TRẺ » Đời sống trẻ

'Thần tượng chỉ nên hâm mộ chứ không nên tôn sùng'

Thứ hai, 30/03/2015 10:49

Theo NS Hàn Vũ Linh, thần tượng cũng là con người chứ không phải thần tiên nên chỉ hâm mộ chứ không nên tôn sùng.

Vừa qua, đại nhạc hội Music Bank in Hanoi diễn ra tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) khiến niềm phấn khích, hứng khởi của các fan Kpop Việt bùng bổ. Nụ cười có, giọt nước mắt cũng có, tất cả đều thể hiện tình cảm của các bạn trẻ dành cho thần tượng của mình.

Trước đó, hình ảnh các bạn trẻ khóc lóc, gào thét khi đón thần tượng tại sân bay cũng được ghi lại gây ra làn sóng tranh cãi khá lớn trên khắp các diễn đàn. Khóc lóc khi gặp thần tượng là nhảm nhí, lố bịch hay là cảm xúc đáng trân trọng?

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện thân mật với nhà báo, nhạc sỹ Hàn Vũ Linh, cùng anh chia sẻ về hiện tượng này.

Được gặp các thần tượng Kpop bằng xương bằng thịt, nhiều bạn trẻ Việt đã khóc lặng đi vì sung sướng. Anh nghĩ sao về cách thể hiện tình cảm này?

Cá nhân tôi nghĩ rằng, biểu đạt cảm xúc là quyền riêng tư của mỗi người, dù là với sự kiện, vấn đề gì. Nó không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Kể cả ở nơi công cộng, nếu cách biểu đạt cảm xúc không trái quy định của pháp luật và thuần phong mỹ tục thì chẳng có gì phải ngần ngại.

Riêng với âm nhạc, một trong những thứ được coi là nghệ thuật đỉnh cao, người đến với nó không chỉ dùng mắt, dùng tai mà còn là cả trái tim, tâm hồn, sự tìm kiếm những cung bậc thăng hoa, những cảm xúc đồng điệu khó có thể mô tả được bằng lời.

"Khóc lóc khi gặp thần tượng là cảm xúc đáng được tôn trọng", nhạc sỹ Hàn Vũ Linh chia sẻ

Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam thích K-pop và chắc hẳn họ đã chờ đợi từ những sự kiện như Music Bank in Hanoi từ rất lâu, nên việc họ có cất công mang băng - rôn, biểu ngữ đi đón các ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc và khóc lóc khi gặp những thần tượng của mình là điều dễ hiểu.

Giả sử nếu các thành viên còn lại của các ban nhạc Beatles, Bee gees, ABBA… mà tổ chức lưu diễn ở Việt Nam thì có khi không chỉ thế hệ chúng tôi mà nhiều thế hệ lớn tuổi hơn cũng đi đón họ ở sân bay ấy chứ. Còn biểu đạt cảm xúc của người lớn tuổi thế nào, có khóc hay không thì chưa biết (cười) !!!

Nhiều người cho rằng, thần tượng Kpop không sai nhưng cách thể hiện như vậy có phần quá khích. Anh nghĩ sao?

Tôi tôn trọng quyền biểu đạt cảm xúc của các bạn trẻ và cho rằng việc yêu thích, hâm mộ các thần tượng và khóc lóc khi gặp họ là không hề hành động quá khích, quá lố. Chứng kiến các sự kiện âm nhạc lớn trên thế giới, chúng ta cũng từng bắt gặp hình ảnh người hâm mộ khóc, ngất hàng loạt trong các buổi trình diễn của các ngôi sao ca nhạc họ yêu thích đấy thôi.

Âm nhạc không có sự phân biệt về quốc gia, ngôn ngữ (tôi không muốn dùng thêm từ đẳng cấp trong trường hợp này), nên không nên phê phán, chỉ trích các bạn trẻ khóc vì các thần tượng Hàn Quốc mà không có hành động tương tự cho các thần tượng Việt Nam.

Theo anh, thế nào là hội chứng “cuồng thần tượng”? Và đâu là ranh giới giữa thần tượng và “cuồng thần tượng”?

Phải chăng tiếng Việt dùng từ “cuồng” để nói về từ “điên” ở cấp độ nhẹ. Nếu “cuồng” hay “điên” mà không tạo mối nguy hiểm cho xã hội, hay người khác thì có sao đâu. Thậm chí có không ít hành động “cuồng”, “điên” của thanh niên bây giờ lại đáng yêu đấy chứ…

Xã hội luôn có những chuẩn mực, giá trị chung mọi người cần tuân theo nhưng cũng phải xem xét, tôn trọng giá trị cá nhân hay nhu cầu, sở thích của các nhóm xã hội khác nhau. Tất nhiên ở một góc độ nào đó, nhiều nhà nghiên cứu cũng có lý khi lập luận “cuồng”, “điên” tạo ra suy nghĩ và hành động vị kỷ, nên cần tuyên truyền, giáo dục để cá nhân hiểu về giới hạn “được phép” trong sự “cuồng”,“điên” của mình.

