TRẺ » Đời sống trẻ

Ý thức tự giác đỉnh cao nhất của người trưởng thành: Coi công việc như một cuộc rèn luyện

Chủ nhật, 25/09/2022 08:26

Trên đời này, chẳng có công việc nào là không vất vả, không có vị trí nào là ổn định tuyệt đối cả. Coi công việc như rèn luyện, vừa có thể nên việc, vừa có thể thành nhân.

Trong cuốn “Vương Dương Minh 500 năm qua” có kể một sự tích ít ai biết đến như sau: Khi Vương Dương Minh dạy học ở Học viện Quý Dương, có một viên quan địa phương thường xuyên tới lớp dự thính. Có một hôm, sau buổi học người đó nói với Vương Dương Minh rằng: “Tiên sinh giảng hay quá, tôi chỉ muốn ngày ngày tới đây để học cùng ngài. Nhưng đáng tiếc, tôi lại quá bận, ngày nào cũng phải xử lý công việc”. Vương Dương Minh nói: “Tại sao lại phải từ bỏ công việc để tới đây học chứ? Công việc chính là học tập và rèn luyện, còn hồng trần chính là giảng đường”.

Inamori Kazuo – người sáng lập ra tập đoàn Kyocera cũng từng nói: “Cuộc rèn luyện tốt nhất trong cuộc đời chính là công việc”. Không ai có thể thoát ly khỏi cuộc sống mà có thể sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vĩ đại. Tương tự, con người chỉ khi không ngừng rèn luyện trong công việc mới có thể rèn luyện tâm trí, phát triển bản thân. Tính tự giác đỉnh cao nhất của người trưởng thành chính là trong công việc có thể “gặp sự tu tính, gặp người tu tâm”.

Rèn luyện cảm xúc, từ bỏ việc tự tiêu hao bản thân

Tôi từng đọc được một câu nói như thế này trên mạng: “Trong chốn công sở, nếu bạn biết cách giao tiếp thì được cộng 10 điểm, biết hợp tác cộng 20 điểm, biết khai thác tài nguyên cộng 50 điểm. Nhưng nếu bạn không thể kiểm soát được cảm xúc của chính mình, vậy thì xin lỗi, bạn bị trừ 100 điểm”.

Trong công việc, rất nhiều người đã có những trải nghiệm tương tự như bị sếp mắng vài câu cả ngày ủ dột, buồn bã, không có tinh thần làm việc; khi gặp phải hạng mục khó nhằn, nhăn nhó, lo lắng mấy ngày trời ăn không ngon ngủ không yên, hiệu suất bị giảm mạnh; gặp phải đồng nghiệp hay đùn đẩy trách nhiệm,... Từ đó bắt đầu chán ghét công việc, thậm chí còn nghĩ đến việc từ chức…

Trên thế giới này, chẳng có công việc nào là không vất vả cả, chẳng nơi nào là con người không phức tạp. Nếu để cảm xúc nâng lên quá đà, đối với công việc mà nói đó là một thứ gánh nặng xa xỉ.

Taizen Yakozen là một copywriter, có lần phải tăng ca tới tận 2 giờ sáng, mệt đến nỗi không kịp tắm rửa đã nằm vật ra giường. Đang định nghỉ ngơi, sếp anh đột nhiên gửi một email tới mắng anh một trận, hơn nữa còn mắng rất thậm tệ, nói anh gần đây làm việc không chuyên tâm. Taizen khi ấy gần suy sụp hoàn toàn, vừa uất ức vừa phẫn nộ, lập tức ngồi bật dậy trả lời lại email của sếp. Anh vừa kể lại mỗi ngày mình cố gắng nhiều đến mức nào, vừa oán trách công việc vất vả, khó khăn biết chừng nào, viết liền một mạch cả ngàn chữ. Viết xong bức mail, anh lại đột nhiên bình tĩnh lại. Anh bắt đầu tự hỏi lại chính mình: “Nếu như đổi lại mình là sếp, không hài lòng với công việc của cấp dưới, gửi một email mắng anh ta thì thứ mình muốn thấy là lời biện minh và lời oán trách sao? Đương nhiên là không!”.

