Trong căn nhà hai gác nhỏ, đồ đạc được bày lỉnh kỉnh để bán làm cho căn phòng trở nên chật chội, lần đầu tiên phóng viên được nghe những câu chuyện về Jenny Phương do bố mẹ cô kể. Có đôi chút bất ngờ, tức giận nhưng trên cả vẫn là sự xót xa, tình thương mà bố mẹ dành cho cô con gái trót “hư hỏng” của mình.
Chị T, mẹ Jenny Phương cho biết chị mới biết thông tin về Jenny Phương vào hôm trước, khi có một người hàng xóm sang báo tin và chị nằm lịm người, thức suốt đêm suy nghĩ vì con. Còn anh H, bố Jenny Phương thì mới về sau khi trở ra quê Thanh Hóa dự đám tang người cô nên chưa biết được tin sốc này.
Qua lời chị T, ngày nhỏ Phương cũng ngoan hiền, đặc biệt cô có một mái tóc rất dài và bóng mượt. Có lần, giận con không nghe lời chị đã vấn tóc Jenny Phương vào cầu thang mà đánh. Nhưng bởi bản tính ham chơi và nghe bạn bè xúi, Phương đã cắt đi mái tóc dài bóng mượt của mình, thành một mái tóc ngắn. “Không giấu gì cô, hiện tại con gái tôi cũng không có bằng cấp gì cả, hồi nhỏ Hường (tên thật của Jenny Phương - pv) hiền lành thật thà chứ không ranh mãnh như người khác, vì bỏ học chơi game mà có bữa tôi đã đánh con từ quán net đánh về nhà", chị T kể.
"Nói thật với cô là Hường mới chỉ học đến lớp tám, học yếu lắm, thi lại không qua được nên phải học lại và bỏ học. Nó bảo với tôi là không đi học mà thích làm người mẫu, nên tôi đã tìm và xin cho nó vào học ở một trung tâm đào tạo người mẫu gần nhất, ở quận Tân Bình. Những ngày đầu học tôi đưa đi đón về", chị tiếp tục kể.
Chị T nói Jenny Phương mới bắt đầu đi làm từ năm 2011 đến nay, với rất nhiều việc như chụp hình, đóng quảng cáo, và trình diễn áo dài của một nhà thiết kế. Mới đây Jenny Phương cũng tham gia chụp hình trong bộ ảnh quảng cáo về Euro vừa mới phát hành. Năm ngoái, Jenny Phương về rút học bạ tính đi học bổ túc, nên thông tin rằng cô tốt nghiệp trường cấp ba Củ Chi trước đó mà báo chí đưa tin là sai.
"Xin cho con tôi một con đường..."
Anh H, bố Jenny Phương vừa trở về Thanh Hóa dự tang nên khi trở vào TP.HCM vẫn chưa hề hay biết thông tin Jenny Phương bị bắt quả tang bán dâm với giá 2.500 USD. Chỉ khi phóng viên đặt câu hỏi, anh mới ngỡ ngàng. Quá sốc trước thông tin này, anh H sững người và cứ lặp đi lặp lại câu hỏi: “Cái gì đó em, cái gì đó?”.
Anh H cho biết: Thường thì chiều thứ 7 nào Jenny Phương cũng điện thoại hoặc về nhà, nhưng chiều thứ 7 vừa rồi anh có điện thoại cho con không thấy bắt máy? Chờ mãi không thấy con về, đến ngày thứ 2 điện thoại cũng không nghe, hôm sau anh lại phải ra Thanh Hóa dự đám tang người cô. Đến nhà ga gọi điện thì thấy Jenny Phương bắt máy. Tôi hỏi, con đang ở đâu? Nó bảo con ở trong phòng. Tôi hỏi mấy hôm nay mẹ điện sao không bắt máy? Nó bảo, con bị mất điện thoại”, anh H kể.
"Đúng là giờ tôi mới nghe cái tin này... Nghĩ ra rất đau lòng và xót ruột với con gái..." Trong mắt anh H Jenny Phương vẫn còn rất bé bỏng. Những ngày đầu con gái lên thành phố học làm người mẫu, chính anh là người đưa đón. “Con đi học tôi chở nó lên rồi ngồi chờ con học hết lai về”. Như không tin nổi con gái mình đi vào con đường đó, anh H nói: "Tôi về Bắc chỉ được ba ngày rồi vội vàng quay vào vì vợ bị bệnh lại không biết đi xe, con thì nhỏ. Còn nhớ thời cứ 3h sáng là dậy đi bốc vác, 9-10h đêm mới về rất khổ nhưng tôi cũng dạy dỗ con từng tí một. Tôi vẫn nói với con: Ngày trước bố mẹ đẻ con ra chỉ có một miếng gạo hấp một nồi khoai, vào đây bố mẹ làm mọi việc để nuôi con ăn học, vậy mà… Bà của nó ở quê cũng hay gọi điện vào nhắc nhở cháu, gia đình tôi cũng suốt ngày răn dạy nó...", anh H đau khổ cho biết.
Khi phóng viên hỏi: Anh chị cho con đi làm người mẫu có lường hết những cám dỗ của nghề hay không, mẹ Jenny Phương cho biết bản thân chị cũng chỉ xem trên ti vi, thấy người ta trình diễn quần áo, đồ đạc rồi thấy con gái thích là cho con đi học chứ. "Chúng tôi ở nông thôn đâu có biết được là cháu lại đi làm như vậy..."
Không để phóng viên hỏi thêm nữa, chị T tâm sự: "Dù sao cháu cũng đã liên quan rồi, cô đã đến đây rồi, cô cũng biết, vợ chồng chúng tôi cũng từ nông dân mà ra, đều là dân chân lấm tay bùn giờ mà bỏ rơi con cái khiến nó nghĩ ngợi lung tung rồi làm quẩn, đến khi ân hận cả đời rồi cũng khổ cô à”. Chị cố nói thêm: "Ai cũng có lầm lỡ, người lẫm lỡ nhiều lầm lỡ ít, nhiều gia đình bố làm cán bộ con cũng rơi vào con đường nghiện ngập cũng đành phải chịu. Xã hội ngày nay không ai nắm tay con từ sáng đến tối và bảo con tôi tài con tôi giỏi đâu cô ơi, xã hội ngày nay có nhiều cám dỗ lắm! Tôi khẩn mong báo chí hãy cho con tôi một con đường để cháu làm lại cuộc đời"...
Nghĩ ngợi thêm một lúc, dường như sợ con gái không chịu nổi cú vấp ngã, chị T nói tiếp như van xin: "Cô ơi, đẻ con ra không ai muốn con như vậy cả, người đau khổ nhất là bố mẹ thôi. Bây giờ xã hội đã bè dỉu rồi nếu về nhà còn bị bố mẹ hắt hủi nữa, nó nghĩ quẩn, nghĩ quanh nữa thì mình mất con thôi... Tôi mong cô, mong báo chí, khi cầm bút viết thì viết sao để cháu có thể ngẩng mặt lên, nó quay về để làm lại cuộc đời... Chúng tôi sẽ khuyên nhủ rồi tạo điều kiện cho cháu làm lại, chứ gia đình bây giờ đau xót lắm...”