Ví dụ như dù hâm mộ thần tượng đến đâu thì các em học sinh cũng không thể để đầu tóc, ăn mặc như các ngôi sao ca nhạc mình hâm mộ, đem những hình ảnh, cách cư xử đó đến trường, lớp, hay bỏ bê việc bài vở, học hành vì đam mê thần tượng…

Các bạn trẻ cũng cần nhận thức được rằng thần tượng cũng là con người chứ không phải thần tiên nên chỉ hâm mộ chứ không nên tôn sùng. Sẽ rất nguy hiểm nếu các bạn trẻ bắt chước theo các hành vi sai trái của một số thần tượng ảo.

Nhạc sỹ Hàn Vũ Linh cũng từng khóc khi gặp được thần tượng

Xin nói thêm một điều đặc biệt quan trọng, đó là chính công chúng, người hâm mộ mới tạo nên hình ảnh thực sự cho những người được coi là thần tượng. Vì vậy hành động tích cực của công chúng góp phần quan trọng vào việc điều chỉnh hành động tích cực cho các thần tượng của họ và tạo ra những hình mẫu đẹp .

Là một nhạc sỹ, có thể cũng có trong mình chút “điên” nghệ sỹ, đã bao giờ anh cũng từng thần tượng một ai đó và từng khóc khi gặp được họ?

Tôi chỉ là nhạc sĩ trong ngoặc kép thôi nhé (Cười!). Tất nhiên như mọi người, tôi cũng có thần tượng của riêng mình trên những lĩnh vực khác nhau. Và tất nhiên, tôi cũng khát khao gặp họ, được giao lưu, học hỏi và… có thể cũng khóc như các bạn trẻ chứ (cười).

Năm 17 tuổi, tôi cũng từng khóc khi gặp được cố nghệ sĩ cải lương Anh Đệ. Khi ông có ý định dạy tôi hát cải lương, tôi vô cùng xúc động, không sao kiềm chế được cảm xúc. Tôi ngưỡng mộ ông không chỉ vì ông là một nghệ sĩ tài hoa mà còn là một nhân cách lớn, một hình mẫu về con người cả đời chỉ sống vì hai từ “nghệ thuật”. Tôi quan niệm là khi mình thần tượng một ai đó thì có nghĩa là cuộc sống xung quanh rất đẹp, có nhiều tấm gương để mình học hỏi, hoàn thiện bản thân thay vì tâm lý tự cho mình là nhất.

Nếu một ngày, con gái anh cũng rất thần tượng một ngôi sao nào đó và sẵn sàng khóc, gào thét khi được gặp họ, anh sẽ phản ứng ra sao?

Tôi sẽ ủng hộ con gái vì tôi luôn hiểu lý do tại sao con gái tôi cười hay khóc trước những gì diễn ra xung quanh. Nếu có thể tôi sẽ giúp đỡ con gái tôi để “bạn ấy” được biểu đạt cảm xúc yêu, ghét một cách thẳng thắn thay vì phải cố tình kìm nén, che dấu.

Khá nhiều bậc phụ huynh hoang mang khi thấy con mình thần tượng một ngôi sao Hàn Quốc, thậm chí ra sức cấm cản vì cho rằng đó là hành vi sai lệch. Anh muốn nói gì với họ?

Tôi không dám đưa ra lời khuyên với các bậc cha mẹ vì mỗi người có một hoàn cảnh và quan niệm riêng. Kinh nghiệm của tôi là đối thoại và tôn trọng lớp trẻ vẫn chưa đủ, cần phải thực sự đặt mình vào hoàn cảnh và suy nghĩ của chúng một cách nghiêm túc. Chiếc chìa khóa giáo dục luôn ở đó.

Những năm gần đây, làn sóng âm nhạc Hàn Quốc “xâm lấn” mạnh mẽ, ảnh hưởng lớn đến nền âm nhạc Việt và đời sống tinh thần của giới trẻ. Anh có cho rằng đó là một sự ảnh hưởng tích cực hay đang “góp phần” “nhấn chìm” âm nhạc dân tộc?

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Cá nhân tôi cho rằng tính đa dạng và sự phát triển của âm nhạc cần được tôn trọng. Giới trẻ ngày nay, đam mê, hâm mộ nhạc Hàn nhưng không có nghĩa là họ không yêu thích và dành nhiều tình cảm cho nhạc Việt Nam, thậm chí là nhạc đỏ, nhạc xưa, dân ca…

Mỗi tác phẩm âm nhạc sinh ra đều có giá trị do công chúng đánh giá. Nhiều tác phẩm mang giá trị lịch sử không thể mất đi hay nhấn chìm được. Trên thế giới dù âm nhạc phát triển đa dạng, hiện đại đến đâu đi chăng nữa thì những bản nhạc nổi tiếng của Mozart hay Beethoven cũng không thể bị nhấn chìm bởi những dòng nhạc mới.

Giới trẻ Nhật cũng yêu thích K-Pop của Hàn Quốc chứ không chỉ giới trẻ của Việt Nam nên chúng ta không nên suy nghĩ một cách quá bi quan hay tiêu cực. Điều các nhà quản lý, các nhạc sĩ, ca sĩ, những người tâm huyết với sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam cần làm là tạo ra môi trường tốt nhất cho sự sáng tạo và đổi mới để nhạc Việt không chỉ thành công trong nước mà còn đến được với công chúng yêu nhạc quốc tế.

Cảm ơn ông và chúc ông thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi!

Theo Danviet.vn