Cuối cùng, Taizen xóa từng dòng chữ trước đó mình vừa viết và chỉ trả lời một câu: “Tôi sẽ suy ngẫm lại vấn đề gần đây, sau đó nhanh chóng chỉnh sửa lại”. Sau đó, anh bắt đầu vừa xem xét lại vấn đề ở bản thân rốt cuộc nằm ở đâu, vừa cố gắng nỗ lực hơn trước kia nhiều lần. Không lâu sau, trong lần sát hạch tiếp theo anh đã được điểm xuất sắc và còn là người được đánh giá cao nhất trong số các nhân viên vào cùng đợt.

Công ty Netflix có một quy tắc văn hóa vô cùng nổi tiếng như thế này: Chúng tôi chỉ tuyển người trưởng thành. Cái gọi là “người trưởng thành” không chỉ là về tuổi tác, mà hơn cả là sự trưởng thành về mặt cảm xúc. Họ sẽ không hành động một cách bồng bột, nóng nảy khi phải chịu uất ức. Họ sẽ không nổi nóng vô cớ, giận cá chém thớt với mọi người xung quanh trong khi đang bận rộn cuống cuồng. Cũng sẽ không đem cảm xúc cá nhân vào công việc, ảnh hưởng đến tiến độ và “lây truyền” cho người khác.

Trong cuốn “Cách sống” của Inamori Kazuo cũng có viết: “Muốn thành công thì đừng có những cảm xúc vô nghĩa. Cho dù bạn có than vãn, oán trách nhiều đến mấy, có uất ức đến mấy thì việc quan trọng nhất, cấp thiết nhất lúc này chính là làm tốt công việc của mình trước, đó mới là tâm thái mà một người trưởng thành nên có”.

Cảm xúc là emotion, còn hành động là motion. Mỗi một phút bạn chìm trong việc tự mài mòn, tự tiêu hao chính mình, thì sẽ bị bớt đi một phút để giải quyết vấn đề thực tế. Mỗi một phần sức lực bạn dành vào việc dây dưa với những người những việc vớ vẩn thì sẽ bị bớt đi một phần sức lực để nâng cao chính mình. Bất kỳ lúc nào, hãy rèn luyện tốt cảm xúc của mình, như vậy mới có thể kiểm soát được công việc thật tốt.

Rèn luyện tâm thái, có thể tự đốt cháy

Trước đây từng được nghe một câu chuyện như thế này. Có một nhóm công nhân làm việc trên đường sắt, một chiếc xe lửa chầm chậm dừng lại ở đường ray bên cạnh. Đội trưởng Jack được Chủ tịch công ty Đường sắt Mike mời lên trên đó nói chuyện hơn 1 tiếng đồng hồ. Hóa ra, 20 năm trước họ từng cùng nhau gia nhập công ty đường sắt. Có đồng nghiệp nửa đùa nửa thật hỏi Jack rằng: “Thế tại sao ông ấy trở thành CEO rồi, ông vẫn phải bán sức với chúng tôi dưới ánh nắng mặt trời thế này?”. Ông cúi đầu: “20 năm trước tôi chỉ làm việc vì 2 USD mỗi giờ, còn Mike lại làm việc vì sự nghiệp đường sắt trong lòng anh ta”. Xung quanh chúng ta có biết bao nhiêu người, khi vừa bước ra ngoài xã hội đều ôm hoài bão, nhiệt huyết giống như Mike, cuối cùng lại sống tạm bợ từng ngày như Jack giữa dòng đời hối hả của cuộc sống.

Vài năm nay có một từ mới khá nổi tiếng trên mạng xã hội Trung Quốc: Tư duy ông chủ. Có nghĩa là gì? Tức là khi bạn làm việc với tâm thái của một ông chủ thì bạn sẽ thu hoạch được sự trưởng thành của cấp quản lý. Còn nếu bạn làm việc với tâm thái của kẻ làm thuê, trả bao nhiêu tiền thì làm bấy nhiêu việc, thà bớt một việc còn hơn thêm một việc, cái gì có thể làm biếng thì làm biếng, vậy thì mãi mãi chỉ có thể dừng lại ở cấp thấp. Thái độ của một người đối với công việc như thế nào sẽ ảnh hưởng tới tầm nhìn của người đó, cũng sẽ quyết định tương lai của anh ta.

