Từng nghĩ đến cái chết để giải thoát
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, chàng trai 25 tuổi Phạm Khánh Bình được biết đến là một trong những người hoạt động năng nổ nhất trong cộng đồng người đồng tính tại Hà Nội. Hiện nay, anh đang là thành viên của một nhóm hoạt động vì lợi ích của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Bình chia sẻ: "Từ nhỏ mình đã là một cậu bé trầm tính. Đến khi bước vào tuổi dậy thì, mình có cảm tình và bị hấp dẫn bởi những người cùng giới. Khi phát hiện ra thứ tình cảm đó không đơn thuần chỉ là giữa những người bạn, mình luôn tự thắc mắc và đặt ra câu hỏi: Mình là ai? Tại sao mình lại không giống những bạn trai cùng lớp?".
Năm 16 tuổi, Bình bắt đầu biết đến khái niệm đồng tính nhưng theo hướng hoàn toàn tiêu cực. Bình tìm hiểu thông tin trên mạng Internet và biết rằng, người đồng tính ở Việt Nam chưa được xã hội chấp nhận. Lúc đó, Bình đã rất suy sụp và càng khó khăn hơn khi Bình là con trai duy nhất trong gia đình. Bố đã qua đời, anh sống cùng mẹ và 3 người chị. 18 tuổi, lần đầu tiên anh có ý định tự tử vì cảm thấy bế tắc.
Anh đã tự đấu tranh với chính mình, cố ép mình quan tâm đến các bạn nữ nhưng anh nhanh chóng nhận ra, duy trì thứ tình cảm gượng ép này sẽ không mang lại kết quả gì. Bình bắt đầu tìm cách chia sẻ chuyện này với mẹ và các chị.
Thỉnh thoảng, Bình thể hiện đúng bản thân mình. Với linh cảm của một người mẹ, mẹ anh vẫn lờ mờ nhận ra sự khác biệt của con với những cậu con trai khác.
"Mẹ mình là người có tư tưởng khá hiện đại, thế nhưng khi mình 'bóng gió' chuyện mình là người đồng tính, bà vẫn bị 'sốc' và thuyết phục mình lấy vợ, sinh con. Nhiều lần mình đã quỳ xuống chân mẹ, khóc và nói lời xin lỗi, mình không thể lấy vợ vì đó không phải là con người của mình, đồng thời nói hết lý lẽ để mẹ hiểu. Dần dần, gia đình cũng chấp nhận, mình cảm thấy may mắn hơn những người đồng tính khác vì có người mẹ rất tâm lý, mẹ luôn nói, chỉ cần mình hạnh phúc là mẹ cũng hạnh phúc".
Với Bình, việc công khai với gia đình là khó khăn lớn nhất trong cuộc đời, từ khi công khai giới tính thực của mình, anh không còn bi quan như trước nữa. Anh sống thoải mái, vui vẻ, lạc quan và điều đó giúp anh vượt qua những ánh mắt kỳ thị.
Thủy chung với người tình ở trời Nam
Hiện nay, Bình yêu Lê Quân (25 tuổi), một chàng trai song tính (vẫn có thể quan hệ TD với nữ) đang sinh sống tại TP.HCM. Sau khi quen nhau qua mạng xã hội, đến nay, hai người đã gắn bó được 2 năm.
Mặc dù người ở Hà Nội, người sống tại Sài Gòn nhưng Bình khẳng định: “Bọn mình đã vượt qua khoảng cách về không gian và thời gian để đến với nhau. Bọn mình muốn chứng minh với mọi người rằng, những người đồng tính cũng đến với nhau một cách tự nhiên và chân thành từ chính trái tim mình”. Ngày nào, hai người cũng nói chuyện qua mạng và điện thoại nhưng chưa bao giờ thấy chán.
Bình nhớ nhất lần đầu tiên Quân ra Hà Nội chơi, hai chàng trai đã nắm tay dắt nhau đi dạo khắp phố phường. Nhiều người nhìn thấy đã bàn tán, chỉ trỏ thậm chí buông lời xúc phạm. Ban đầu, hai người hơi ngượng ngùng nhưng sau đó, họ mặc kệ những ánh mắt tò mò, tự động viên nhau rằng rồi xã hội sẽ có cái nhìn cởi mở hơn.
Bình nhấn mạnh rằng, tình yêu giữa hai người đồng tính cũng có yêu thương có giận hờn, hạnh phúc với những giây phút lãng mạn. Cũng như các cặp dị tính, hai người gặp một vài trắc trở khi yêu xa. "Có những khi gặp căng thẳng trong cuộc sống, mình rất nhớ Quân và chỉ muốn ở bên cạnh cậu ấy, nhưng đành ngậm ngùi tâm sự với nhau qua điện thoại. Quân là người khá tâm lý và biết cách an ủi người yêu. 'Buôn' chuyện với cậu ấy một lúc là mình quên hết mệt mỏi căng thẳng".
Bình chia sẻ thêm: "Hiện Quân vẫn chưa công khai giới tính với gia đình. Bố mẹ Quân thường xuyên giục cậu lấy vợ để có cháu bế, chắc không bao giờ tưởng tượng được cậu lại yêu một người cùng giới".
Tuy gia đình Quân chưa biết chuyện nhưng Bình vẫn tin tưởng rằng, thời gian sẽ chứng minh lựa chọn của hai người là đúng đắn. Anh vẫn luôn động viên Quân nói chuyện với bố mẹ để có thể thoải mái thể hiện bản thân mình, tất nhiên là khi nào Quân thật sự sẵn sàng.
Bình chia sẻ dự định trong tương lai: "Khi nào luật pháp cho phép, có lẽ mình và Quân sẽ là đôi đầu tiên dắt nhau đi đăng ký kết hôn".
Về vấn đề tình yêu đồng tính, ông Ngô Minh Uy – Tổng thư ký Hội khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM cho rằng, cần phải có cái nhìn công bằng đối với người đồng tính. Theo ông Uy, mỗi cá nhân trong cộng đồng hoàn toàn có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ nhằm giảm bớt tình trạng kỳ thị đồng tính. Chẳng hạn thay vì gọi những người dị tính là “bình thường” thì gọi họ là cộng đồng những người có khuynh hướng tính dục dị tính (hoặc gọi đơn giản là dị tính). Hay xa hơn, có thể công nhận và nói cho người khác biết rằng, đồng tính không phải là một căn bệnh mà chỉ là một khuynh hướng tính dục chiếm tỉ lệ thiểu số trong loài người. Họ chỉ là người khác biệt chứ không phải là người bất bình thường.