Phụ nữ đã từng phải thức đêm trông con nhỏ chắc chắn sẽ thấu hiểu, đồng cảm được nỗi lòng của "mẹ bỉm sữa" dưới đây. Nửa đêm không ngủ được, chị lên một diễn đàn tâm sự về hoàn cảnh của mình.
Chữa hiếm muộn nhiều năm mới có con, cuộc sống của chị tưởng rằng sẽ viên mãn. Nhưng không, chị phải ôm hận khi chồng không đỡ đần việc trông con. Đêm đến chồng chỉ ôm điện thoại, lo ngủ và đẩy hết trách nhiệm cho chị. Đã có lần chị quá mệt, phải bế con đến mức suýt ngất nhưng gọi cho chồng hàng chục cuộc không được. Đây giống như giọt nước tràn ly khiến chị phải ôm con về nhà mẹ đẻ:
"1h sáng!
Dỗ con ngủ xong rồi còn bản thân mình thì lại chẳng thể ngủ được, viết ra vài dòng tâm sự cho nhẹ lòng!
Mình đã ở ngưỡng U30 rồi, 1 chồng 1 con nhỏ 5 tháng tuổi. Mình lấy chồng năm 26 tuổi, hiếm muộn chạy chữa mãi cuối cùng năm ngoái cũng được đón trái ngọt, cứ tưởng mọi thứ thế là viên mãn, ấy vậy mà...
Mình và chồng đến với nhau bằng tình yêu, 2 bên gia đình lại môn đăng hộ đối nên mọi thứ rất thuận lợi. Duy chỉ có việc vợ chồng lấy nhau mãi mà chưa có con. Đi khám thì phát hiện vấn đề ở cả 2 vợ chồng, may mắn là chữa 1 thời gian thì mình có bầu. 9 tháng bầu bí, mình trộm vía mẹ khoẻ con khoẻ, đi làm không nghỉ phép ngày nào để dồn phép tới lúc đẻ nghỉ 1 thể. Chồng mình thì khỏi nói, yêu chiều vợ hết nấc, nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa, chăm sóc mình từng li từng tí. Lúc ấy nghĩ lại hạnh phúc vô cùng.
Rồi mình sinh bé, con trai lại còn giống bố như lột, mọi thứ thật viên mãn, chỉ có điều tới khi sinh con rồi lại cảm thấy mọi thứ đều phải làm 1 mình. Con bé trong tháng, chồng mình xin nghỉ phép cả tháng, nhưng có lẽ chưa quen với việc có con nhỏ nên nhiều khi con quấy khóc dần dà chồng mình đâm chán.
Mình đẻ mổ, sức khoẻ chưa hồi phục nhưng vì thương chồng lại xót con nên trong tháng đã liên tục thức đêm chăm con để chồng được ngủ nghỉ. Ấy vậy mà chồng mình cứ dán mắt vào điện thoại, tới nỗi để được dùng điện thoại thoải mái thì trốn lên tầng 3 ngồi chơi điện thoại, cơm bê lên cho vợ xong vứt đó không cần biết vợ làm cách nào để ăn, con khóc cũng không bế hộ, mình trong tháng đã ăn cơm chan nước mắt.
Đêm có hôm mệt quá gọi chồng dậy hộ bế con thì ông bật dậy đùm chăn vào tường bảo mình tựa lưng vào đó bế con cho đỡ mỏi. Kể với mẹ chồng thì mẹ chồng bảo con bé quá chắc nó không dám bế.
Hết phép thì chồng mình đi làm, có hôm con khóc quấy chồng mình không ngủ được mặt mày cau có, sáng ra mẹ chồng thấy lại bảo hôm sau con khóc thì chồng mình lên tầng 3 ngủ riêng, đi làm cả ngày mệt làm sao trông con cả đêm được. Vậy mình mới đẻ xong sức khoẻ yếu thì sao, vẫn phải trông con đó thôi, cứ bảo nó ngủ lúc nào mình tranh thủ ngủ lúc đó, nhưng trẻ sơ sinh giấc ngủ nó ngắn, mình còn chưa kịp ngủ say nó đã dậy rồi, ngày nó ngủ nhiều giấc mỗi giấc vài chục phút, còn chưa kịp đặt mình con đã thức rồi, tủi thân lắm nhưng nhìn con lại tự an ủi động viên bản thân phải cố lên vì con. Mà bản thân mình cũng đi làm có lương, thậm chí lương thưởng còn cao hơn chồng, nghỉ đẻ cũng được 1 khoản bảo hiểm khá lớn, vậy mà giờ ở nhà chỉ là nghỉ chế độ thôi mà cảm giác như đang ở ăn bám vậy.