Lưu Dung – một vị quan đại thần thời Thanh của Trung Quốc từng kể một câu chuyện như thế này: Có người bạn ngồi kể lể, than vãn với ông về cấp trên quá keo kiệt, mỗi ngày ông ta phải làm việc rất vất vả, nhưng lương bổng lại chẳng được bao nhiêu. Lưu Dung nghe vậy, cố ý nói với ông ta rằng: “Cấp trên xấu xa như thế, vậy thì nghỉ việc cho xong. Nhưng sao ông có thể làm công cốc lâu như thế được, phải học thêm chút nữa rồi hãy chuyển việc”. Bạn ông nghe vậy thấy cũng có lý, thế là bắt đầu mỗi ngày lại tăng ca nhiều hơn chút, học thêm một vài kỹ năng, học cách quản lý. Ông nghĩ, dù gì sau này cho dù là chuyển việc khác hay là tự lập nghiệp thì những thứ này đều có ích cho mình, học thêm được chút nào hay chút ấy. 6 tháng sau, người bạn này của ông không chỉ được tăng lương mà còn được thăng chức. Còn về ý nghĩ nhảy việc trước kia đã không còn trong tâm trí ông nữa.

Bạn thấy đấy, đây chính là sự chuyển biến từ tâm thái của người làm thuê sang tâm thái của ông chủ. Khi ông ấy không còn đặt bản thân vào phía đối lập với cấp trên, với cơ quan, công ty mà đặt trọng tâm vào việc trưởng thành của chính bản thân mình, tất cả đều sẽ phát triển theo hướng tốt hơn. Bước ngoặt của cuộc đời là thái độ công việc. Công việc là liều thuốc hữu hiệu nhất để chữa lành mọi thứ. Nghiêm túc đối diện với mọi chi tiết, mọi công việc mà mình cần làm, kiên trì tiếp tục học tập và cải thiện, như vậy mới có thể trở nên khác biệt với người khác.

Trong thời đại này, trí tuệ nhân tạo (AI) không đáng sợ, thứ đáng sợ là con người chúng ta sống thành những AI. Khi một người hời hợt trong công việc, thực ra cũng là đang tự đào thải chính bản thân mình trong tiềm thức, tự tuyên bố từ bỏ. Khi bạn bắt đầu tự làm việc cho chính mình, bạn sẽ phát hiện ra rằng cho dù môi trường không hề thay đổi nhưng bạn đã trở thành một phiên bản tốt hơn của chính mình khi tự tìm đường đi.

Rèn luyện năng lực, nâng cao giá trị bản thân

Một phóng viên trẻ tới phỏng vấn nhà sáng lập tập đoàn Matsushita – ông Matsushita Konosuke, cả hai nói chuyện cảm giác rất có duyên với nhau. Sau khi kết thúc cuộc phỏng vấn, Matsushita hỏi anh phóng viên: “Bây giờ lương mỗi tháng của anh được bao nhiêu?”. Anh phóng viên trả lời: “Chỉ có 10 ngàn Yên Nhật mỗi tháng”. Matsushita lại nói: “Thực ra mức lương của anh không chỉ có vậy”. Người phóng viên trẻ nhăn mày thắc mắc, Matsushita nói tiếp: “Hôm nay anh giành được cơ hội phỏng vấn tôi, điều này chứng minh anh có tiềm năng nhất định trong việc phỏng vấn. Nếu như anh cố gắng tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm và tài năng ở phương diện này thì anh có thể giống như đi rút tiền trong ngân hàng vậy, tiền để dành trong thẻ ngân hàng sẽ sinh lãi, tài năng của anh cũng sẽ sinh lãi trong “ngân hàng xã hội”, sau này sẽ trả lại anh cả gốc lẫn lãi”.

