởi lẽ thông thường, làm việc cho người thân có thể mang lại nhiều sự ưu ái hơn so với làm cho người ngoài. Người thân có mối quan hệ gần gũi, lại hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, nên lẽ ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong công việc. Nhưng thực tế có phải như vậy không? Có lẽ chỉ những ai từng trải qua mới thấm thía nỗi khổ này.
Dưới đây là những lý do cụ thể giải thích tại sao không nên làm công cho người thân:
1. Mọi vấn đề đều khó đặt thẳng trên bàn, nhất là khi nói về quyền lợi
Làm việc cho người thân thường rơi vào tình cảnh "nể nang" và "giữ mặt mũi". Bạn mong rằng người thân sẽ quan tâm, ưu ái mình hơn, nhưng người thân lại hy vọng bạn sẽ thông cảm và nhường nhịn họ nhiều hơn. Đặc biệt khi có vấn đề về lương bổng hay quyền lợi, bạn rất khó mở lời mà không ảnh hưởng đến tình cảm.
Câu chuyện giữa Tiểu Vương và Tiểu Từ là một minh chứng. Tiểu Từ mở một xưởng nhỏ và mời Tiểu Vương - người em họ đang thất nghiệp đến làm việc. Ban đầu, Tiểu Vương cảm thấy khá thoải mái khi làm việc ở xưởng của người thân. Vừa có công ăn việc làm, lại được người quen quản lý, anh còn nghĩ sẽ gắn bó lâu dài.
Thế nhưng, khi xưởng bước vào giai đoạn khó khăn, tình huống bắt đầu phức tạp. Vì đơn hàng ít và dòng tiền không đủ để xoay vòng, Tiểu Từ đề nghị tất cả nhân viên là người thân cho mình "ứng trước" một phần lương để hỗ trợ xưởng vượt qua khó khăn. Mặc dù miễn cưỡng, nhưng vì tình thân và nể nang, Tiểu Vương cũng như những người khác đều đồng ý.
Làm việc cho người thân không chỉ là câu chuyện công việc, mà còn là sự va chạm giữa tình cảm và quyền lợi (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, đến tháng thứ hai, tình hình vẫn không cải thiện. Tiểu Từ tiếp tục xin khất lương và mong mọi người thông cảm. Tiểu Vương lúc này đã "đứng ngồi không yên", bởi anh sống hoàn toàn dựa vào đồng lương, và việc chậm lương đồng nghĩa với việc anh không thể trang trải chi phí sinh hoạt.
Cuối cùng, không thể chịu đựng thêm, Tiểu Vương cùng một số người khác buộc phải lên tiếng đòi lương. Tiểu Từ sau đó phải vay mượn khắp nơi để chi trả cho nhân viên, tránh tình trạng mọi người bỏ việc hàng loạt.
Sau sự việc này, Tiểu Vương quyết định nghỉ việc. Anh nhận ra rằng nếu mình không lên tiếng cùng với những người khác, thì tình trạng chậm lương có thể sẽ kéo dài mãi. Và quan trọng hơn, anh không còn muốn rơi vào cảnh "vừa làm việc, vừa ngại miệng".
2. Người thân mong bạn thông cảm, nhưng đôi khi lại xem sự nhẫn nhịn của bạn là đương nhiên
Qua câu chuyện trên, có thể thấy làm việc cho người thân không hề "dễ thở" như mọi người vẫn nghĩ. Vì là người thân, bạn sẽ luôn bị kỳ vọng phải thông cảm và gánh vác nhiều hơn. Người thân thường nghĩ rằng bạn phải là tấm gương sáng cho những nhân viên khác noi theo, nên khối lượng công việc mà bạn đảm nhận có thể sẽ lớn hơn người khác.
Dần dần, sự nhẫn nhịn của bạn sẽ trở thành điều hiển nhiên. Đến khi bạn muốn yêu cầu quyền lợi hoặc giảm bớt áp lực, người thân lại cho rằng bạn đòi hỏi quá đáng.
Thêm vào đó, khi bạn mắc sai sót, người thân có thể không phê bình bạn trực tiếp nhưng sẽ bóng gió, nói những lời khó nghe hoặc thậm chí mang chuyện của bạn đi kể với những người khác trong gia đình. Lúc đó, bạn không chỉ phải chịu áp lực ở nơi làm việc mà còn từ chính gia đình mình.
3. Nghỉ việc là điều khó khăn nhất
Nếu một ngày nào đó, bạn không muốn làm công cho người thân nữa, việc mở lời xin nghỉ cũng chẳng hề dễ dàng. Họ có thể nghĩ bạn bất mãn hoặc chê bai công việc họ dành cho bạn. Thậm chí, sự việc có thể dẫn đến những xích mích không đáng có.
Đau lòng hơn là câu chuyện nghỉ việc của bạn có thể lan truyền trong dòng họ. Những người khác có thể không hiểu rõ ngọn ngành và cho rằng bạn là kẻ "vô ơn", "có phúc mà không biết hưởng", hay "được việc làm mà còn chê". Dù lỗi không hoàn toàn thuộc về bạn, nhưng mọi ánh mắt trách móc thường sẽ đổ dồn vào bạn.
Cuối cùng, dù bạn làm tốt hay làm dở, cũng khó nhận được sự công nhận xứng đáng. Làm tốt thì đó là điều đương nhiên vì "đang làm cho người thân". Làm không tốt thì bạn trở thành đối tượng bị chỉ trích, bàn tán khắp nơi.
Làm việc cho người thân không chỉ là câu chuyện công việc, mà còn là sự va chạm giữa tình cảm và quyền lợi. Đôi khi, mối quan hệ tình thân lại chính là rào cản khiến bạn không thể thẳng thắn nói lên quan điểm, nhu cầu của mình. Vậy nên, nếu không phải là mối quan hệ thực sự tin tưởng, bền chặt, tốt nhất bạn không nên làm việc cho người thân. Những trải nghiệm khó xử này chỉ những người từng trải mới thực sự hiểu được.