Mọi chuyện có lẽ vẫn còn cố chịu đựng được nếu chồng mình vẫn tôn trọng mình. Nhưng không, bất kể khi nào đi nhậu thì y như rằng mình có nhắn tin gọi điện cũng không thèm nghe, hôm sau tỉnh rượu lại quay ra nịnh nọt vợ, mấy lần mình còn mềm lòng, nhưng tới hnay thì quả thực đã vượt quá sức chịu đựng của mình.
Hôm nay mình ốm mệt, đầu óc choáng váng, người nóng ran nhưng lại cảm thấy rất lạnh, mệt tới mức cảm giác bế con không được vững nữa nên gọi cho chồng về. Gọi tới chục cuộc cả nhắn tin cũng không được, bất đắc dĩ phải gọi mẹ đẻ sang bế con hộ, sợ nhỡ mình ngất ra con không ai trông.
Vợ trẻ suýt ngất vì trông con, gọi cho chồng về đỡ nhưng vô vọng (Ảnh minh họa).
Mà con mình bám mẹ, cứ đòi mẹ bế, mình chỉ sợ lây sang con, may là về sau mẹ đẻ mình bế con đi chơi nên nó chịu ở, mình được nằm nghỉ 1 lát. Tới khuya thì thấy chồng mình say khướt đi về, trong lòng hận không tả nổi. Lại là nhậu như bao lần, mồm thì kêu sợ vợ nhưng cứ khi nào đi nhậu thì vợ gọi thế nào cũng không thèm nghe, chẳng lẽ suốt mấy tiếng đồng hồ không cầm vào điện thoại nên không biết vợ gọi, mà bài của chồng mình là không hề tắt máy, vẫn để chuông nhưng dù gọi thế nào cũng không nhấc máy.
Người ta sợ vợ thật thì có khi vợ gọi còn nghe điện thoại rồi nói dối nọ kia, còn chồng mình thì tuyệt nhiên không thèm nghe 1 cuộc nào hết. Cảm giác ốm mệt, tối khuya chăm con nhỏ, còn thêm cả thằng chồng say rượu, chỉ nghĩ thôi cũng đủ thấy lòng đau đớn, tủi thân cực độ.
Hiện tại mình đã xin phép mẹ chồng mai 2 mẹ con mình về ngoại, và cũng để suy nghĩ lại về cuộc hôn nhân này, nhìn con bé bỏng trên tay mà không biết nên làm thế nào, nếu ly hôn thì con còn quá bé, bố mẹ ly hôn con cái bao giờ cũng là người thiệt thòi nhất. Nhưng tiếp tục cuộc hôn nhân này thì lại cảm thấy mệt mỏi không lối thoát... Thực sự lúc này đây mình vô cùng bế tắc!", mẹ bỉm sữa trải lòng.
Bên dưới nhiều người đồng cảm vì cũng đã ở cảnh tương tự:
- Cố gắng vì con thôi chị, em cũng như đang như chị, chồng từ khi có con chưa 1 đêm thức trông cùng em, nhiều đêm 2 mẹ con ôm nhau khóc. Đây cũng là trải nhiệm để mạnh mẽ hơn, có như vậy mới biết chỉ có thể tự dựa vào bản thân mình thôi. Mạnh mẽ lên chị...
- Đây là lý do nhiều bà mẹ bỉm trầm cảm sau sinh - chị cũng về nhà suy nghĩ lại về cuộc hôn nhân này. Cho nhau thời gian suy nghĩ, cho anh ta một cơ hội nếu không thay đổi thì giải tán. Đỡ nhọc đầu, vợ chồng phải cùng nhau sẻ chia cùng nhau vun vén, một bàn tay không làm lên tiếng vỗ được.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vấn đề không quá lớn, chị được yêu chiều quen nên cảm thấy sốc:
- Thực ra vấn đề rất nhỏ, thông cảm được cho nhau. Nhưng bởi bạn mới sinh tâm lý hơi mỏng manh, với lại được yêu chiều quen rồi, nên chồng thay đổi chút là cảm thấy không chịu nổi.
- Chị kì vọng quá rồi. Con trong tháng thì khó ở vậy thôi...
- Vấn đề không quá lớn mà bạn, tạm thời ở ngoại đã, đến 6 tháng đi làm thì thuê giúp việc (bạn nói lương thưởng cao) tung tẩy mua sắm chiều chuộng bản thân, đừng gọi đừng nhắn gì chồng hết, cứ cho đi chán chê lại tự khắc phải lết về...
Bài viết trải lòng của "mẹ bỉm sữa" nhận được 15 nghìn lượt thích và hàng chục nghìn bình luận khác nhau từ dân mạng.