Sau 3 - 6 tháng dần dần bắt nhịp được công việc, sau 1 - 2 năm sẽ bắt đầu thành thục. Lúc này, việc lựa chọn dừng bước ở trong “vùng an toàn” hay là tiếp tục phát triển bản thân, không ngừng khai thác những tiềm năm và mức thu nhập cao hơn. Đằng sau nó luôn là bài kiểm tra năng lực tự nâng cao giá trị bản thân của một người.

Jim Collins từng nhắc đến “hiệu ứng bánh đà” (Flywheel Effect) vô cùng thú vị: "Ban đầu khi đẩy bánh đà, bạn phải dùng rất nhiều sức lực. Nhưng dần dần, sức lực mà bạn bỏ ra mỗi lần đẩy đều sẽ chuyển hóa thành năng lượng của bánh đà, khiến nó ngày càng nhanh hơn. Cuối cùng nó sẽ tự mình chuyển động, ngày càng nhanh. Trong thời đại thiên biến vạn hóa này, chỉ có không ngừng tự đốt cháy chính mình, kiên trì tiếp tục tiến hóa, mới có thể bứt phá. Khi thực lực của bạn đủ lớn mạnh, cho dù là đi đâu thì đều có thể tiếp tục phát huy năng lực".

Cho dù hiện tại bạn có đang làm trong ngành nghề gì, giai đoạn nào thì không gian phát triển, trưởng thành của bạn mãi mãi không có giới hạn.

2 lời khuyên bên dưới có thể giúp bạn dần dần theo kịp làn sóng của thời đại, không ngừng rèn luyện bản thân:

1. Đổi mới tư duy, nâng cao năng lực tự tiến hóa

Có một định luật khấu hao tri thức như thế này: “Một năm không học tập, tất cả tri thức mà bạn có đều sẽ bị khấu hao 80%. Những thứ mà hôm nay bạn không hiểu thì ngày mai đã trở thành lỗi thời. Đa số quan niệm về thế giới hiện tại này có lẽ không đến 2 năm sau sẽ trở thành quá khứ lỗi thời”. Coi bản thân là một cái ly rỗng, không ngừng tìm đọc, học hỏi, thỉnh giác, tự suy ngẫm, khiến tư duy của bạn phù hợp với thời đại này mới có thể mãi mãi có chỗ đứng vững chắc.

2. Phá bỏ giới hạn của bản thân, tạo nên tính không thể thay thế cho chính mình

Bạn biết không? Có nghiên cứu chứng minh, nếu như một người mỗi ngày tiến bộ 1%, sau 1 năm năng lực của anh ấy có thể nâng cao gấp 38 lần. Trong thời đại này, không phải ai cũng đều có cơ hội trở thành chuyên gia, học giả có học thức cao, phẩm chất tốt, chuyên nghiệp. Nhưng cho dù chỉ là một nhân viên phục vụ cũng có thể mài giũa năng lực, kỹ năng của mình tới cực hạn. Thế giới mỗi ngày một đổi mới, mỗi một sở trường, kỹ năng bạn học được sẽ mãi mãi là thành trì bảo vệ của bạn. Góp gió thành bão, hôm nay tiến bộ nhiều hơn hôm qua một chút, ngày mai sẽ tinh thông nhiều hơn hôm nay một chút. Cố gắng biến bản thân thành 20% trong ngành, đó mới là chân lý sinh tồn lớn nhất của một người bình thường.

Quỷ Cước Thất trong “Đời người đâu đâu cũng là rèn luyện” có một câu nói như thế này: “Nếu như bạn là nhân viên, hãy ghi nhớ 2 từ: siêng năng, nhẫn nhục. Nếu như bạn là người quản lý, hãy ghi nhớ 2 từ: tuân thủ quy tắc, biết phân biệt thị phi. Nếu như bạn là người lập nghiệp, hãy chú ý 2 phương diện: đi theo chính đạo, làm việc thiện”.

Trên đời này, chẳng có công việc nào là không vất vả, không có vị trí nào là ổn định tuyệt đối cả. Coi công việc như rèn luyện, vừa có thể nên việc, vừa có thể thành nhân. Chuyến rèn luyện mang tên “công việc” này, mong chúng ta đều có thể tu thành chính quả.

Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)
Tin nổi bật
Tin cùng chuyên mục
Tin Video
Tin mới