Nếu như fans của phim Hàn từng sung sướng khi thấy thần tượng Lee Min Ho, Kim Soo Hyun và Kim Woo Bin xuất hiện trong các đề thi ở Hàn Quốc, Trung Quốc vì mức độ “hot” sau khi tham gia những bộ phim đình đám, thì ở Việt Nam, những sao Việt như: Ngọc Trinh, Bà Tưng, Hoài Lâm… cũng khiến cư dân mạng “sôi sục” khi thay nhau xuất hiện trong các đề thi. Sự xuất hiện của họ một mặt phản ánh mức độ nổi tiếng vào lúc đó, mặt khác, cũng phần nào thể hiện được những vấn đề mang tính thời sự nóng hổi. Đó là chưa kể đến việc, khi họ xuất hiện trong những đề thi kiểu này sẽ tạo cho các thí sinh thói quen trình bày quan điểm riêng của mình trước những vấn đề đang gây chú ý trong đời sống hiện tại.
Cùng chúng tôi điểm lại 4 ngôi sao từng “nổi như cồn” khi được xuất hiện trong các đề thi của học sinh Việt Nam:
Hoài Lâm xuất hiện trong đề thi thử môn Văn
Mới đây nhất, “hiện tượng” Hoài Lâm đã khiến nhiều người phải ngạc nhiên khi xuất hiện trong đề thi thử môn Văn Đại học của một Trung tâm luyện thi tại Đà Nẵng. Đề thi này nhanh chóng nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ cộng đồng mạng, bởi thời gian gần đây, Hoài Lâm là cái tên luôn nằm trong top từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất khi thể hiện cực kỳ thành công tài năng của mình trong chương trình “Gương mặt thân quen" và giành ngôi vị Quán quân.
Đề thi này ghi rõ: “Đêm 14/6, Gala chung kết Gương mặt thân quen với sự chiến thắng tuyệt đối của chàng trai 19 tuổi Hoài Lâm. Nam ca sĩ này đã trở nên xuất thần khi hóa thân vào vai cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và Thanh Sang trong vở tuồng kinh điển “Tiếng trống Mê Linh”.
Bao nhiêu người đã khóc. Khóc vì nghĩ đến Thanh Nga, vì bộ môn nghệ thuật vẫn không bị mai một.
Nhưng có lẽ, phần đông mọi người khóc vì không khí bi hùng của một thời kỳ vang bóng. Khi thái thú Tô Định bắt sống chồng của bà Trưng Trắc làm con tin, với lời đe dọa gửi đến nghĩa quân hoặc đầu hàng, hoặc chồng bà sẽ bị thiêu sống. Đứng trước sự lựa chọn sinh tử, bà vẫn ra quyết định mang tính sống còn cho cả dân tộc: "Nổi trống lệnh Mê Linh thúc giục nghĩa quân xông lên tấn công thành Luy Lâu, giành lại độc lập". Người gánh vác vận mệnh cả dân tộc trên vai ấy đã dõng dạc cất lên lời tuyên ngôn đanh thép: “Nước Nam ta trường tồn đến muôn đời!”.
Không khí ấy, con người ấy khiến cho anh/chị mở ra một góc nhìn như thế nào về lòng tự hào dân tộc của con người Việt Nam? Khí thế và lực nước ta còn yếu, theo anh/chị, tuổi trẻ phải có hành động thực tiễn nào để phát huy tinh thần đó trong bối cảnh hiện tại. Hãy viết một bài văn ngắn (không quá 600 từ) thể hiện suy nghĩ của mình”.
Việc Hoài Lâm bất ngờ xuất hiện trong đề thi Văn đã khiến những người yêu mến anh vô cùng háo hức. Đa số đều cho rằng, Hoài Lâm đã thể hiện vai diễn này hết sức xuất sắc. Trên trang cá nhân của Hoài Lâm, những người yêu mến anh cũng nhanh chóng chia sẻ đề thi này. Thậm chí, một số thành viên còn hy vọng Hoài Lâm sẽ tiếp tục được đề cập đến trong đề thi Đại học diễn ra sắp tới.
Bà Tưng, Ngọc Trinh xuất hiện trong đề thi Học sinh giỏi Văn
Mấy năm trước, Ngọc Trinh từng khiến mạng xã hội chao đảo với phát ngôn “Không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Và sau Ngọc Trinh, Bà Tưng (Lê Thị Huyền Anh) cũng có một phát ngôn “sốc” liên quan đến tiền bạc với ngụ ý, muốn có nhiều đại gia cho cô thật nhiều tiền. Những phát ngôn liên quan đến tiền của hai người đẹp này nhanh chóng trở thành đề tài bàn tán của cư dân mạng và cũng thật bất ngờ khi không lâu sau đó, vấn đề này đã được đưa vào trong đề thi Học sinh giỏi Văn lớp 12 của thành phố Hải Phòng vào tháng 10/2013.
Nội dung đề thi này ghi rõ: “Người mẫu Ngọc Trinh từng trả lời phỏng vấn rằng: “Yêu không có tiền thì cạp đất mà ăn à?”. Mới đây cô gái trẻ Lê Thị Huyền Anh (biệt danh Bà Tưng) khi trả lời một trang mạng xã hội, cũng thẳng thắn: “Tôi mơ ước có nhiều đại gia, nhiều người giàu quan tâm đến mình, cho tôi thật nhiều tiền”. Từ những hiện tượng trên, anh/chị hãy viết một bài văn (tối đa 800 từ) về chủ đề tiến bộ xã hội và ước mơ đại gia của cô gái trẻ”.
Ngay lập tức, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều phản ánh về sự xuất hiện của hai người đẹp này ở trong đề thi. Ngoài những ý kiến cho rằng, cách ra đề thật mới lạ, có thể giúp học sinh tự do trình bày quan điểm cá nhân, phản ánh đúng những vấn đề nóng hổi đang xảy ra ở thời điểm đó thì cũng có một số ý kiến cho rằng, đây là những nhân vật “tai tiếng”, không nên đưa vào đề thi, hoặc đề thi này đã vô tình cổ súy cho lối sống vật chất, thích hưởng thụ của giới trẻ.
Phương Mỹ Chi xuất hiện trong đề kiểm tra Giáo dục công dân
Cuối năm 2013, cộng đồng mạng lại được dịp xôn xao khi bài kiểm tra học kỳ I môn Giáo dục công dân lớp 7 của một trường học tại Đà Nẵng có câu hỏi liên quan đến Phương Mỹ Chi – “hiện tượng” của chương trình Giọng hát Việt nhí 2013.
Cụ thể, ở câu 2b trong đề thi này có hỏi: “Bạn Phương Mỹ Chi trong chương trình Giọng hát Việt nhí đã tiếp nối truyền thống gia đình (cô ruột) bằng cách hát những ca khúc ngọt ngào mang đậm âm hưởng dân ca miền Nam làm rung động hàng triệu trái tim người yêu nhạc Việt Nam, đặc biệt là nhiều bạn trẻ vốn đang “quay lưng” với âm nhạc truyền thống. Là một học sinh cùng lứa tuổi với Phương Mỹ Chi, em có suy nghĩ và cảm nhận gì về điều này?”.
Đề thi này nhanh chóng nhận được rất nhiều sự quan tâm của độc giả, đặc biệt là fans của “chị Bảy”. Đa số đều cho rằng, đề thi này có tính chất giáo dục sâu sắc. Tuy nhiên, theo ý kiến của một số người thì những học sinh không biết Phương Mỹ Chi có thể gặp khó khăn trong việc làm bài.