TRẺ » Đời sống trẻ

Thương Sobey: 'Người hùng thắp lửa' cho hàng triệu phụ nữ ung thư vú, đã yên nghỉ

Thứ ba, 17/03/2015 14:13

Nguyễn Khánh Thương (SN 1982 – Giảng viên khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV Hà Nội) – 'người hùng' và là người 'thắp lửa' cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam mắc bệnh ung thư vú đã qua đời sáng nay (17/3/2015), tại Australia.

Nghị lực của Khánh Thương (thường gọi là Thương Sobey) rất đáng để giới trẻ học tập.

Bạn bè, người quen hay gọi Nguyễn Thị Khánh Thương là "người thắp lửa". Bản thân cô cũng luôn nhắc nhở phải giữ tình yêu thương như ngọn lửa vĩnh cửu trong trái tim. Với triết lý con người ta đều xa lạ trước khi thương mến nhau, cái ôm ấm áp sẽ gắn kết mọi người, Thương sáng lập nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương" (Free Hugs Group - FHG).

Chiến dịch đầu tiên "Yêu thương trong những vòng tay" của FHG được tổ chức cuối năm 2006 tại trường khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, bệnh viện Bạch Mai, khu phố đi bộ trung tâm và ga Hà Nội. "Ngoài quà tặng cho học sinh khuyết tật, bệnh nhân, chúng tôi đã đem đến những cái ôm ấm áp mang ý nghĩa như người bạn lâu ngày gặp nhau, đứa con đã lâu chưa gặp bố hay cái ôm chia sẻ tình thương giữa người với người", Khánh Thương từng nói như vậy.

Sau thành công của chiến dịch "Yêu thương trong những vòng tay", cô gái quê Thạch Thất (Hà Nội) ấy tiếp tục thực hiện chương trình "Kết nối yêu thương", "Trao cho em ngày mai", "Giao thừa yêu thương", "Công trình Hy vọng" hay "Một giờ làm người khiếm thị"...

Chương trình "Trao cho em ngày mai" được thực hiện năm 2008 như một món quà đón Tết sớm dành tặng các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn thuộc hai bệnh viện K và bệnh viện Nhi Trung ương, động viên các em trong thời gian điều trị dài ngày tại bệnh viện. Khi mọi người háo hức chuẩn bị đón Tết thì Khánh Thương cùng bạn bè kêu gọi tài trợ, mua quà tổ chức "Giao thừa yêu thương" cho trẻ em ở Trung tâm bảo trợ xã hội Thụy An (Ba Vì, Hà Nội).

Trong chiến dịch "Công trình hy vọng", Thương cho rằng hiện nay, điện thoại di động, thư điện tử và một số thiết bị công nghệ hỗ trợ rất nhiều cho nhu cầu chia sẻ thông tin và liên hệ của con người. Song ở rất nhiều nơi trên đất nước vẫn còn nhiều người không biết đến Internet, điện thoại. Thế nên FHG thành lập câu lạc bộ viết thư tay để chia sẻ kinh nghiệm học tập, kiến thức, lời yêu thương hay động viên những người thiếu may mắn.

Sáng lập ra nhóm từ thiện "Vòng tay yêu thương", Khánh Thương đã khơi nguồn, thắp lửa cho nhiều chiến dịch yêu thương lan tỏa. Thế nhưng số phận lại đùa cợt để cô đối mặt với ung thư di căn, được phát hiện ngay trước ngày tổ chức lễ cưới.

Khánh Thương chụp ảnh cùng với bố mẹ và Aaron, người chồng tuyệt vời đã luôn ở bên cạnh cô suốt hành trình chống lại căn bệnh ung thư.

Đối mặt với ung thư đã di căn vào xương, Khánh Thương viết trên trang cá nhân của mình lời của Steve Jobs: "Không ai muốn chết. Thậm chí những người muốn được lên thiên đàng cũng không muốn chết chỉ vì muốn được lên đó. Và cái chết là cái đích mà tất cả chúng ta đều phải đến, không ai trong chúng ta thoát khỏi nó. Và đó là cách mà nó phải diễn ra bởi lẽ cái chết chính là sáng tạo tuyệt vời nhất của cuộc sống. Đó chính là tác nhân thay đổi cuộc sống".

