Nỗi lo thực tập
“Mọi người ai cũng bảo thực tập thì dễ, chẳng có gì quan trọng, nhưng nó chính điều kiện cần cho sinh viên chúng mình được tốt nghiệp đúng hạn” – P.A (sinh viên năm cuối UEL) chia sẻ.
Vấn đề chung của hầu hết các sinh viên hiện nay là làm sao có thể tìm kiếm được chỗ thực tập theo đúng như yêu cầu của trường đưa ra, và có được các số liệu phục vụ cho báo cáo thực tập sau này. Nhưng không phải ai cũng có thể kiếm được chỗ thực tập phù hợp với ngành học của mình “Nói thì dễ chứ làm thì khó lắm. Thời buổi khó khăn nên việc nhận thực tập của các công ty, doanh nghiệp cũng hạn chế đi rất nhiều, những bạn có người quen giúp đỡ thì không nói, chứ tự thân vận động như mình cũng phải đi rải hồ sơ khắp nơi, trầy trụa gian nan lắm” – P.A (sinh viên năm cuối UEL) nói. Sau khi qua được vòng hồ sơ, các bạn còn phải trải qua vòng kiểm tra kiến thức, đến cuối cùng phỏng vấn nếu đạt yêu cầu thì mới được nhận.
Được nhận vào thực tập không có nghĩa là đã qua được khó khăn, mà là chấm dứt khó khăn này để đến với khó khăn khác lớn hơn. “Ngày thường đi học cố gắng 1 thì giờ đi thực tập phải cố gắng 10” – T.H (sinh viên UEH) chia sẻ. Đa số các công ty doanh nghiệp tuyển thực tập nhưng không cho các bạn có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các công việc cũng như nghiệp vụ, nhiệm vụ của thực tập chỉ dừng lại ở những việc lặt vặt như sắp xếp, photo hoặc in ấn giấy tờ theo yêu cầu. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự khó khăn trong vấn đề xin tài liệu cho bài báo cáo thực tập. “Không cho lấy số liệu, các công ty đều bảo đó là số liệu mật, rất khó để cung cấp cho thực tập sinh, những lúc như thế, chúng mình hoặc là lên mạng lấy thông tin ảo, hoặc là tìm kiếm từ các bài báo cáo của các anh chị đi trước” – nhóm sinh viên năm cuối trường ĐH Công nghiệp tâm sự.
Tốt nghiệp đúng hạn và việc làm
Không có chỗ thực tập, không được cung cấp cho số liệu chính là 1 trong số các nguyên nhân dẫn đến việc giảm mạnh trong số lượng sinh viên đầu ra của các trường đại học. Nhưng thế hệ tốt nghiệp đúng hạn lại phải đối đầu với vấn đề nan giải khác chính là việc làm. Không phải ai vừa ra trường cũng “vớ” ngay được công việc đúng với chuyên ngành hoặc sở thích của mình.“Nhưng có còn hơn không. Mình cứ thấy ở đâu tuyển dụng mà cảm thấy bản thân có khả năng thì nộp đơn vào thôi, dù biết nó không phải là chuyên ngành ở Đại học” – sinh viên trường Đại học Sài Gòn nói.
Vượt vũ môn bước vào ngưỡng cửa ĐH không có nghĩa là bạn thành công trong cuộc sống. Những cô cậu sinh viên năm đầu hăm hở bước vào trường với sự vui vẻ hớn hở bao nhiêu, thì những anh chị sinh viên năm cuối cũng đau đầu khi chuẩn bị bước vào đời bấy nhiêu. Tuy nhiên, không có điều gì là tuyệt đối, chỉ cần bản thân bạn luôn cố gắng, không từ bỏ, nản chí, vẫn luôn giữ được lửa trong lòng, thì chắc chắn cánh cửa việc làm sẽ mở rộng chào đón bạn.