TRẺ » Đời sống trẻ

Teen Việt và những biến tướng của Cosplay

Thứ tư, 01/08/2012 16:07

Ước ao được trở nên xinh đẹp và cá tính như nhân vật trong truyện tranh, phim ảnh hoặc game nên rất nhiều teen sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua những bộ cosplay 'xứng tầm'.

Thú chơi xa xỉ

Cosplay là một thuật ngữ viết tắt của từ “Costume Play”. Đó chính là các hoạt động, các trò chơi phỏng lại theo các nhân vật của truyện tranh, phim giả tưởng, game. Tuy đã hiện diện ở Việt Nam gần chục năm nhưng hiện nay, trào lưu này vẫn đang nóng lên từng ngày. Rất nhiều bạn trẻ đã tham gia hào hứng với những màn múa kiếm, bắn súng. Chi phí một bộ cosplay đặc biệt có thể lên đến vài chục triệu đồng.

Teen thích thú với những mẫu cosplay đầy bạo lực

Phạm Thu Thúy (Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), một người chơi cosplay “có thâm niên” chia sẻ: “Cosplay chỉ là một thú chơi, không phải là trang phục mặc hàng ngày đi học, đi chơi mà chỉ mặc trong dịp lễ hội cosplay, có khi cả năm mới có một dịp. Thế nhưng với ước ao được trở nên xinh đẹp, cá tính như nhân vật trong truyện tranh, phim ảnh hoặc game nên rất nhiều bạn trẻ sẵn sàng bỏ tiền triệu để mua những bộ cosplay theo đúng như dạng thời trang của nhân vật đó”.

Thúy cho biết, cosplay ngày nay đã thực sự trở thành một trào lưu bùng nổ. Các coser (người chơi cosplay) không phải e dè khi quyết định đi ra đường trong bộ trang phục yêu thích vì sợ ánh mắt soi mói của những người khác.

Những coser giờ đây đã biết tự tin khẳng định bản thân, nói cách khác, cần có sự đam mê và một chút “trơ lì” thì mới có thể chơi cosplay. Và, tại bất kỳ nơi đâu, thông điệp mà các coser muốn truyền đến thế giới chính là: “Tôi khác biệt. Tôi khác người. Hãy nhìn ngắm tôi”.

Với phương châm “Tạo ra thế giới riêng như giấc mơ của mình”, nhóm Tsukikage (nghĩa là Mặt Trăng), gồm 10 thành viên tuổi từ 19 đến 25 chia sẻ kinh lý do tham gia thế giới cosplay: “Là con gái, tụi em cực hạnh phúc khi được đóng vai những cô công chúa xinh đẹp, được yêu rất là nhiều những anh chàng đẹp trai trong truyện và phim. Tụi mình thu thập từ hình trên mạng, sau đó tìm cách mô phỏng lại. Có nhiều người còn tưởng đặt mua ở Trung Quốc về nữa chứ. Những cái nào nhỏ nhỏ như dây chuyền, hạt thì hao tiền lắm, khoảng 1 đến 2 triệu. Có những nhân vật dùng trượng, gậy thì tụi em có cái tự làm, có cái phải đi mua cũng đắt lắm. Còn make up thì càng làm càng nâng cao tay nghề lên thôi”.

Các coser ít tới hiệu may đặt hàng vì không nhiều cửa hàng làm đúng được yêu cầu xa lạ của các chủ nhân teen, thậm chí cũng ít mua sẵn do không muốn “đụng hàng” nên nhiều coser tập trung công sức để tự thiết kế, vừa hợp sở thích lại đảm bảo “độc”.

Các phụ kiện này tính tổng sơ sơ cho một nhân vật thường được các Coser đầu tư trên dưới một triệu. Tuy các bộ đồ cosplay chẳng có cơ hội được sử dụng nhưng các coser không hề thích mặc mãi một bộ đồ để đi dự các lễ hội cos nên  sẵn sàng bỏ tiền ra để may hết bộ này đến bộ khác.

“Do thích nhiều nhân vật nên mình đặt may nhiều bộ thôi. Hiện giờ mình đang sở hữu 5 bộ cosplay khác nhau, tổng trị giá cũng lên đến vài chục triệu. Mình quan niệm, đã mất công cosplay thì làm hẳn những bộ thật đẹp, thật độc, thế nên rất tốn công và tốn tiền”, Thúy nói.

“Chuyên gia cosplay” này cũng cho biết: “Dân nghiện cosplay chủ yếu là các bạn học sinh cấp 2, cấp 3, càng ngày thì các bạn cấp 2 càng nhiều, thậm chí còn có cả học sinh cấp 1 đặt hàng nữa”.

Góc khuất của bạo lực và khiêu dâm

Tuy nhiên, Thúy cũng cho biết: “Truyện tranh ngày nay không còn dễ thương với công chúa, hoàng tử. Thay vào đó là nhiều cuộc chiến chém giết nhau với súng, kiếm, phi tiêu... Rất nhiều shop theo đó bán kèm các thứ khác như phi tiêu, kiếm, súng. Như vậy, vô hình trung, cosplay đã cổ vũ các trò bạo lực trong truyện tranh đối với giới trẻ.

Bên cạnh đó những mẫu quần áo giống truyện tranh khi ra đời thường trở nên quái dị. Nhằm thu hút sự chú ý của khách teen, các shop sẵn sàng post hình ảnh học trò mặc bộ cosplay đen, bịt mặt tay cầm phi tiêu hoặc tuốt kiếm đầy sát khí. Một kiểu “khích lệ” bạo lực cần lên án”.

Đến các lễ hội cosplay, không khó để bắt gặp những bộ trang phục hóa trang thiếu vải, gây phản cảm. Những nhân vật này thường xem cosplay như là một trò để "phô diễn bản thân" một cách quá đáng.

Khánh Chi, (Đống Đa - Hà Nội) một người yêu thích những trang phục cosplay nói: "Có nhiều bạn còn không hiểu cosplay là gì, cứ tưởng là đêm hội hóa trang nên mặc những bộ trang phục của lễ Hallowen khiến người ta nhìn mãi mà không thể "giải mã" được bạn đóng vai nhân vật nào".

Ngoài việc cosplay truyện tranh, các game thủ còn cosplay các nhân vật trong các trò chơi trực tuyến. Để quảng bá game, nhiều công ty đã không ngần ngại mời các sao nữ gợi tình với thân hình chuẩn mực, vòng một “siêu nảy nở” và gương mặt không giống người bình thường xuất hiện trên các tạp chí, các trang  mạng điện tử đã tạo nên những cuộc tranh luận nảy lửa trên các diễn đàn.

Theo cô Nguyễn Thu, “Hình ảnh các cô gái với những bộ trang phục quá táo bạo và khiêu khích được đăng tải trên các phương tiện truyền thông sẽ khuyến khích giới trẻ chạy theo những xu hướng không tích cực như phẫu thuật để giống với nhân vật trong hình, chạy theo phong cách ăn mặc “kiệm vải” để khoe da thịt – nhiều điều không phù hợp với truyền thống của người phụ nữ châu á”.

Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, chẳng mấy chốc những bức ảnh của họ đã trở thành “chủ đề” nóng trên các diễn đàn và xuất hiện trên mọi trang web. Với họ những lời bình luận khen chê không có nghĩa, mục đích duy nhất của họ là thu hút sự quan tâm của dư luận và được công chúng nhớ mặt, nhớ tên!

Người Đưa Tin