TRẺ » Đời sống trẻ

'Tôi sẵn sàng điên cuồng vì thần tượng nếu...'

Thứ năm, 12/07/2012 08:26

"Ai cũng có thần tượng... Bên cạnh Taylor, tôi cũng có nhiều thần tượng ở các lĩnh vực khác như David Villa hoặc Sharapova hay thậm chí là T-ara (Kpop)" - đó là một trong những chia sẻ xung quanh đề Văn khối D.

Cảnh khán giả chen lấn, xô đẩy trong một chương trình ca nhạc tại Hà Nội. 

Là một nét của văn hóa hiện đại

Trong chuỗi ý kiến của độc giả gửi về xung quanh đề văn về sự "mê muội thần tượng", độc giả Lê Hà Khôi Nguyên ở địa chỉ email Hero...@gmail.com đã chia sẻ rằng, bạn sẵn sàng điên cuồng vì thần tượng nếu người đó mang đến những cảm hứng và sự yêu đời và sống tốt:

"Nhiều ngày theo dõi tin tức về đề thi đại học môn Văn "mê muội thần tượng", tôi cũng xin được đóng góp một phần ý kiến của mình để hy vọng mọi người có thể có một ánh nhìn thoáng hơn là "mê muội".

Bản thân ai cũng có thần tượng riêng của mình, tôi cũng vậy. Bản chất của thần tượng là gì ? Là hoàn hảo, là tuyệt vời, là tài năng. Điều đó khiến chúng ta thích, chúng ta đam mê và chúng ta dõi theo thần tượng của mình...

Thần tượng của tôi là Taylor Swift, cô ấy tài năng, xinh đẹp và cực giỏi. Cái này thì hàng chục triệu người trên thế giới này ai cũng biết. Nhưng cái tôi muốn truyền tải ở đây là gì? Là cảm hứng mà thần tượng truyền cho mình. Taylor Swift sống tốt, không scandal và liên tục phát triển bản thân mình...Với những điều tốt đẹp đó, có ai không muốn làm fan của Taylor...

Bên cạnh Taylor, tôi cũng có nhiều thần tượng ở các lĩnh vực khác như David Villa hoặc Sharapova hay thậm chí là T-ara (Kpop)...

Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi sẵn sàng điên cuồng, điên loạn vì thần tượng của mình nếu như thần tượng đó cho tôi những cảm hứng và sự yêu đời và sống tốt. Ngược lại, nếu như ai đó quá hâm mộ Chris Brown hay Lady Gaga hoặc Bigbang mà thay đổi cách đối xử hay cách ăn mặc không phù hợp thì đó chẳng phải là thần tượng gì cả, đó gọi là bắt chước không có hệ thống...

Đam mê thần tượng là một nét của văn hóa hiện đại và được xem như là điều không thể thiếu hiện nay... Nhưng hy vọng các fan của Kpop, Jpop hay US-UK biết như thế nào mới là hâm mộ đúng đắn".

Độc giả Kim Ngân ở địa chỉ email Xu.tran...@gmail.com cũng cùng chung quan điểm:

"Theo tôi nghĩ, bản thân mỗi một người có một người để làm thần tượng thì không có gì là xấu. Họ còn tốt hơn những người mà chẳng thần tượng ai.

Khi thần tượng một người, ta sẽ muốn được như người đó, giống người đó về mọi thứ và bắt buộc ta phải làm sao để như người đó. Nhưng cái mà tôi gọi là "giống" thần tượng ở đây không phải để hiểu theo cách "cuồng" mà một số bạn khác nghĩ.

Đồng ý là bắt chước cái hay, cái đẹp từ người đó. Nhưng cho tôi hỏi bạn với thần tượng có phải là "một" không? Đâu phải cái gì cũng nhất quán như thế!

Khi ta thần tượng về một người. Sẽ giúp bản thân ta trưởng thành hơn, học hỏi ở người đó nhiều cái hay, cái đẹp để giàu vốn hiểu biết của mình để bổ sung cho con đường cuộc đời. Ta là ta, thần tượng là thần tượng, ta không nên bắt chước họ tất tần tật từ bên trong đến vẻ bề ngoài. Hiện nay, các bạn trẻ quá "cuồng" thần tượng mà đánh mất hình ảnh của mình. Bản thân tôi không đồng ý việc này. Chúng ta là thế hệ trẻ của tương lai. Cần thể hiện sao cho đúng để không đánh mất đi chính con người mình".

Thần tượng xứ Hàn cũng khổ luyện thành tài

Em Trung Nguyễn, ở địa chỉ email nhox.... @yahoo.com, thí sinh cũng vừa trải qua kỳ thi đại học khối D cũng có những lý lẽ về thần tượng của mình:

"Em cũng là thí sinh vừa thi đại học khối D. Đề năm nay rất hay ở câu nghị luận xã hội. Theo quan điểm riêng của em thì chúng ta nên chỉ rõ ra những việc "mê muội" như: ca sĩ hát nhép vẫn được yêu thích hay thậm chí là người mẫu khoe thân ngày càng thăng tiến...

Chúng ta (chỉ các thí sinh có lập trường về thần tượng xứ Hàn - PV) cần đưa ra lí lẽ thật về sự chuẩn bị để trở thành một "idol" (thần tượng) của Hàn Quốc như: phải tập luyện thanh nhạc, vũ đạo, ngoại ngữ .. ròng rã cả vài năm trời để có thể xuất hiện. Thậm chí ta cũng có thể nói rõ vấn đề hiện tại ở Việt Nam là nghệ sĩ dùng "scandal" để nổi tiếng.

Cũng cần phê phán hành động của những "fan" như: bênh vực thầng tượng vô lí hay ủng hộ không đúng. Nhưng nếu cứ trách thì cũng không được vì có thể là sự hiểu biết của những người hâm mộ còn hạn hẹn nên chưa thật sự nhận rõ ra vấn đề".

Trách nhiệm của phụ huynh

Trong khi khá nhiều người đổ lỗi dữ dội vào giới trẻ thì một số độc giả cho rằng, trách nhiệm của vấn đề là ở chính các bậc sinh thành. Bạn Hồng Lĩnh ở địa chỉ email Honglinh...@gmail.com cho rằng:

"Thần tượng. Ai cũng có trên 1 lĩnh vực nào đó. Có thể đó là kim chỉ nam cho mỗi chúng ta trong cuộc sống. Có thể làm chỗ dựa tinh thần cho mỗi con người. Nhưng giới trẻ hiện nay xem thần tượng như một tôn giáo và họ thật sự cuồng tín. Có những bạn trẻ mê muội thần tượng, vì bảo vệ ý kiến của mình đã đang và sẽ làm nhiều điều trước nay chưa bao giờ có thể nghĩ tới.

Và trách nhiệm của mỗi người lớn là không phải cấm đoán con cái mà hãy thử tìm hiểu tại sao con cái họ lại làm thế. Có phải là con cái họ chạy theo xu hướng đám đông hay họ làm vậy để lấp bớt khoảng trống trong tâm hồn. Có thể cha mẹ nghĩ rằng họ lao đầu vào công việc để lo cho con cái một tương lai tươi sáng hơn. Vì thế thời gian họ dành cho gia đình ít hơn.

Khoảng trống trong tâm hồn giới trẻ ngày nay lớn hơn xưa. Các bật phụ huynh hãy cố gắng dành cho gia đình 2-4h trong một ngày để tìm hiểu và định hướng cho con em mình. Đừng để khi họ thật sự lún vào rồi mới kéo ra. Sẽ rất khó và kém hiệu quả nữa".

Infonet