“Cô giáo trường Lomonoxop và “món canh gà Thọ Xương” - những từ khóa đang làm nóng các trang báo mạng những ngày gần đây. Sau khi sự việc trở thành tâm điểm của truyền thông, nhất là khi trang facebook ủng hộ cô giáo Thủy được học sinh trong trường lập ra thu hút hàng nghìn lượt like thì những bình luận trái chiều liên tiếp được đưa ra. Không ít ý kiến đã đổ lỗi cho báo chí khi chỉ một sự việc “cỏn con” như vậy nhưng lại làm “rùm beng” cả dư luận, một số ý kiến khác đổ lỗi cho những vị phụ huynh nóng nảy vội vã kéo báo chí vào cuộc. Tuy nhiên, sau tất thảy, có lẽ vẫn là “chấn thương" tâm lý nặng nề với cô giáo Thủy – một giáo viên trẻ vừa nhận học vị thạc sỹ và chuẩn bị lấy chồng. Cô sốc đến mức phải xin nghỉ dạy và nhập viện do suy sụp về tinh thần, chỉ vì không đánh dấu lỗi sai: “canh gà Thọ Xương là món ăn nổi tiếng của Hà Nội” trong bài văn của học sinh lớp 7.
Là học sinh, có lẽ chẳng ai đủ giỏi giang đến mức hoàn hảo là chưa từng giải sai một bài toán, viết sai một câu văn hay chừng từng nhận một điểm thấp. Thế nhưng cũng có mấy ai dám dõng dạc thừa nhận đó là lỗi sai của mình, nhất là khi đứng trước bố mẹ. Từ một lỗi nhỏ, sợ bố mẹ trách phạt, mắng mỏ, không ít học sinh vội vã đổ lỗi cho thầy cô nhằm thoát tội. Phụ huynh trách móc thầy cô, trách nhà trường. Đó là chưa kể đến không ít trường hợp, phụ huynh chiều chuộng con cái một cách thái quá, luôn cho rằng con mình đúng, bảo vệ cả những thói hư tật xấu của con mình để rồi không ngần ngại buông lời trách móc thầy cô. Con cái bị điểm kém, con cái đánh nhau, con cái bị chép phạt... 100% lỗi không phải tại thầy cô, nhưng tất cả lại dội hết lên đầu thầy cô?
Những lời trách móc của phụ huynh, sự hằn học của học sinh hay nặng nề hơn là những lời chửi rủa, hăm dọa, kiện tụng thầy cô sẽ là vết thương khó lành trong cuộc đời cầm phấn, nhất là với những thầy cô nhạy cảm và giàu lòng tự trọng, những thầy cô trẻ nhiều tâm huyết, nhưng còn thiếu kinh nghiệm ứng phó với áp lực của nghề…
Nghề giáo từ lâu vẫn được coi trọng như một nghề cao quý, nhưng cũng là một nghề luôn phải đón nhận nhiều khắt khe, xã hội đặt ra những chuẩn mực bất di bất dịch cho những người đứng trên bục giảng, cả về trình độ kiến thức lẫn tư cách đạo đức. Chỉ cần xảy ra sai sót, bất luận nguyên nhân vì sao, là khách quan hay chủ quan, thầy cô cũng là người lập tức phải hứng chịu búa rìu dư luận. Đặc biệt là trong hoàn cảnh truyền thông đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì sự việc dù không lớn cũng rất dễ trở thành vũ bão càn quét khắp các mặt báo. Danh dự, uy tín của thầy cô bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đối với thầy cô, còn có nỗi đau nào lớn hơn thế?
Trở lại với sự việc của cô giáo Thủy và bài văn canh gà, chỉ vì thiếu một dấu gạch chân để đánh dấu lỗi sai, dù là lỗi của cô do thiếu kinh nghiệm trong nghiệp vụ hay là lỗi của trò khi mất trật tự mà không nghe lời cô dặn, thì cũng liệu có đáng để một cô giáo trẻ phải chịu sự tổn thương lớn như vậy? Đừng nên chỉ vì một sai sót nhỏ mà làm tan nát cuộc đời cầm phấn của một cô giáo trẻ giỏi giang và giàu tâm huyết!