Trải qua những ngày tháng tuyệt vọng, lấy lại được niềm tin sống nhờ bạn bè, gia đình, Thương lại nghĩ tới nhiều phụ nữ khác ở Việt Nam cùng hoàn cảnh nhưng không có điều kiện vật chất, tinh thần để chống chọi với căn bệnh. Đó là động lực để chị thành lập Mạng lưới ung thư vú (viết tắt BCVN), với mong ước đây sẽ là nơi cung cấp thông tin, tài liệu, nơi chia sẻ của phụ nữ quan tâm hoặc đang chiến đấu với ung thư vú. Với khát khao cháy bỏng dùng chuyên môn, khả năng của bản thân cũng như phần thời gian còn lại, Thương muốn chia sẻ các thông tin tới những người cùng cảnh ngộ để giúp họ bớt đau đớn và cải thiện phần nào chất lượng sống của họ… Ngày 3/3/2013, dự án Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam - Breast Cancer Network Vietnam (BCNV) được thành lập.

Những ngày cuối năm 2014, những thông tin về bảo hiểm y tế sẽ giảm chi trả cho một số loại thuốc điều trị ung thư đắt tiền khiến nhiều bệnh nhân ung thư rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng. Có những bệnh nhân cho rằng luật Bảo hiểm Y tế (BHYT) mới khiến họ bước gần đến cái chết hơn là giúp bệnh nhân.

Hiểu tâm tư và sự đau khổ, tuyệt vọng của những người đồng cảnh ngộ, Nguyễn Khánh Thương – Thương Sobey, nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, đã mạnh dạn viết lá thư gửi tới Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Lá thư của Thương đã đến được với Bộ trưởng và bà đã viết thư gửi lại cho chị chỉ sau hai ngày.

Nhận được thư của Bộ trưởng Tiến, Thương rất vui khi tiếng nói của một bệnh nhân như chị đã được nữ Bộ trưởng lắng nghe và đồng cảm. Chị tâm sự: “Nhiều người bàn cãi, tranh luận về nội dung lá thư trả lời của Bộ trưởng, nhưng thái độ và hành động của Bộ trưởng nên được trân trọng và hoan nghênh. Xét cho cùng đây là một lá thư cá nhân giữa một công dân gửi cho Bộ trưởng”.

Khánh Thương từng là giảng viên báo chí.

Sự nỗ lực tuyệt vời khiến Khánh Thương trở thành biểu tượng vượt lên trên sự sợ hãi.

Ngay sau khi có tin Thương Sobey đã ra đi, trên facebook của cô đã có những lời chia sẻ đầy xúc động.

"Không biết viết gì, chẳng biết nói sao. Cảm giác như vừa mất đi một người thân, một người bạn tốt, một người em mến yêu. Em đã luôn nỗ lực không mệt mỏi để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho rất rất nhiều người. Có lẽ đây là lúc duy nhất em được nghỉ ngơi, thảnh thơi. Xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình em và mong em yên nghỉ!", nick Khánh Chi Nguyễn viết.

Nick Bình Nguyên chia sẻ: "Tạm biệt người em gái nhỏ dễ thương, đầy nghị lực và luôn mãnh liệt một tình yêu với đời. Nếu có kiếp sau, anh sẽ luôn tự hào được có em là bạn. Hành trang em để lại sẽ là nguồn động lực vô bờ để mọi người đã từng quen em bước tiếp, với một tinh thần rất là Khánh Thương".

Trên giường bệnh, nhưng Thương Sobey vẫn tươi vui, tranh thủ lướt mạng điều hành mạng lưới phòng chống ung thư vú do chị lập ra.

