Gia đình chị bạn nhìn bên ngoài khá hạnh phúc. Anh là cán bộ hành chính. Chị giáo viên cấp 2. Tưởng vợ chồng như vậy là “môn đăng hộ đối”. Ai dè, chị hay than thở: “Lương ông xã mình ba cọc ba đồng. Mỗi tháng đưa vợ vài trăm ngàn là yên tâm. Trong khi nhìn xung quanh, nhà ai cũng đã lên tầng, nâng cấp xe máy, có người còn mua cả ô tô nữa. Còn nhà mình thì đủ ăn là may lắm. Mà đó là nhờ mình dạy thêm đến đau họng rát cổ. Nhiều lần mình khuyên ổng xin chuyển sang cơ quan kinh doanh nào “có tí màu” cho vợ con đỡ khổ. Nhưng ổng không chịu. Mà phải thôi. Cù lần như ổng thì biết làm gì. Chán hết sức vậy đó!”.
Thảo nào! Hàng xóm cạnh nhà hay nghe tiếng chị quát chó mắng mèo là đồ vô dụng, lười chảy thây. Hóa ra chị kiếm cớ để xả nỗi bực dọc với chồng. Những lúc ấy, chồng chị chỉ im lặng ngồi rít thuốc hoặc xách xe chạy ngoài đường. Có lần, anh tâm sự. Thật ra, cũng muốn kiếm nhiều tiền nuôi vợ nuôi con, cũng muốn giàu có. Làm chồng mà không biết xoay xở, để vợ xách mé hoài cũng khổ tâm lắm. Nhưng mà, khả năng có hạn. Với lại, chừng này tuổi rồi, xin việc đâu có dễ… Nghe mà tội nghiệp!
Một chị khác có cửa hàng vải trong chợ nên điều kiện kinh tế dư giả. Tất cả tiện nghi sang trọng và đắt tiền trong nhà đều do một tay chị mua sắm. Chồng chị có nhiệm vụ làm “xe ôm” đưa đón vợ hàng ngày và đảm trách công việc của Osin: Lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, đưa đón con đi học… Anh tưởng vậy là “hoàn thành nhiệm vụ vợ giao”.
Ai dè, có lần vừa đưa vợ tới chợ, bà bạn “đồng nghiệp” khen chị có phúc, lấy được chồng hiền lành, đảm đang. Chị trề môi: “Ai cần đàn ông hiền? Đàn ông mà để vợ phải gánh vác gia đình là thứ đàn ông không đáng làm chồng!”. Anh bực nhưng im lặng. Được thể, chị lấn tới. Vì muốn lấy le với bà bạn, lên giọng sai anh như sai đầy tớ: “Này! Tui quên quyển sổ nợ ở nhà. Chạy về lấy cho tui! Nhanh lên!”. Tức mình, anh sầm mặt bỏ đi. Chị quay sang, hớn hở khoe: “Thấy chưa? Tui sai làm gì là ổng phải làm liền! Tại trong nhà này, tui là chủ, vì làm ra tiền mà!”.
Mấy ngày sau đó, anh “đình công”, tối ngày đi nhậu cùng đám bạn. La lối, năn nỉ chồng không được, chị đành kêu xe ôm đưa rước. Hậu quả không chỉ chừng đó. Con không ai đưa đi học, chiều không ai đón về. Rồi bếp núc cũng lạnh tanh. Cơm nước không ai lo, nhà cửa bề bộn… Lúc này chị mới nhận ra, ông chồng chiếm một vị trí quan trọng trong nhà chứ đâu đến nỗi. Mà sao mình hay chê ổng vậy?
Lại có anh chồng làm nghề bốc vác dưới cảng. Tuy vất vả nhưng thu nhập cũng tàm tạm. Làm được bao nhiêu đưa vợ hết bấy nhiêu. Tính anh hiền lành, thương vợ thương con. Chỉ có điều, công việc vất vả nên thỉnh thoảng, lúc đợi nhập hàng, anh cùng đám thợ có lai rai chút đỉnh.
Vậy mà gặp ai chị vợ cũng kể lể: “Một năm có 365 ngày thì ông xã tui nhậu hết 366 ngày. Tiền lương đưa về bữa đực bữa cái. Sao số tui khổ vầy? Chẳng thà không có chồng lại sướng hơn!”. Có lần, bà hàng xóm khích:”Vậy, sao bà không bỏ quách đi!”.Chị vợ lườm một cái thật dài: “Tui bỏ cho bà lượm hả? Đừng hòng nghen!”. Vì câu nói này mà mỗi khi bị vợ chê, anh chồng bỏ qua, không chấp.
Đó là tâm sự của các bà vợ “sồn sồn”. Còn các cô gái trẻ cũng chê chồng theo cách của mình. Cặp vợ chồng đó yêu nhau từ thời sinh viên rồi cưới nhau sau khi tốt nghiệp. Cô vợ may mắn có việc làm trong một công ty liên doanh. Khi đi làm nàng ăn mặc rất lịch sự, váy áo chỉn chu, giày cao gót, túi xách hàng hiệu… vừa đẹp vừa sang trọng.
Trong khi đó, anh chồng là nhân viên bảo trì trong một công ty cơ khí nên quanh năm suốt tháng chỉ “đóng” bộ đồ bảo hộ lao động. Đó là lý do khiến cô vợ luôn viện cớ để không bao giờ xuất hiện cạnh chồng. Ngay cả liên hoan cuối năm ngoái, công ty mời 2 vợ chồng, nàng cũng đi một mình. Mọi người hỏi, nàng nói anh ấy bận. Nhưng với cô bạn đồng nghiệp thân thiết, nàng giải thích: “Ông xã mình vừa quê vừa tẩm, đi với ổng xấu hổ chết được!”.
Một trường hợp khác: Công ty giải thể, chồng thất nghiệp, về nhà ăn bám vợ. Mỗi khi ai hỏi chồng làm nghề gì, cô vợ đáp: “Làm nhà báo”. Khách xuýt xoa: “Nhà báo? Oai quá ha!”. Cô cười khảy: “Thất nghiệp nên báo… cô ấy mà”. Khách phá lên cười. Chồng đỏ mặt ngó lơ. Có lần, bị chồng trách, cô vênh mặt: “Tôi nói vậy không đúng sao?”.
Vợ chê chồng vậy, sao sống được với nhau lâu dài?