Mấy hôm nay, thấy nhiều bạn bàn luận chuyện trinh tiết, tôi thì không còn để ý tới chuyện này từ lâu. Bởi lâu nay tôi luôn có quan điểm: Chỉ yêu và làm tình, không lấy chồng, không sinh con.
Xin đừng vội dè bỉu quan điểm sống của tôi mà hãy nghe tôi giải thích. Dưới đây là vài lý do tôi đưa ra tuyên bố này.
Tại sao lại phải lấy chồng?
Câu trả lời phổ biến thứ nhất, để có bờ vai vững chắc làm điểm tựa, có người làm trụ cột trong gia đình để dựa vào. Quan điểm này cực kỳ sai lầm.
Tôi rất ghét những người phụ nữ có ý định dựa dẫm vào đàn ông, ỷ lại, không tự lập. Trong mắt tôi, những phụ nữ này èo uột, yếu ớt và quá vô dụng. Tại sao mình đầy đủ chân tay mà lại phải phụ thuộc vào chồng?
Tại sao không "tay làm hàm nhai", tự mình nuôi thân mình mà lại cứ trông chờ người khác? Trước khi lấy chồng, đâu có "điểm tựa" nào đâu mà mình vẫn sống tốt, vẫn vui tươi như thường. Mà chắc gì lấy chồng xong anh ta sẽ trở thành điểm tựa cho mình. Thực tế, các ông chồng là "của nợ" của các bà vợ thì đúng hơn.
Đàn ông cho mình đặc quyền là chủ gia đình, còn vợ là đầy tớ. Họ cho phép mình được "ngồi mát ăn bát vàng", không phải động đến việc nhà. Họ nghĩ đó là việc vặt không đáng để họ đụng vào, họ chỉ làm việc lớn như dựng nhà, kiếm tiền. Nhưng có mấy ông kiếm được nhiều tiền, dựng được nhà đâu. Có khi vô dạng, chẳng bằng ai nhưng vẫn "to còi", ta đây ghê gớm.
Chẳng những chồng mà cả nhà chồng cũng là một món nợ. Lấy chồng, tự dưng phải hứng chịu bà mẹ chồng ghê gớm, cô em chồng tắc quái, cộng với hàng lô hàng lốc luật lệ khó chịu. Dù có khó chịu đến đâu, ghét đến đâu, bị đối xử chẳng ra gì vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt, đóng tròn vai con dâu hiếu thảo.
Nói chung, chuyện chồng là điểm tựa của vợ hầu như chẳng có, là gánh nợ của vợ, làm khổ vợ thì đúng hơn.
Câu trả lời phổ biến thứ hai, kết hôn vì yêu.
Ừ, thì cứ cho là lúc đó vì yêu mà cưới, nhưng liệu tình yêu đó tồn tại được bao lâu? Cùng lắm là 3, 4 năm, thậm chí có những đôi chưa đầy một năm đã ghét nhau như mẻ.
Ông bà ta đã nói rồi, “xa thơm gần thối”. Ngày nào cũng nhìn thấy bản mặt nhau, chịu đựng những tính xấu của nhau, rồi thì gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền, những xích mích trong cuộc sống khiến tình yêu ngày càng mòn đi, chỉ có sự khó chịu về nhau tăng lên từng ngày.
Hôn nhân là nấm mồ của tình yêu. Nếu bạn muốn giữ tình yêu, tốt nhất đừng cưới. Đàn ông dễ phản trắc nhất trên đời này. Sẽ chẳng bao giờ có chuyện lấy nhau về anh ta sẽ tiếp tục yêu chiều bạn. Sau khi lấy nhau, tên của bạn trong điện thoại của anh ta sẽ ngay lập tức đổi từ “Em yêu” sang “Sư tử Hà Đông”, “Vợ già”,…, nói chung là cả loạt cái tên xấu xí.
Chẳng ai cho mồi vào miệng con cá đã câu rồi, đặc biệt là đàn ông. Con mồi đấy đàn ông dùng để đi câu cá khác. Cũng chẳng trách được họ, tình yêu với vợ hết rồi nên họ đi tìm tình yêu khác. Nnhững cái giấy đăng ký kết hôn lại trói buộc, bắt họ phải chung thủy trong khi chẳng còn tình cảm gì với nhau.
Câu trả lời phổ biến thứ ba, kết hôn vì không muốn ế, không muốn bị coi là người có vấn đề.
Chỉ vì không muốn khác với mọi người mà bạn từ đày ải mình vào một chốn ngục tù đúng nghĩa. Như vậy có đáng không?
Nhiều bạn còn nói: lấy chồng không phải vì mình mà vì bố mẹ mình. Trong nhà có quả bom bổ chậm, các cụ sẽ bị người ngoài bàn tán, dè bỉu. Nhưng thực tế, để đổi lại cái danh đó thì bố mẹ bạn mất một đứa con.
Bố mẹ bạn vất vả nuôi bạn lớn khôn, khi trưởng thành, bạn lại vội vã lấy chồng, đi phục dịch người dưng nước lã trong khi bố mẹ mình thì chẳng ai chăm sóc. Chưa kể đến lúc sinh nở, lại bế con về ông bà ngoại chăm, bắt bố mẹ phục vụ mình. Như vậy thì liệu lấy chồng có phải là vì tốt cho bố mẹ đẻ?
Câu trả lời phổ biến thứ tư, kết hôn để còn sinh con đẻ cái, để được là phụ nữ đúng nghĩa.
Tôi là một người cầu toàn. Nếu tôi sinh con, tôi muốn nó được sống trong một môi trường hoàn hảo. Nhưng môi trường hoàn hảo ấy chẳng bao giờ có được, đặc biệt là ở Việt Nam.
Một người mẹ lúc nào cũng stress vì chồng, vì gia đình chồng làm sao có thể nuôi dạy con tốt được. Tôi không muốn con cái mình phải trải qua những gì tôi gánh chịu bao năm qua. Dù bố mẹ không nói ra nhưng tôi vẫn biết giữa hai người luôn có mâu thuẫn.
Đi với bố thì bố nói xấu mẹ và nhà ngoại. Đi với mẹ thì mẹ nói xấu bố và nhà nội. Là người ở giữa, tôi rất buồn. Sự khó chịu của bố mẹ về nhau đều có nguyên nhân cả. Con người ai cũng có điểm xấu, càng ở lâu với nhau, chịu đựng tính xấu đó lâu thì càng ghét, càng không chịu nổi. Bởi vậy xích mích cũng là chuyện đương nhiên.
Nếu lấy chồng, sinh con, có lẽ tôi cũng sẽ giống như bố mẹ, cả ngày phàn nàn về chồng, khó chịu với chồng. Và tôi không muốn trở thành một người mẹ hay càm ràm, khiến con cái phải trưởng thành trong một gia đình luôn có những mâu thuẫn.
Hỏi 100 người vợ, 99 người than vãn rằng lấy chồng khổ, 1 người còn lại không than vãn thì chẳng qua vì sĩ diện. Vậy thì lấy chồng làm chi cho đời thêm khổ?
Nói tóm lại, chồng cũng chẳng có tác dụng gì ngoài đối tác trên giường. Mà đối tác trên giường thì đâu cần phải lấy chồng mới có. Tôi vơ tay cái là được cả nắm đàn ông.
Cứ yêu hết mình, sống tự do, tự tại, như vậy chẳng tốt hơn nhiều hay sao?