Facebooker Trịnh Minh Hiếu thì tạm biệt Thương Sobey bằng những lời đầy xúc động:

"Om Ami Dewa Rhi

Om Mani Padme Hum

Nguyện cầu bạn mãi mãi an bình, yên nghỉ

Hãy buông bỏ..

Bạn đã chiến đấu như một chiến binh

Bạn đã dũng cảm... đầy nghị lực

Và bây giờ bạn hãy buông bỏ

Đừng suy nghĩ

Đừng lo lắng

Đừng vật lộn

Tất cả đã qua...

Hãy để những người ở lại tiếp tục cuộc chiến của bạn...

Mong bạn an lạc

Siêu sinh tịnh độ

Riêng tôi, tôi sẽ thắp lên nén nhang

Thắp lên chút trầm

Với lời nguyện cầu an lạc gửi đến bạn

Với lời chúc bình an cho những người thân yêu bạn

Vì trong giây phút này đây, họ sẽ thương nhớ bạn lắm

Nhưng giờ, bạn được nghỉ ngơi rồi.

An lạc nhé cô gái với nghị lực của một chiến binh".

Khánh Thương và những người bạn dự một hội nghị về ung thư.

Thương phải truyền hoá chất khiến tóc rụng nhiều...

Thương Sobey tự tin "xuống tóc" và có bộ ảnh rất ấn tượng, như tiếp thêm niềm tự tin cho nhiều phụ nữ mắc bệnh ung thư vú.

Tự tin, yêu đời, yêu sự sống là điều chưa bao giờ vắng bóng ở Thương.

Cô đã yên nghỉ sau hành trình đầy nghị lực chống lại căn bệnh ung thư quái ác.

Nguyễn Thị Khánh Thương là giảng viên khoa Báo chí, Đại học KHXH&NV, ĐH Quốc Gia Hà Nội. Năm 2006 chị là đại diện thanh niên Việt Nam tham dự hội nghị quốc tế về văn hóa châu Á và châu Âu tại Malaysia, tham dự hội nghị quốc tế Thanh niên với các chính sách phát triển quốc gia tại Campuchia 2008.

Năm 2010, chị được hội đồng ung thư của Úc tại bang NewsSouth Wales tuyên dương là trưởng nhóm xuất sắc trong chiến dịch gây quỹ phòng chống và nghiên cứu ung thư. Chị là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu thủ đô 2012 và là 1 trong 10 người được Hội LHPN TP Hà Nội biểu dương Phụ nữ Thủ đô tiêu biểu năm 2013.

Mạng lưới ung thư vú Việt Nam đã mang lại nhiều món quà tinh thần cho chị em phụ nữ mắc bệnh ung thư vú. Đến nay, mạng lưới đã làm được nhiều việc.

Hàng triệu phụ nữ Việt Nam được hưởng lợi từ 02 chiến dịch nâng cao nhận thức về ung thư vú năm 2013 - 2014 mang tên “Vượt qua nỗi sợ hãi” và “Mạnh hơn sợ hãi”.

Hàng ngàn phụ nữ được hưởng lợi từ 13 hội thảo nâng cao nhận thức về ung thư vú do BCNV tổ chức.

Hàng trăm phụ nữ Việt mắc ung thư vú được hỗ trợ miễn phí bài tập phục hồi chức năng sau phẫu thuật tách u và đoạn nhũ.

Hàng trăm phụ nữ Việt mắc ung thư được cho mượn, tặng tóc giả trong thời gian điều trị hóa chất.

Hàng trăm phụ nữ được hỗ trợ làm đẹp trong quá trình hóa, xạ trị, tập yoga nâng cao thể chất.

Đã có 37 phụ nữ mắc ung thư vú phải trải qua phẫu thuật đoạn nhữ được nhận áo lót và miếng đệm, mỗi món quà trị giá 1.300.000 đồng từ BCNV.

Cùng rất nhiều các hỗ trợ thông tin, tâm lý và nhận thức khác cho người ảnh hưởng bởi căn bệnh và cộng đồng khác.

Theo Anninhthudo.vn