TRẺ » Đời sống trẻ

Thạc sĩ tâm lý Bình An: “Cha mẹ hiện tại thiếu sự gắn kết thực sự với con cái”

Thứ hai, 16/05/2022 10:03

Trẻ em hiện nay với thực trạng dễ nổi nóng, có những đòi hỏi vô lý, bừa bãi, lười học, nghiện game, dễ bị cám dỗ luôn khiến cha mẹ phải đau đầu.

Các bậc làm cha mẹ mong muốn sửa đổi hành vi của con, trăn trở về việc làm cách nào để con trở nên ngoan ngoãn, có trách nhiệm với việc của mình, yêu thương và trân trọng những thứ con đang có. Chúng ta cùng gặp Thạc sĩ Tâm lý học Bình An để tìm hiểu thêm về thực trạng này và giải pháp hỗ trợ cho các bậc cha mẹ.

Chào chị, chị có thể cho biết lý do nào dẫn đến thực trạng trên ở trẻ nhỏ?

Theo khoa Tâm thần - Bệnh viện Nhi T.Ư, tỷ lệ mắc trầm cảm chung ở trẻ em là 2%; ở lứa tuổi vị thành niên dao động từ 5 - 8%. Tỷ lệ này phổ biến hơn ở trẻ sau tuổi dậy thì. Một số yếu tố nguy cơ của trầm cảm bao gồm: gia đình có người mắc các rối loạn cảm xúc, có một đợt trầm cảm trước đó, thất bại trong học tập, xung đột trong gia đình, trong quan hệ bạn bè; hoặc đi kèm các rối loạn tâm thần như rối loạn hành vi, rối loạn lo âu... Bên cạnh đó, tình trạng bị bắt nạt và dành nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội cũng liên quan đến trầm cảm.

Trong cuộc sống hiện đại, bộn bề lo toan, đôi lúc các bậc làm cha mẹ quá mải mê, tập trung cho công việc. Với phụ nữ thì ghánh nặng còn nhiều hơn do vừa tất bật vừa làm việc nơi công sở, lại về nhà lao vào bếp nấu nướng- dọn dẹp- chăm cho con bữa ăn- dạy con việc học. Chưa kể các tình huống phát sinh nếu con bướng bỉnh, con gặp khó khăn.Mẹ thường là người phải hi sinh cho gia đình. Lo hết việc này đến việc khác, sẽ không tránh khỏi việc người mẹ quá tải- kiệt sức- mệt mỏi- cáu gắt- buồn chán…Cha thường là người mang trách nhiệm trụ cột kinh tế. Cha dành nhiều thời gian cho công việc, khi về nhà muốn nghỉ ngơi. Cha có nhiều khó khăn và những thử thách nhưng “đàn ông là phải mạnh mẽ” nên thường giữ kín cho riêng mình. Có nhiều điều không biết chia sẻ nỗi niềm với ai, giấu đi bằng cách giải khuây với điện thoại, ipad, xem tivi….

Cứ như vậy các bạn nhỏ lớn lên trong bầu không khí có nhiều căng thẳng, mâu thuẫn, áp lực. Bản thân người lớn cũng chưa thấu hiểu được chính mình, chưa thực sự được sống cuộc đời mong muốn thì dễ ảnh hưởng tiêu cực tới con.

Và trong ngôi nhà, ai cũng chờ người khác thay đổi: bố mẹ chờ con ngoan hơn- học giỏi hơn; con chờ bố mẹ thấu hiểu hơn- lắng nghe hơn; bố chờ mẹ ngọt ngào, nhẹ nhàng, vun đắp hơn. Mẹ chờ bố chú tâm giúp đỡ việc nhà, kiên nhẫn trong nuôi dạy con hơn.

Vậy theo chị giải pháp nào cho tình trạng này?

Giải pháp là “Hãy là người bắt đầu trước” Nghĩa là tất cả gia đình cùng nhau làm việc đó. Nếu chúng ta coi ngôi nhà là tổ ấm, chúng ta cần có trách nhiệm đóng góp tất cả tình yêu- công sức để đạt được cuộc sống mơ ước.

Điều gì bạn chưa biết, bạn làm chưa tốt nghĩa là cần kiến thức, kỹ năng và sự trải nghiệm đủ sâu sắc. Bạn từng đi học để có chuyên môn trong nghề nghiệp. Vậy bạn cũng có thể tìm kiếm các khóa học phù hợp, người dẫn đường cho bạn cách quản trị hạnh phúc, xử lý các vấn đề khó khăn, phương pháp nuôi dạy con

Gần đây chị có tổ chức khóa học “Ngoắc tay nào” dành cho gia đình? Chị có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?

Khoá học “Ngoắc tay nào” được tổ chức nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương trong mỗi ngôi nhà và để cộng hưởng sức mạnh từ tất cả các thành viên trong gia đình Để kết nối lại mọi nguồn lực giúp cha mẹ và con cái thực sự vui vẻ bên nhau. Cả việc giải quyết các khó khăn cũng là cùng nhau.

“Ngoắc tay nào” là khóa học về nuôi dạy trẻ, giúp chúng ta thấu hiểu con, thấu hiểu chính mình, cân bằng cảm xúc, từ đó tạo dựng nền tảng giáo dục vững chắc cho tương lai của con.

Trong ba nhóm ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời của con: Gia đình - Nhà trường - Xã hội, khóa học “Ngoắc tay nào” tập trung ưu tiên hướng tới cha, mẹ và người thân của trẻ từ 0 đến 6 tuổi, bồi đắp những giá trị tích cực, kiến tạo không gian nơi con trẻ và người lớn đều được sống trọn vẹn, kết nối và hạnh phúc hơn. Đích đến yêu thương ấy chỉ có thể chạm tới khi cha mẹ và con thực sự cùng nhìn về một hướng, cùng hỗ trợ, động viên nhau để bước lên.

Hành trình này cần sự bản lĩnh của cha mẹ. Chúng ta đã ngấm cả những điều tốt đẹp và những thứ xù xì trao truyền qua các thế hệ. Để từ bỏ những điều xù xì, cũ kĩ và thiết lập những thói quen tích cực mới, chúng ta cần rất nhiều nỗ lực và sự mạnh mẽ để tự vấn bản thân và hành động.

Tên khóa học “Ngoắc tay nào” cũng là lời kêu gọi cha, mẹ, người thân của trẻ đưa ra lời hứa, lời cam kết để tạo nên những thay đổi tích cực cho con, cho chính mình và những mối quan hệ trong gia đình. Bởi muốn bước tới đích thì chúng ta cần mang theo ước mơ để hành động và tiến lên.

Thông điệp khóa học là “Chúng ta hãy cùng “Ngoắc tay nào” để con, để mình, để gia đình có thêm nhiều yêu thương và hạnh phúc!”

Cảm ơn những chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý Bình An, chúc cho chị thành công và có nhiều khóa học ý nghĩa để mang tới cho cộng đồng làm cha mẹ, giúp các gia đình hạnh phúc hơn.

HX (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới