TRẺ » Đời sống trẻ

Thân phận "osin cao cấp" của sinh viên thời @

Thứ ba, 28/05/2013 09:06

Dọn vào sống trong căn biệt thự này được một tuần, Sơn đã không thể chịu nổi khi phải đáp ứng cái lịch chăm chó của ông bà già kia. Lắm khi người chưa được ăn, đói chết lả nhưng đến bữa của chó, Sơn vẫn phải gượng dậy làm theo đúng thỏa thuận.

Bảo mẫu bất đắc dĩ

Trong hàng trăm nghìn sinh viên học tại TP.HCM, có tới hơn một nửa số đó có xuất thân là con em người nghèo từ các tỉnh lên trọ học. Vì lẽ này, “lương trợ cấp” mỗi tháng của một sinh viên nhận được từ gia đình khá eo hẹp, phải tiết kiệm tối đa, chỉ giữ lại các chi phí cần thiết mới đủ cho các em chi tiêu.

Cùng với việc duy trì mỗi ngày 2-3 bữa, chọn được một căn nhà trọ rẻ tiền hoặc may mắn là được ở miễn phí luôn trở thành bài toán khó cho mọi sinh viên nghèo. Và để giữ được sự may mắn chẳng mấy khi gặp còn rơi rớt lại ở một vài căn nhà trọ rẻ tiền, nhiều bạn trẻ phải cắn răng chịu đựng cảnh trái ngang cười ra nước mắt. 

Nhiều sinh viên mong mỏi tìm được nơi ở giá rẻ hoặc miễn phí.

Nguyễn Thị Bích Liên là một sinh viên từ miền núi tỉnh Quảng Nam vào học ở một trường đại học lớn tại TP.HCM. Mỗi tháng, cha mẹ Liên tích cóp lắm mới gửi được vào cho con gái 1,2 triệu đồng.

Ở thành phố đô hội hàng trăm thứ phải tiêu, dù tiết kiệm bao nhiêu thì số tiền cha mẹ cho Liên cũng chẳng thể đủ. Một giai đoạn dài, Liên vừa đi học, vừa phụ quán cà phê để kiếm thêm tiền trang trải học hành. Tuy nhiên, mức lương nhận được từ việc làm thêm vẫn chẳng thể giúp Liên thoát khỏi tình cảnh vật vã vì luôn túng bấn.

May mắn mỉm cười khi Liên đọc được tờ rơi dán ở cổng trường có gia đình đang cho sinh viên ở miễn phí với yêu cầu: là con gái, hiền lành, yêu trẻ nhỏ… Đọc thông tin, Liên mừng rơn tìm đến địa chỉ ghi trên giấy. Chủ nhà là cặp vợ chồng trẻ ở cùng hai con nhỏ. Sau một hồi chuyện trò, đưa giấy tờ cho chủ nhà xem, Liên được nhận vào ở. Vui mừng, ngay hôm sau, Liên cuốn dọn hành trang èo uột của mình sang nhà mới.

Ở được vài ngày, chủ nhà nhờ Liên trông coi hai đứa con nhỏ. Chẳng dám từ chối, vậy là ngoài thời gian đi học, Liên phải về nhà sớm chơi cùng hai đứa con chủ nhà để họ có không gian tận hưởng cuộc sống. Không chỉ thế, đến bữa cơm, Liên lần lượt cho hai đứa trẻ ăn. Mỗi khi hai bé đi vệ sinh, chủ nhà lại gọi cô làm giúp.

Gần đây nhất, tình trạng chủ nhà nhờ cậy Liên cao trào đến mức đêm đến, để ngon giấc không bị con quấy gắt, vợ chồng chủ nhà nhờ cô ngủ luôn cùng hai đứa con họ. Liên mếu máo: “Cứ tưởng tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể, nhưng ở đây, em không tài nào tập trung vào việc học được. Em đang tìm phòng để thoát khỏi nơi này”.

Trong quá trình tìm hiểu thông tin viết bài này, chúng tôi cũng gặp khá nhiều trường hợp vướng phải cảnh oái ăm giống Liên. Những sinh viên này cứ ngỡ mình gặp may khi tìm được chủ nhà thoáng tính, cho sinh viên ở nhờ miễn phí để trông coi nhà cửa, nhưng thực tế đã biến sinh viên trở thành một bảo mẫu bất đắc dĩ.

Trần Thị Thanh (sinh viên năm thứ 2 Đại học HS - TP HCM) nói chua chát: “Sống trong nhà anh chị ấy chỉ mới hai tuần, suốt ngày phải chịu cảnh khóc nhè của đứa con chủ nhà khiến mình không tài nào chú tâm vào việc học. Mình kiếm chỗ mới ở thôi. Dù hàng ngày phải đi làm thêm vất vả hơn, nhưng tôi thấy thoải mái và có thể thu xếp thời gian cho việc học”.

Sinh viên trở thành osin cao cấp

Sau khi tìm thông tin trên các trang web, Nguyễn Trường Sơn (sinh viên năm 1 trường ĐH HB - TP HCM) mừng rỡ khi biết một gia đình giàu có ngụ tại quận 3 đang thừa căn phòng trên tầng thượng, cho thuê với mức giá ưu đãi 200 nghìn đồng.

Sợ có người "cướp tay trên", Sơn nhanh chóng đến hỏi. Chủ nhà là một cặp vợ chồng già, sống trong căn nhà ba tầng, con cái đều đang ở Mỹ. Sau khi đưa giấy sinh viên, hai vợ chồng chấp thuận cho Sơn ở nhưng với điều kiện, mỗi sáng Sơn phải dậy từ 5 giờ, dắt hai con chó becgie đi dạo. Mỗi ngày, cậu phải cho con chó ăn ba bữa đúng giờ. Buổi chiều phải đem nó đi tắm và buổi tối lại đưa nó đi dạo. Nếu chiều nào Sơn đi học thì những việc kể trên sẽ dồn vào ban đêm. 

Nhiều sinh viên thà sống khổ cực còn hơn trở thành osin bất đắc dĩ

Dọn vào sống trong căn biệt thự này được một tuần, Sơn đã không thể chịu nổi khi phải đáp ứng cái lịch chăm chó của ông bà già kia. Lắm khi người chưa được ăn, đói chết lả nhưng đến bữa của chó, Sơn vẫn phải gượng dậy làm theo đúng thỏa thuận.

Ước mơ được sống một mình bùng lên, nhưng vì gia đình quá khó khăn, Sơn đành chấp nhận vừa ở trong căn phòng giá 200 nghìn đồng kiêm ô-sin cho chó, vừa tìm phòng trọ khác có giá hợp lý hơn để ở. “Hết tháng nay em sẽ cố gắng chuyển ra ngoài. Ở trong căn nhà to đẹp này, mọi người nhìn vào tưởng là sướng lắm, nhưng thật ra em chẳng khác nào là người nuôi chó cao cấp cho đôi vợ chồng già”, Sơn chia sẻ.

Cùng tình cảnh cười ra nước mắt này với Sơn còn có Phạm Thị Thanh Duy (sinh viên trường cao đẳng tại TP HCM). Chưa kịp mừng vì được một phụ nữ ngoài 50 cho ở miễn phí, Duy đã bị người này lên lịch “đổi lại, còn làm việc nhà giúp cô nhé”.

Theo lịch, hàng ngày, Duy phải dậy sớm trước khi đi học để mua đồ ăn sáng cho bà chủ, đi chợ mua thức ăn để sẵn trong tủ lạnh để được đồ ăn tươi ngon. Mỗi ngày, cô phải về nhà trước 11h30 để nấu ăn cho cả nhà. Chiều đến cô dọn dẹp, lau dọn nhà cửa sạch sẽ. Bên cạnh đó, bà chủ nhà còn quy định Duy không bao giờ được về muộn sau 9 giờ tôi, nếu sai phạm hai lần trong một tháng, cô sẽ bị đuổi.

Là sinh viên đi học để lấy kiến thức, nhưng với lịch làm việc của bà chủ nhà "tốt bụng", Duy không còn thời gian cho công việc chính. Chưa kể đặc thù ngành học của Duy phải thường xuyên thực hành ở phòng thí nghiệm, với quy định 9 giờ phải về nhà, không ít lần Duy phải ngủ ngoài đường dù thời gian delay của Duy chỉ chưa đến nửa tiếng.

Theo Xzone.vn